Sáng 17/9/2021, Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã ra mắt trạm y tế lưu động tại doanh nghiệp. Đây là mô hình mới, đầu tiên của cả nước, tiếp nối thành công của trạm y tế lưu động tại xã, phường.
Dự kiến, đến ngày 15/10 sẽ hoàn thành việc bố trí các trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp.
Theo Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên, đây là trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp đầu tiên của thị xã cũng như của tỉnh Bình Dương.
Thông qua mô hình, các cơ sở y tế tư nhân cùng chung tay với cơ sở y tế công, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và các công việc liên quan đến y tế cho doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Tân Uyên.
Trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp được Trung tâm y tế thị xã trang bị đầy đủ bình oxy, thuốc kháng đông đường tiêm, đường uống, thuốc Corticoid và các túi thuốc cho F0 không triệu chứng và có triệu chứng. Đặc biệt, trạm y tế lưu động được trang bị phần mềm quản lý truy vết Covid-19.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết theo quy định hiện nay, trong các khu, cụm công nghiệp, mỗi doanh nghiệp có 500 công nhân trở lên phải có nhân viên y tế và từ 1.000 trở lên phải có phòng, trạm y tế.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các công ty đang hoạt động tương đối tốt. Thời gian tới, ngành sẽ triển khai thêm nhiệm vụ cho các phòng, trạm y tế tại công ty phải xây dựng kịch bản khi có Covid-19 xảy ra; mỗi đơn vị phải có thiết bị và phương tiện tổ chức cấp cứu. Ngoài ra, tỉnh tăng cường phát triển các trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp theo phương thức xã hội hóa.
Các doanh nghiệp phải đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho công nhân; tổ chức quản lý, xét nghiệm, khoanh vùng xử lý những F0 phát hiện trong khu công nghiệp để khi có ca mắc Covid-19 xảy ra không phải đóng cửa doanh nghiệp mà vẫn có thể tự bóc tách, chữa trị, tiếp tục hoạt động bình thường.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đánh giá cao việc cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống dịch góp phần cùng cơ sở y tế công chăm lo sức khỏe cho người dân, người lao động trên địa bàn. Đây là mô hình mới đầu tiên của tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị chính quyền, ngành y tế địa phương quan tâm, theo dõi, chỉ đạo, hỗ trợ trên tinh thần vừa hoạt động vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã thành lập 27 trạm y tế lưu động tại 15 phường đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, trong đó thành phố Thuận An có 15 trạm, Dĩ An 4 trạm, thị xã Tân Uyên 8 trạm.
Tỉnh sẽ tiếp tục bố trí các trạm y tế lưu động phù hợp tại các địa phương “vùng đỏ,” “vùng xanh,” tại các khu, cụm công nghiệp gắn với trang bị đầy đủ về phương tiện, nhân lực, vật tư y tế, bình oxy và các loại thuốc điều trị cần thiết… đảm bảo người dân, công nhân lao động được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất.