Bình đẳng giới tạo gắn kết yêu thương

GD&TĐ - Dưới những tác động của xã hội hiện đại, cuộc sống trong các gia đình đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt các giá trị hôn nhân gia đình ở Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mau lẹ từ mô hình truyền thống sang mô hình gia đình hiện đại. Việc giữ gìn các giá trị truyền thống tích cực và hội nhập những giá trị mới là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Bình đẳng giới tạo gắn kết yêu thương

Những tác động của xã hội hiện đại

Từ xưa tới nay ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt được ghi nhận đó là gia đình (nhà), làng và nước. Bởi vậy nền tảng của một xã hội văn minh, công bằng sẽ phải liền với những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi từ gia đình.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại những ảnh hưởng của nhiều thành phần kinh tế đã tác động không nhỏ tới sự bền vững trong mỗi một gia đình. Không thể phủ nhận, so với trước đây tình trạng ly hôn, ly thân, sống không có đăng ký kết hôn có số lượng gia tăng.

Việc hội nhập quốc tế cũng dẫn tới sự xuất hiện các mô hình gia đình mà chồng hoặc vợ là người nước ngoài. Kiểu gia đình truyền thống nhiều thế hệ sống chung một mái nhà cũng thưa dần, nhường chỗ cho mô hình của các gia đình trẻ.

Điều này dẫn tới văn hóa ứng xử trong gia đình cũng có sự đổi khác. Đó là chưa kể yếu tố bạo lực tại gia đình ngày càng gia tăng. Thực trạng phân hóa giàu nghèo cũng sẽ kéo theo những hệ lụy của vấn đề đảm bảo quyền lợi trong việc chăm sóc các đối tượng trẻ em và người già trong xã hội.

Trong nghiên cứu về vấn đề gia đình, NCS Trần Quý Long, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chia sẻ: So với nam giới thì nữ giới có xu hướng bảo lưu những giá trị truyền thống hơn. Người DTTS có xu hướng bảo lưu những giá trị truyền thống trong hôn nhân hơn người Kinh.

Nhóm người trẻ tuổi có xu hướng chấp nhận các giá trị hiện đại hơn trong khi nhóm người lớn tuổi lại có xu hướng bảo lưu các giá trị truyền thống. Hay người có học vấn cao hơn sẽ đề cao các giá trị hiện đại hơn. Và người ở khu vực thành thị có sự cởi mở hơn so với người dân ở nông thôn…

Cần nhìn nhận đúng mức

Như vậy muốn giảm thiểu những thiệt thòi về vật chất và tinh thần cho người phụ nữ rất cần có sự chia sẻ. Theo NCS Trần Quý Long, để có một cuộc hôn nhân bền vững thì các giá trị truyền thống tích cực vẫn có vai trò quyết định.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến nên trên thực tế, người phụ nữ vẫn chưa có sự bình đẳng hoàn toàn với nam giới. Nhiều phụ nữ chưa được người chồng chia sẻ, lắng nghe những tâm tư riêng và họ cũng không được người chồng chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Bày tỏ quan điểm của mình về vai trò của người phụ nữ trong gia đình hiện nay, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình, chủ nhiệm chương trình Bếp ấm tâm hồn cũng cho rằng: Việc người phụ nữ độc lập về tài chính, kinh tế, có những thay đổi vượt bậc trong xã hội khiến họ nhận thức rõ ràng hơn về cuộc sống, nhu cầu của bản thân.

Cùng với thiên chức “xây tổ ấm”, những phụ nữ hiện đại ngày nay luôn năng động và biết làm mới bản thân. Họ vẫn là những người có vai trò sưởi ấm gia đình, chăm sóc chồng con nhưng họ đã thực sự bước ra trên chính đôi chân của mình.

Những người phụ nữ chính là đối tượng đã góp phần thay đổi mô hình gia đình truyền thống. Bên cạnh vai trò nội trợ họ đã khẳng định được năng lực của bản thân. Do đó trong mỗi gia đình, người chồng cũng phải thay đổi cần biết chia sẻ công việc gia đình và chăm sóc con cái với người bạn đời.

Những thay đổi tích cực với từng thành viên trong gia đình sẽ tạo nên mô hình gia đình phát triển theo chiều hướng bình đẳng giới. Đây cũng là những nhân tố thúc đẩy xã hội hướng tới một đất nước giàu mạnh, văn minh và nhân văn hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ