Biến thể phụ của Omicron có "hiền" hơn?

GD&TĐ - Theo TS.BS Phạm Hùng Vân, không phải Omicron có độc lực thấp hơn nhờ xâm nhập chủ yếu vào niêm mạc mũi hầu. Thực tế, lý do là hiện nay, Việt Nam đã có tỷ lệ khá lớn dân số tiêm vắc-xin.

BA.2 có đột biến trên gen S và N nên có thể “trốn” test nhanh.
BA.2 có đột biến trên gen S và N nên có thể “trốn” test nhanh.

Biến thể chiếm ưu thế

Theo báo cáo của Bộ Y tế, những biến thể phụ của Omicron có xu hướng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh, thành, đặc biệt là ở Hà Nội, TPHCM. Biến thể này dần thay thế Delta. Tại Hà Nội, các biến thể của Omicron đã được ghi nhận ở 20/30 quận huyện. Trong đó, BA.2 chiếm 87% tổng số mẫu phát hiện nhiễm Omicron.

Trong khi đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM ngày 9/3, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, với kết quả sàng lọc nhanh ca bệnh phát hiện từ ngày 10 - 27/2, có 43/67 ca nhiễm biến thể BA.2. Con số này đồng nghĩa là BA.2 chiếm hơn 64%.

TS.BS Phạm Hùng Vân - chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên Khoa Vi sinh Trường Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, các biến thể của SARS-CoV-2 hoàn toàn không khác nhau về độc lực hay tính gây bệnh. Thực tế, chúng khác nhau về tốc độ lây lan. Biến thể nào lây lan nhanh thì sẽ thay thế các biến thể trước đó.

“Biến thể Delta xuất phát từ Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn các biến thể khác như Alpha, Beta và Gamma. Do đó, một thời gian ngắn sau khi xuất hiện, Delta đã thay thế hoàn toàn các biến thể khác.

Từ tháng 11, sau khi xuất hiện biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh gấp 4 lần Delta, đúng theo quy luật tiến hóa tự nhiên, Omicron hiện nay đã dần thay thế Delta”, TS Hùng Vân dẫn chứng.

Cũng theo chuyên gia này, các ghi nhận cho thấy, Omicron ít gây bệnh nặng. Song, TS Vân giải thích, lý do không phải vì Omicron có độc lực thấp hơn nhờ xâm nhập chủ yếu vào niêm mạc mũi hầu. Thực tế, lý do là nhờ hiện nay, gần như trên thế giới và Việt Nam đã có tỷ lệ khá lớn dân số tiêm vắc-xin.

Do đó, vắc-xin đã giúp cơ thể con người có được miễn dịch đặc hiệu. Nhờ đó, cơ thể những người có nguy cơ cao không phải huy động các đại thực bào gây ra cơn bão cytokine - yếu tố khiến Covid-19 trở nặng và trầm trọng­. Từ đó, dễ dẫn đến tử vong.

“Omicron kể từ khi xuất hiện và lan tràn đến nay đã tự biến đổi thành 3 biến thể phụ, còn gọi là dưới biến thể. Đó là BA.1 - Omicron nguyên thủy, có hơn 34 đột biến trên gen S. Biến thể này có tốc độ lây lan gấp 8 lần chủng SARS-CoV-2 nguyên thủy và gấp 4 lần Delta.

Sau đó lại xuất hiện biến thể phụ BA.2, hơi khác BA.1 là không còn một đột biến mất đoạn trên gen S, nhưng lại thêm một đột biến mất đoạn khác. Ngoài ra, cũng có thêm hay bớt một số đột biến điểm”, TS Vân chia sẻ.

Theo chuyên gia này, có thể do thay đổi đó, nên biến thể phụ BA.2 có tốc độ lây lan nhanh hơn BA.1 gấp 1,8 lần. Theo quy luật tiến hóa tự nhiên, biến thể phụ BA.2 đang chiếm đa số. Ngoài ra, Omicron có thêm một biến thể phụ nữa là BA.3. Biến thể này cũng có một số đột biến trên gen S khác với BA.1, nhưng gần giống BA.2.

Lý do BA.2 “trốn” test nhanh

“Trong một nghiên cứu chúng tôi đang thực hiện theo yêu cầu của Hội Y học TPHCM với nội dung sử dụng công nghệ real-time PCR có kiểm tra lại bằng giải trình tự Sanger để phát hiện các biến chủng Omicron, kết quả cũng cho thấy, BA.2 chiếm 79,8%, BA.1 chiếm 15,6%.

Ngoài ra, cũng có 2,2% là BA.3 và 2,4% là biến thể Delta. Tuy nhiên, có lẽ, một thời gian ngắn nữa, BA.2 sẽ thay thế dần BA.1 và các biến thể khác để chiếm đa số tuyệt đối”, TS Vân nhận định.

BA.2 còn được gọi là biến thể Omicron “tàng hình” bởi khả năng trốn sự phát hiện của test nhanh kháng nguyên. TS Vân cho biết, lý do chính là vì Omicron có nhiều đột biến trên gen S và N. Trong khi đó, test nhanh chủ yếu là phát hiện kháng nguyên S hay N của virus nên kém nhạy.

“Các kết quả real-time PCR mà chúng tôi sử dụng phát hiện virus trong quệt mũi hầu cho thấy tải lượng virus vẫn rất cao, chứng tỏ quan niệm cho là Omicron không nhân bản nhiều ở mũi hầu là không đúng. Trái lại, xét về cơ chế xâm nhập của Omicron, các nhà khoa học đã chứng minh, biến thể này dễ nhân bản ở niêm mạc mũi hầu hơn là niêm mạc hô hấp dưới”, chuyên gia giải thích.

TS Phạm Hùng Vân nhận định, nhiều nước có Omicron hoành hành, nhưng hệ thống y tế không bị quá tải như khi chưa có vắc-xin. Tuy nhiên, quốc gia nào chưa có độ phủ vắc-xin vẫn phải duy trì các biện pháp phòng dịch như cũ.

Các nước được phủ vắc-xin rồi cũng không nên “buông lỏng” hệ thống cảnh báo dịch, ngay cả khi bỏ các biện pháp phòng Covid-19. Đồng thời, cần cảnh báo dịch thông qua ghi nhận có hay không gia tăng các ca phải nhập viện và tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ