Cụ thể, công trình phải cắt một tầng nổi trên mặt đất, phần kiến trúc còn lại sẽ được cải tạo để hài hòa tỷ lệ với cảnh quan. Vậy nhưng thực tế, đến thời điểm này, công trình vẫn “cơ bản được giữ nguyên”, thậm chí còn “bề thế” hơn khi có thêm một tầng mái...
Công trình Panorama Mã Pì Lèng được khởi công vào tháng 4/2017. Đến đầu tháng 10/2019, sau khi có thông tin phản ánh những sai phạm, huyện Mèo Vạc đã lập đoàn kiểm tra liên ngành. Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang đề xuất phá, tuy nhiên sau đó lại đề xuất cải tạo, chỉnh trang một phần công trình...
Đầu tháng 3/2020, UBND tỉnh Hà Giang chủ trì cuộc họp lấy ý kiến của Hội Di sản văn hóa, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Cục Di sản văn hóa, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Tại cuộc họp này, UBND tỉnh Hà Giang để chủ đầu tư trình bày đề xuất cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh không lưu trú qua đêm.
Đến tháng 8/2020, tỉnh Hà Giang chỉ đạo cải tạo nhưng công trình Panorama Mã Pì Lèng chỉ bị phá dỡ một phần mái nhô ra phía sông Nho Quế, các góc che khuất tầm nhìn người đi đường. Về cơ bản quy mô công trình không thay đổi, thậm chí còn “có vẻ” bề thế hơn.
Trả lời trên báo chí về việc này, một kiến trúc sư - vốn được UBND tỉnh Hà Giang tham vấn ý kiến trong một hội nghị nói rằng đã góp ý phải cải tạo công trình hài hòa với cảnh quan. Thấp nhỏ thôi nhưng đúng kiến trúc của một điểm dừng chân và mang yếu tố văn hóa bản địa.
Vậy nhưng với những gì đã diễn ra, vị kiến trúc sư này bày tỏ thất vọng: Đây là một tòa nhà chứ không phải một điểm dừng chân. Mặt đứng của công trình vẫn lớn so với trạm dừng chân ngắm cảnh, vẫn lấn át cảnh quan xung quanh...
Đáng lẽ phải tháo dỡ một tầng, xử lý lại kiến trúc để thân thiện với cảnh quan xung quanh chứ không phải làm nổi bật lên. Kiến trúc của điểm dừng chân thành công phải mang nhiều giá trị văn hóa bản địa trong đó, đồng thời khơi gợi thêm tình yêu cảnh quan và muốn trở lại...
Cần nhắc lại rằng, với trách nhiệm quản lý Nhà nước về di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở UBND tỉnh Hà Giang kiểm tra, giám sát và tuân thủ Luật Di sản văn hóa.
Bởi công trình này dù được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng nhưng lại nằm trong công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - Di sản được UNESCO ghi danh và 3 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nếu chiếu theo quy định tại Điều 36, Luật Di sản văn hóa thì công trình không bảo đảm các nội dung yêu cầu, không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam, thắng cảnh Công viên cao nguyên đá Đồng Văn theo quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu đã được Thủ tướng phê duyệt.
Thực tế, Hà Giang đã kiên quyết bảo lưu quan điểm giữ lại và cải tạo công trình, nhưng quá trình cải tạo lại “không như mong muốn”. Do vậy, vấn đề cần làm rõ và phải nhanh chóng có câu trả lời ở đây là việc cải tạo được thực hiện như thế nào? Có đúng với phương án đã thống nhất hay không? Nếu thực hiện không đúng, chưa đúng thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thế nào chứ không thể theo kiểu “bình cũ, rượu... cũng cũ”.