Biểu tình lan rộng khắp Ấn Độ vì Luật Công dân mới

GD&TĐ - Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại ít nhất 15 thành phố ở Ấn Độ, bất chấp lệnh cấm các cuộc tụ họp công cộng ở một số khu vực. Sự phẫn nộ của người dân dần tăng đối với việc xây dựng Luật Công dân mới gây nhiều tranh cãi và được cho là phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo.

Người biểu tình chống lại Luật Thay đổi quốc tịch
Người biểu tình chống lại Luật Thay đổi quốc tịch

Tuần hành trở thành xung đột

Ít nhất ba người chết trong bạo lực, khi hàng nghìn người xuống đường trên khắp Ấn Độ. Hai người chết vì bị thương trong cuộc biểu tình ở thành phố Mangalore, thuộc bang Karnataka, miền Nam, một người nữa đã chết vì vết thương do bị bắn trong cuộc biểu tình ở Lucknow, thủ đô của miền Bắc bang Uttar Pradesh.

Ở Uttar Pradesh, những người biểu tình và cảnh sát đã đụng độ dữ dội ở Lucknow, nhiều tòa nhà và phương tiện bị đốt cháy. Xe buýt trong thành phố Sambhal cũng bị người biểu tình đập phá.

Tại thủ đô New Delhi, dường như các nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình không hiệu quả. Những đám đông khiến một phần của khu vực trung tâm thành phố tắc nghẽn.

Một số ga tàu điện ngầm đã bị đóng cửa với lý do “an toàn và an ninh”. Các hãng hàng không Air India và Indigo buộc phải hoàn trả tiền vé cho hành khách của các chuyến bay nội địa và quốc tế từ thủ đô.

Những đám đông cũng tập trung tại các thành phố lớn như Mumbai, Kolkata, Hyderabad, Malegaon và Chennai. Cảnh sát đã bắt giữ 70 người ở thành phố phía Nam thành phố Bengaluru sau khi những người biểu tình từ chối giải tán khỏi hai địa điểm này.

Đạo luật Thay đổi quốc tịch (CAA) vừa được thông qua tuần trước khiến người dân phẫn nộ. Luật hứa hẹn sẽ xử lý một cách nhanh chóng về quyền công dân Ấn Độ đối với các nhóm thiểu số tôn giáo từ ba quốc gia láng giềng đã đến Ấn Độ trước năm 2015, tuy nhiên điều này không áp dụng đối với người Hồi giáo.

Các nhà phê bình cho rằng, luật này là vi hiến và sẽ gây thiệt thòi cho cộng đồng 200 triệu người Hồi giáo của Ấn Độ.

Luật thời… thuộc địa

Chính phủ Ấn Độ đã tìm cách dập tắt mọi bất ổn về việc thông qua luật này. Tuần trước, các nhà chức trách đã cắt Internet ở bốn bang Đông Bắc sau khi các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra. Thứ Năm vừa qua, một đạo luật thời thuộc địa ngăn chặn sự tụ tập của bốn người trở lên - được gọi là Mục 144 - đã được áp dụng.

Cảnh sát New Delhi đã áp đặt Mục 144 xung quanh Pháo đài Đỏ trước khi cuộc biểu tình diễn ra, sau khi cảnh sát từ chối cấp phép cho hoạt động này. Luật này cũng được áp đặt ở Bengaluru và trên toàn bộ bang Uttar Pradesh - khu vực đông dân nhất Ấn Độ.

Các nhà tổ chức hành động trên toàn quốc kêu gọi mọi người tập hợp bất kể các hạn chế cấm. “Việc cảnh sát áp đặt Mục 144 là một nỗ lực ngăn cản cuộc tuần hành của chúng tôi. Điều này sẽ không cản trở chúng tôi. Chúng tôi vẫn tập hợp ở đó để diễu hành”, Yogendra Yadav, người sáng lập Swaraj Abhiyaan, một nhóm tổ chức tuần hành cho biết.

Nhiều người tham gia tuần hành cho biết, chính phủ đang sử dụng lệnh cấm để bóp nghẹt tiếng nói của người dân Ấn Độ. “Đây là một cuộc biểu tình ôn hòa của những công dân muốn duy trì các giá trị của Hiến pháp. Họ đã sử dụng luật thời thuộc địa để đàn áp chúng tôi và tiếng nói của chúng tôi”, nhà sử học Ấn Độ Ramachandra Guha viết trên tài khoản Twitter của ông.

Tại New Delhi, Công ty Viễn thông Vodafone Ấn Độ đã thông báo ngắn gọn rằng các dịch vụ của họ đã bị đình chỉ ở một số nơi trong thành phố. Nhiều báo cáo trên các phương tiện truyền thông địa phương cho rằng, chính phủ đã ra lệnh đình chỉ các dịch vụ di động và dữ liệu tại nhiều khu vực của thủ đô khi các cuộc biểu tình đang diễn ra.

Vodafone trong một trả lời cho một khách hàng rằng các dịch vụ đã bị dừng ở sáu địa điểm trên toàn thành phố. CNN đã liên hệ với chính quyền địa phương để xác nhận. Trong khi đó, những người tham gia biểu tình ở khu vực Pháo đài Đỏ cho rằng đó là quyền biểu tình của họ.

“Chúng tôi phản đối việc không được phép phản kháng. Chúng tôi là người Ấn Độ và Hồi giáo. Chúng tôi có thể là cả hai. Tất cả các tôn giáo đều có thể sống ở Ấn Độ”, Rubina Zafar, một cư dân địa phương nói.

Biểu tình leo thang

Các hạn chế được đưa ra sau khi các cuộc biểu tình liên tục chống lại Luật Công dân đã leo thang thành bạo lực trong những ngày gần đây, với các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trên đường phố.

Hàng trăm người bị thương và hàng chục người bị bắt sau khi cảnh sát xông vào một khuôn viên trường đại học ở New Delhi và sử dụng súng bắn hơi cay. Đầu tuần, các cuộc đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát đã nổ ra ở quận Đông Bắc Delhi.

Tại bang Đông Bắc Assam, các cuộc biểu tình đang diễn ra đã trở nên nguy hiểm, với ít nhất năm người thiệt mạng. Nhiều nhóm người bản địa ở khu vực này lo ngại rằng việc trao quyền công dân cho số lượng lớn người nhập cư sẽ thay đổi cấu trúc dân tộc độc đáo của khu vực và lối sống của họ cũng như sự đa dạng về tôn giáo.

Vụ kiện dân sự lan rộng diễn ra một ngày sau khi Tòa án tối cao Ấn Độ từ chối tạm dừng thi hành Luật Công dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...