Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chiều ngày 26/2, các chuyên gia cho biết, những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên thế giới cho thấy tốc độ lây lan sinh học của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhanh hơn khoảng 1,7 lần nhưng trong thực tế kết hợp với các số liệu tính toán cho thấy thời gian lây nhiễm chủng virus trước đây khoảng 5-6 ngày 1 vòng lây nhưng hiện chỉ 3 ngày 1 vòng lây nên các chuyên gia đánh giá tốc độ lây lan trong thực tế của biến thể mới nhanh gấp 4-5 lần.
Điều này đòi hỏi năng lực phát hiện, cách ly, khoanh vùng, đặc biệt là xét nghiệm phải tăng ít nhất 4-5 lần.
So sánh ổ dịch tại Hải Dương (1/2021) và Đà Nẵng (tháng 7/2020), đại diện Bộ Y tế cho biết, ổ dịch ở Hải Dương đã diễn ra trong 30 ngày với 645 ca mắc COVID-19, liên quan đến 13 tỉnh, thành phố liên quan; thực hiện xét nghiệm 340.217 mẫu; truy vết hơn 15.000 ca F1.
Tại Đà Nẵng, sau 36 ngày, địa phương này không có thêm ca mắc mới trong cộng đồng, ghi nhận 389 ca mắc COVID-19, liên quan đến 15 tỉnh, thành phố; xét nghiệm 384.613 mẫu; truy vết hơn 11.000 ca F1.
Ở Hải Dương, sau 3 ngày, các chuyên gia đã đuổi kịp dịch kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (Đà Nẵng là 11 ngày), dịch bệnh cơ bản được khống chế, kiểm soát sau 8 ngày (Đà Nẵng là 23 ngày). Tuy nhiên, dịch bệnh ở Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn.
Biến chủng virus SARS-CoV-2 tại Hải Dương (biến thể Anh B.1.1.7) có khả năng lây lan nhanh hơn virus gây dịch bệnh tại Đà Nẵng (Biến thể châu Âu D614G).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Chiến lược 5 bước (Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả) được áp dụng hiệu quả trong đợt chống dịch vừa qua, cần tiếp tục kiên trì thực hiện.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bài học trong đợt chống dịch vừa qua và những lần trước đó cho thấy chúng ta phải kiên trì và tiếp tục hoàn thiện chiến lược này. Trong mọi trường hợp, cố gắng phát hiện nhanh nhất, theo các bước truy vết thần tốc, truy đến đâu khoanh đến đó.
Trường hợp biến thể mới lây lan nhanh hoặc dẫn đến rủi ro cao, có thể áp dụng các biện pháp “phong tỏa trong phong tỏa” như Hải Dương đã thực hiện. “Vòng trong” truy vết nhỏ nhưng chặt, “vòng ngoài” phong tỏa tạm thời ở quy mô rộng hơn. Sau khi xác định được yếu tố rủi ro thì sẽ dỡ phong tỏa "vòng ngoài" để chống dịch nhưng cũng giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xáo trộn đời sống người dân.