Biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong thực hiện đổi mới Chương trình, SGK

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Chỉ thị ghi rõ: Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các bộ, ngành liên quan đã hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; triển khai xây dựng các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, sắp xếp cơ sở đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới chưa bảo đảm theo lộ trình; việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh cần nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, lấy ý kiến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội; việc phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực sự hiệu quả.

Ngày 21 tháng 11 năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội. Để đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội bảo đảm chất lượng, hiệu quả và lộ trình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo các Nghị quyết của Quốc hội;

Phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới;

Tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa để các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sử dụng trong nhà trường;

Xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; rà soát, đánh giá năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn; phát triển các khóa, tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước;

Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; đổi mới chươrig trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên chủ động phối hợp với các địa phương để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục;

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi trong xã hội về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điêu kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phố thông.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện của địa phương;

Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học; chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới;

Tổ chức rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; 

Bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án; huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới;

Đẩy mạnh truyền thông về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương; biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện, hàng năm gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác truyền thông tạo đồng thuận xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí, cân đối vốn đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện các chương trình, đề án, dự án nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các địa phương theo lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan xây dựng dự toán kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề hàng năm để chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất theo lộ trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, bảo đảm phù hợp với phân cấp và khả năng cân đối ngân sách nhà nước; hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Các bộ, ngành và cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụtheo quy định, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo yêu cầu các Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ