Biến thể Omicron, “bước đệm” để Covid-19 thành căn bệnh theo mùa?

GD&TĐ - Omicron được dự đoán có thể gây bệnh cục bộ ở Nam Phi và các nước thuộc châu Phi, hoặc một vài quốc gia mất cảnh giác.

Omicron gây bệnh nhẹ và ít triệu chứng.
Omicron gây bệnh nhẹ và ít triệu chứng.

Trường hợp khác là Omicron lan ra toàn cầu, đàn áp Delta để trở thành biến thể thống trị, nhưng gây bệnh nhẹ.

Vắc-xin vẫn là biện pháp “then chốt”

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tập huấn tăng cường công tác an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho 63 sở y tế tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, tiêm vắc-xin đóng vai trò then chốt trong ngăn ngừa dịch bệnh.

Tại Việt Nam, tính tới sáng 4/12, gần 127 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm. Tỷ lệ bao phủ mũi 1 là 93% cho người từ 18 tuổi trở lên. Con số này với mũi 2 là hơn 70%. Việt Nam cũng đã triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi và có kế hoạch cũng như hướng dẫn tiêm mũi tăng cường (mũi bổ sung) cho một số nhóm được khuyến cáo.

TS Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam - chia sẻ, 5 công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch Covid-19 gồm: Vắc-xin; các biện pháp y tế công cộng - xã hội (như 5K của Việt Nam); quản lý ca bệnh, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân; giám sát và kiểm soát đường biên giới.

Theo Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, hiện, số ca mắc Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Ngoài ra, sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron khiến chúng ta lo lắng hơn. “Vắc-xin là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng này”, TS Kidong Park nói.

Chia sẻ về Omicron, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) cho biết, biến thể này có thể gây bệnh nhẹ hơn so với Delta. Tuy nhiên, cần thêm thời gian và dữ liệu vì các ca Covid-19 được báo cáo hiện chủ yếu ở người trẻ tuổi nên triệu chứng thường nhẹ hơn.

Theo chuyên gia này, biến thể Omicro gây những triệu chứng sốt, ho, nhức mỏi cơ thể, mệt mỏi. Tuy nhiên, Omicron ít gây nhức đầu, mất mùi hay vị giác. Đồng thời, ít gây chảy mũi hơn so với Delta.

Kỹ thuật PCR được cho là chính xác hơn (thời gian lâu hơn) trong việc phân biệt Omicron/Delta cũng như các biến thể khác. Trong khi đó, xét nghiệm Antigen nhanh tại nhà vẫn chính xác trong việc chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2, nhưng không chỉ ra biến thể nào.

Theo PGS Huỳnh, mọi người có thể dễ dàng nhiễm biến thể Omicron dù đã tiêm vắc-xin hay chưa. Trong trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, mọi người được khuyến cáo chữa càng sớm càng tốt, kết hợp ngủ đủ, tập thể dục, điều trị các bệnh nền và tiêm phòng.

“Có thể Omicron đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa xét nghiệm nên không phát hiện ra. Người nhiễm biến thể này thường có triệu chứng nhẹ hoặc ít triệu chứng, phục hồi nhanh”, PGS Huỳnh chia sẻ.

Căn bệnh đặc hữu?

Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) dự đoán, Omicron có thể gây bệnh cục bộ ở Nam Phi và các nước thuộc châu Phi, hoặc một vài quốc gia mất cảnh giác.

Điều đó có nghĩa là, Omicron không đàn áp để trở thành biến thể thống trị. Tuy nhiên, trường hợp khác là Omicron lan ra toàn cầu, đàn áp Delta để trở thành biến thể thống trị, nhưng gây bệnh nhẹ.

“Cả hai tình huống này đều đưa Covid-19 trở về bệnh đặc hữu như cúm mùa”, bác sĩ Phúc nhận định.

Bác sĩ này dẫn chứng, trước đó, các nhà di truyền học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã phát hiện virus SARS-CoV-2 đột biến ở một phụ nữ 36 tuổi bị HIV. Đặc biệt, virus này tồn tại trong cơ thể bệnh nhân 8 tháng, không đào thải hết ra ngoài.

Các nhà nghiên cứu cho biết, có thể do phản ứng miễn dịch suy giảm ở bệnh nhân HIV không đủ khả năng điều trị thành công. Đó là nguyên nhân giúp SARS-CoV-2 tích tụ lâu trong cơ thể. Từ đó, sinh ra virus nhiều đột biến.

“Tại Nam Phi, mùa hè năm nay Covid-19 lên đỉnh với hơn 30.000 ca nhiễm mỗi ngày. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến tháng 11, số ca nhiễm chỉ dao động quanh con số 250. Sau khi WHO đặt tên cho biến thể mới Omicron ở Nam Phi, dịch bùng phát trở lại.

Các nhà nghiên cứu lấy mẫu nước thải sinh hoạt và phát hiện tải lượng virus biến thể rất cao ngay cả những tháng ghi nhận số ca Covid-19 thấp nhất”, bác sĩ Phúc dẫn chứng.

Ông suy luận, có thể do Omicron chủ yếu không gây triệu chứng, nên những ca mắc bị bỏ qua. Do triệu chứng bệnh nhẹ, không mất khả năng ngửi và vị giác như Delta, tổn thương phổi cũng không giống Delta, nên các ca Covid-19 ở Nam Phi và châu Phi đã bị bỏ qua.

Cũng trong thời gian đó, thế giới không cấm đi lại. Tuy nhiên, tới nay, mới có 12 quốc gia ghi nhận số ca bệnh rải rác nhiễm biến thể Omicron.

“Tất cả những điều đó cho thấy, Omicron là bức tranh của bệnh Covid-19 đặc hữu. Tức là virus xuất hiện biến thể theo mùa và gây bệnh cục bộ ở một quốc gia như Nam Phi hoặc một khu vực như châu Phi.

Khi biến thể đó ra đời, ngay lập tức đàn áp biến thể cũ. Virus sẽ tiếp tục đột biến để tạo ra biến thể mới. Cho dù biến thể đến từ đâu, mỗi quốc gia cần có biện pháp không để nó hoành hành. Muốn vậy, vai trò của ý thức phòng bệnh cá nhân vẫn là thứ vắc-xin quan trọng nhất”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.