Nhìn thẳng vào những vấn đề “nóng” của GD-ĐT

GD&TĐ - Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH), giáo dục phổ thông (GDPT); công tác quản lý giáo dục mầm non (GDMN), nhất là GDMN ngoài công lập; các giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên và HS trong nhà trường…

 Nhìn thẳng vào  những vấn đề “nóng” của GD-ĐT

 Đó là những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ngày 6/6, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Vai trò quản lý, giám sát của địa phương trong GDMN

GDMN là lĩnh vực được rất nhiều ĐBQH gửi câu hỏi đến Bộ trưởng, xoay quanh băn khoăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là hiện tượng bạo hành trẻ diễn ra gần đây. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Cho đến nay, chúng ta có trên 15.000 trường mầm non cả công lập, ngoài công lập; đội ngũ giáo viên về cơ bản rất tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ.

Một số giáo viên mầm non bạo hành trẻ xảy ra phổ biến ở các nhóm trẻ dân lập, tư thục. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành GD, cá nhân Bộ trưởng rất phản đối hành vi này, đồng thời cho biết đã có ý kiến, chỉ đạo kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đủ năng lực, kém phẩm chất; các cơ sở để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ phải đình chỉ, thậm chí đóng cửa.

Nhấn mạnh giải pháp căn cơ là phát triển đội ngũ, Bộ trưởng cho biết, đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và phải có chế độ hợp lý. Trăn trở về mức lương quá thấp của giáo viên mầm non hiện nay, Bộ trưởng cho rằng đây là lý do gây áp lực. Theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, một mặt tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, mặt khác đi kèm chế độ đãi ngộ và chính sách.

Nhắc đến áp lực lớn của bậc học Mầm non, Bộ trưởng chia sẻ, theo phân cấp, bậc học này phường xã quản lý trực tiếp, do đó, vai trò quản lý, giám sát của lãnh đạo hệ thống chính trị cấp cơ sở phải rất cao trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Từ đó, người đứng đầu ngành GD mong chính quyền địa phương cùng giám sát theo hướng phòng ngừa. Về phía Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về mặt nội dung, chương trình, phát triển giáo viên, chịu trách nhiệm bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định 115 sửa đổi, sẽ nêu rõ trách nhiệm của Bộ, địa phương trong quản lý GD.

Kiên quyết không để “Con sâu làm rầu nồi canh”

Đối với phần chất vấn của ĐBQH về hiện tượng một số thầy cô có hành xử gây bức xúc và đưa ra câu hỏi về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng: Các thầy cô nhìn chung đều yêu trường, mến trẻ. Chúng ta phải minh bạch, không vì thiểu số mà đánh đồng, cũng như phải kiên quyết không để “Con sâu làm rầu nồi canh”.

Về giải pháp khắc phục, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong Kỳ thi THPT quốc gia đã đưa Giáo dục công dân thành môn thi; trong Chương trình GDPT mới sẽ nhấn mạnh về GD đạo đức, cả về thời lượng, nội dung và nhấn mạnh đến dạy làm người. Đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên đảm bảo cả về năng lực và phẩm chất.

“Bên cạnh đó, còn nhiều chính sách, chế độ liên quan đến các ngành khác, nhưng với trách nhiệm của ngành GD, trước hết tôi nhận trách nhiệm trong việc phát triển đội ngũ giáo viên về chất lượng, số lượng và sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chế độ đãi ngộ để làm sao các thầy cô yên tâm với nhiệm vụ của mình” - Bộ trưởng cho hay.

Về câu hỏi chất vấn liên quan đến bệnh thành tích trong GD, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện tượng này đã tồn tại từ lâu, nguyên nhân phần nào do cả yếu tố văn hóa và từ thói quen. Bộ GD&ĐT đang rất tích cực để hạn chế vấn đề này, với những cách làm đồng bộ và quyết liệt. Bộ đã có văn bản chỉ đạo hạn chế các cuộc thi, không tính điểm các cuộc thi vào thành tích các trường; đồng thời đổi mới phương thức đánh giá, có cơ chế bảo đảm kết quả giảng dạy phản ánh đúng chất lượng GD và năng lực giáo viên. Cùng với đó, đổi mới công tác thi đua trong trường học theo hướng thiết thực, tránh chạy theo bệnh thành tích...

Cuối tháng 6/2018 sẽ ban hành Chương trình GDPT mới

Trả lời nội dung chất vấn về Chương trình GDPT mới, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thẩm định xong chương trình từng môn học và trong tháng 6 này sẽ quay về chương trình tổng thể. Như vậy, cuối tháng 6 sẽ ban hành Chương trình GDPT mới.

Để triển khai chương trình mới, theo Bộ trưởng, trước mắt sẽ tiến hành bồi dưỡng giáo viên cốt cán, trong đó chú trọng giáo viên tiểu học, vì theo kế hoạch, chương trình thực hiện theo phương thức cuốn chiếu, từ năm 2019 sẽ bắt đầu thực hiện ở lớp 1.

Khi xây dựng Chương trình mới sẽ chú trọng vào xây dựng phương thức tổ chức hoạt động GD, theo hướng lấy người học làm trọng tâm, ứng dụng các phương thức tiến bộ để tăng tính chủ động của giáo viên và HS, qua đó nhằm khắc phục tính bị động, tăng kỹ năng cho HS.

Về thực nghiệm Chương trình GDPT, theo Bộ trưởng, đây là vấn đề về quy trình. Sau khi tập thể tác giả xây dựng dự thảo chương trình môn học, đã đi khảo sát thực nghiệm tại các trường phổ thông ở 6 tỉnh, thành khác nhau; phần lớn ý kiến đánh giá chương trình có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, một số môn, kiến thức còn nặng, cần làm rõ thêm phương pháp và gắn với điều kiện thực hiện.

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội là đổi mới, chương trình lần này kế thừa những hợp lý của chương trình hiện hành và phát triển những điểm mới, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và xu hướng quốc tế, phù hợp với điều kiện thực hiện của địa phương. Quá trình xây dựng chương trình, các môn học luôn được chỉnh sửa, để khi triển khai phải đồng bộ với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, trong lần đổi mới này, vấn đề lớn nhất là ở đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng giáo viên để phục vụ Chương trình GDPT mới. Công tác này hiện nay đang được ngành GD triển khai đồng bộ theo đúng lộ trình.

Chúng ta đang thực hiện rất nhiều nhiệm vụ và có kết quả. Ví dụ, với GDMN, chúng ta đã hoàn thành được phổ cập mầm non 5 tuổi. Đây là một cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn dân; là một thành công mà nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận… Kết quả GDPT cũng được ghi nhận qua đánh giá PISA, gần đây là Ngân hàng Thế giới (WB).

Chương trình GDPT mới đang được thẩm định kỹ lưỡng. Trong lúc chờ đợi Chương trình mới, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt, đổi mới dần để chương trình hiện hành giảm tải hơn, phù hợp hơn với chủ trương chuyển sang phát triển phẩm chất, năng lực. Quá trình này tuy không sốc nhưng vô cùng gian lao. Nhân đây rất mong cử tri, nhân dân, các thầy cô, các đại biểu chia sẻ với ngành… Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.