Hàn Quốc: Nhiều bất cập trong chương trình GD giới tính

GD&TĐ - Chương trình hướng dẫn GD giới tính quốc gia của Hàn Quốc bị chỉ trích là lỗi thời và thiên kiến, tuy nhiên tình hình chưa được cải thiện…

Hàn Quốc: Nhiều bất cập trong chương trình GD giới tính

Hiểu biết ngô nghê

Vài tháng trước, một nam sinh 16 tuổi lên cổng thông tin Naver hỏi rằng khi quan hệ tình dục với bạn gái đã sử dụng túi nilon bị thủng thay vì bao cao su – như vậy bạn gái có mang thai không? Những câu hỏi ngô nghê kiểu như vậy đáng ngạc nhiên lại khá phổ biến trên web công cụ tìm kiếm lớn nhất ở Hàn Quốc.

Những câu hỏi kiểu vậy cho thấy sự thiếu kiến thức căn bản về sức khỏe sinh sản và đặt dấu hỏi về hiệu quả giáo dục giới tính trong trường học Hàn Quốc.

Hiện tại, học sinh từ lớp 5 tiểu học đến THPT được quy định học ít nhất 15 giờ giáo dục giới tính từ một giáo viên giáo dục thể chất hàng năm. Nhưng chương trình giảng dạy chủ yếu chỉ giới hạn với những thông tin hời hợt về kiềm chế ham muốn tình dục thay vì giáo dục học sinh về tình dục, sự thuận tình và cách phòng tránh thai.

Năm 2015, Bộ Giáo dục ban hành Tiêu chuẩn GD giới tính học đường quốc gia – mang tính phổ cập toàn quốc để giáo viên dựa vào đó giảng dạy.

Tuy nhiên bộ hướng dẫn, mà Bộ Giáo dục mất tới 2 năm biên soạn và tốn phí 600 triệu won (540.000 USD), đã vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận do nội dung lỗi thời và thiên kiến.

Ví dụ tài liệu trên phân tích một lí do dẫn tới bạo lực tình dục là “phụ nữ không trả phí tổn hẹn hò và đàn ông muốn làm gì đó đáp trả”(?!). Sách cũng nói rằng đàn ông có ham muốn tình dục mạnh mẽ và bốc đồng, vì vậy điều quan trọng là phụ nữ phải ứng phó phù hợp với tình huống – đặt trách nhiệm ngăn ngừa tấn công tình dục lên phụ nữ (?!). Sách còn khuyên nạn nhân bạo lực tình dục “kiểm soát suy nghĩ tiêu cực và cố gắng nghĩ tích cực” (?!)…

Lảng tránh vấn đề

Mặc dù bị phản ứng như vậy, chương trình vẫn được sử dụng làm tài liệu hướng dẫn căn bản cho giáo dục giới tính trong các nhà trường – theo Jeong Yun-ji, Tổng thư kí Trung tâm Sức khỏe sinh sản thanh thiếu niên – tổ chức tư vấn GD tình dục được tài trợ bởi chính quyền thành phố Busan và Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình.

“Thậm chí nếu giáo viên muốn nói về các chủ đề không có trong hướng dẫn như nhận dạng giới tính hay đồng tính luyến ái, thì nói về những vấn đề như vậy bị cấm triệt để. Vì vậy, chương trình của Bộ thực tế kéo lù GD giới tính trong trường học” – Jeong nhìn nhận.

Một số tổ chức thậm chí kêu gọi huỷ bỏ hoàn toàn bộ tiêu chuẩn. Tuy nhiên Bộ Giáo dục chưa chính thức huỷ bỏ ấn phẩm này – theo Wi Chang-hui, Tổng thư kí Trung tâm Văn hoá Sức khỏe sinh sản Thanh niên Hàn Quốc.

Wi cho biết một số tổ chức đã đề xuất ý tưởng đưa ra những hướng dẫn mới dựa trên tiêu chuẩn quốc tế về GD giới tính nhưng Bộ Giáo dục vẫn lảng tránh bằng “những câu trả lời không rõ ràng”.

Trong khi GD giới tính chính thống không đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin thì mạng xã hội và Internet là nơi giới trẻ tìm đến.

“Học sinh cần kiểm soát ham muốn tình dục nhưng giáo dục giới tính hiện tại ở Hàn Quốc buộc áp chế ham muốn đó. Vì vậy, học sinh tìm đến các tài liệu khiêu dâm để tìm hiểu về tình dục – và nguồn tài liệu này không giúp giới trẻ hiểu rằng quan hệ tình dục không có sự đồng thuận từ hai phía nghĩa là bạo lực” – Jeong giải thích.

Jeong nhấn mạnh: Mặc dù hỗ trợ nạn nhân bị cưỡng bức tình dục là quan trọng, thì điều thiết yếu là cung cấp cho học sinh kiến thức ngăn chặn những vụ việc như vậy lặp lại. Tuy nhiên, giáo dục Hàn Quốc đang tập trung vào giải quyết hệ quả tấn công tình dục thay vì ngăn chặn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.