Người khỏi Covid-19 có thể tái nhiễm biến thể Omicron

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, người mắc Covid-19 biến thể Omicron thường có tỷ lệ tái nhiễm rất thấp. Tuy nhiên, người từng nhiễm biến chủng Delta vẫn có nguy cơ mắc Omicron.

Người chưa chủng ngừa được khuyến cáo nhanh chóng tiêm vắc-xin Covid-19.
Người chưa chủng ngừa được khuyến cáo nhanh chóng tiêm vắc-xin Covid-19.

Biến thể “chiếm ưu thế”

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nước ta, khi số F0 mỗi ngày được ghi nhận ngày càng tăng. Trước tình hình này, nhiều người từng mắc Covid-19 có suy nghĩ rằng, sau khi khỏi bệnh, họ sẽ không có nguy cơ tái nhiễm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người cho biết bị tái nhiễm Covid-19, dù vừa khỏi bệnh 1 - 2 tháng.

Nguyễn Khánh (20 tuổi) - sinh viên Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) chia sẻ: “Khi dịch bùng phát, chúng em được học trực tuyến. Thời điểm đó, em về quê và sống cùng gia đình. Sau đó, em và gia đình được ghi nhận mắc Covid-19”.

Khi có thông báo trở lại trường học, Khánh nhanh chóng lên Hà Nội và ở cùng nhà bác. 2 tuần sau khi khỏi Covid-19, nam sinh này tiếp tục gặp các triệu chứng của bệnh. Sau khi xét nghiệm, cậu phát hiện mình tái nhiễm do lây bệnh từ gia đình bác.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, người mắc chủng Omicron thường có tỷ lệ tái nhiễm rất thấp. Tuy nhiên, người từng nhiễm biến chủng Delta vẫn có nguy cơ mắc Omicron. Song, theo chuyên gia này, những người tái nhiễm 2 lần với biến thể Delta là vô cùng hiếm. Hoặc, trường hợp này xảy ra có thể do sai sót trong quá trình xét nghiệm.

Bác sĩ Khanh nhận định, khi tỷ lệ ca nhiễm Omicron chiếm ưu thế, khả năng đạt miễn dịch cộng đồng sẽ sớm xảy ra. Bên cạnh đó, dù lây nhiễm nhanh, nhưng người mắc Omicron hầu hết đều ở thể nhẹ. “Vì vậy, việc biến chủng này chiếm ưu thế không có gì đáng lo ngại thậm chí còn đáng mừng hơn cả biến thể Delta.

Tuy nhiên, mọi người không chủ quan với sức khoẻ của mình”, chuyên gia nhấn mạnh. Để đối phó với Omicron, bác sĩ Khanh khuyến cáo, người trưởng thành nếu chưa chủng ngừa, cần nhanh chóng tiêm vắc-xin. Bởi, Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh. Do đó, người không đeo khẩu trang có nguy cơ nhiễm bệnh nhanh chóng. 

Bệnh nhẹ khi tái nhiễm

Trong ngày 28/2, Việt Nam ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục từ khi dịch bùng phát, với gần 95.000 người xác nhận dương tính sau 24 giờ. Con số này khiến Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về ca mắc mới.
Thống kê từ OurWorldinData cho thấy, Việt Nam xếp thứ 4 về số người dương tính trong ngày và chỉ đứng sau Hàn Quốc, Đức, Nga.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) nhận định, dịch bệnh đang diễn ra với biến thể Omicron là chủ đạo. Omicron đã thay thế biến thể Delta trước đây. Trong bối cảnh số ca mắc tiếp tục tăng, bác sĩ Phúc cho rằng, chỉ Omicron mới có thể lây nhiễm với tốc độ như vậy.

“Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), tính đến ngày 9/1, đã có 425.890 ca tái nhiễm. Trong đó, tuần cuối cùng có 109.936 ca, chiếm 11% tổng số ca bệnh trong tuần đó. Dữ liệu Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cũng cho thấy, chủng Vũ Hán ban đầu cho đến biến thể Alpha rất hiếm trường hợp tái nhiễm, Delta phổ biến hơn,

Omicron có tỷ lệ tái nhiễm rất cao. Báo cáo mới nhất số 49 của Đại học Hoàng gia London, sau khi xem xét một loạt các yếu tố, các nhà khoa học đã ước tính biến thể Omicron có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 5,4 lần so với biến thể Delta. Thời gian giữa hai lần nhiễm có thể rút ngắn. Thống kê của UKHSA từ ngày 1/11 - 29/12/2021 có 2.855 trường hợp tái nhiễm cách lần một từ 29 - 89 ngày”, bác sĩ Phúc dẫn chứng.

Do đó, ông nhận định, người đã nhiễm biến thể Alpha sẽ không mắc chủng Vũ Hán. Nếu đã nhiễm Delta thì có khả năng rất thấp mắc lại Alpha hay Vũ Hán. Trong khi đó, hiện, người nhiễm Omicron sẽ có khả năng được bảo vệ cao nhất. Do đó, những bệnh nhân này rất khó để tái nhiễm Omicron, cũng như Delta, Alpha hay Vũ Hán.

Cũng theo bác sĩ Trần Văn Phúc, người tái nhiễm Covid-19 có thể gặp triệu chứng nhẹ hơn. “Theo logic về miễn dịch thì lần tái nhiễm sau sẽ nhẹ hơn lần trước. Thực tế, số liệu cũng cho thấy, tải lượng virus ở lần tái nhiễm sau thấp hơn lần đầu.

Vì thế, bệnh nhân thường có triệu chứng nhẹ hơn. Tôi dự đoán, sau khi nhiễm Omicron, cơ thể sẽ có sức đề kháng để miễn nhiễm chính Omicron và các biến thể trước đó như Delta, Alpha và Vũ Hán”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, những trường hợp đã nhiễm Alpha hoặc Delta, hoặc chủng Vũ Hán ban đầu, nếu bị tái nhiễm Omicron thì cũng sẽ có triệu chứng nhẹ như cảm lạnh. “Covid sẽ giống như cảm lạnh với các biến thể Pi, Rho, Sigma…”, bác sĩ Trần Văn Phúc nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.