Biến thể Omicron nguy hại như thế nào?

GD&TĐ - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho một biến thể virus Corona mới là “Omicron” và chỉ định rằng nó là một “biến thể đáng lo ngại”.

Biến thể Omicron nguy hại như thế nào?

Nhưng điều gì khiến biến thể SARS-CoV-2 này khác biệt và tại sao các nhà khoa học lại lo lắng về nó? Câu trả lời là bởi vì biến thể chỉ mới được xác định gần đây, nên có rất nhiều điều chúng ta chưa biết về nó.

Các nhà khoa học lo ngại rằng, Omicron có số lượng đột biến rất cao, nhiều đột biến nằm trong gen mã hóa protein gai mà virus sử dụng để bám và xâm nhập vào tế bào người. Bằng chứng ban đầu cho thấy, những người từng mắc và khỏi Covid-19 có thể có nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron cao hơn so với các biến thể trước đó.

Nguồn gốc

Các quan chức ở Nam Phi lần đầu tiên báo cáo về Omicron (B.1.1.529) cho WHO vào ngày 24/11, sau khi số ca nhiễm ở tỉnh Gauteng tăng mạnh trong những tuần trước đó.

Ca nhiễm Omicron đầu tiên được biết đến và được xác nhận là từ một mẫu bệnh lấy vào ngày 9/11 và hiện nay, số ca nhiễm Omicron đang gia tăng trên khắp Nam Phi, theo một tuyên bố của WHO.

Mặc dù, Nam Phi là quốc gia đầu tiên báo cáo về Omicron cho WHO, nhưng không ai biết biến thể này xuất hiện từ quốc gia nào. Nhiều quốc gia kể từ đó đã ban hành lệnh cấm du lịch đối với các quốc gia khu vực Nam Phi.

Các xét nghiệm PCR thông thường có thể phát hiện biến thể Omicron và dễ dàng phân biệt nó với các biến thể khác do đột biến ở một trong ba gen mà xét nghiệm kiểm tra. Theo WHO, “bằng cách sử dụng phương pháp này, biến thể Omicron đã được phát hiện với tốc độ nhanh hơn so với các đợt lây nhiễm trước đây”.

Mức độ nghiêm trọng

Omicron có hơn 30 đột biến trong gen mã hóa protein gai, theo Nature. Trong số những đột biến này, 10 đột biến nằm trong “vùng liên kết thụ thể”, hay phần protein gai bám vào tế bào người.

Trong khi đó, một số đột biến khác đã được tìm thấy trước đây trong các biến thể cũ và có thể liên quan đến khả năng lây nhiễm cao hơn hay có thể giúp virus né tránh hệ miễn dịch, theo một bản tóm tắt chuyên môn do WHO công bố vào ngày 28/11. “Khả năng lây nhiễm của Omicron ở cấp độ toàn cầu là cao”, theo bản tóm tắt.

Người ta vẫn chưa biết liệu Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đó hay không. Bằng chứng ban đầu cho thấy, tỷ lệ nhập viện đang gia tăng ở Nam Phi, “nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng chứ không phải là kết quả của việc nhiễm biến thể Omicron”, theo WHO.

Các ca nhiễm đầu tiên ở Nam Phi được báo cáo là ở sinh viên đại học, những người “trẻ tuổi có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn”. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 6% dân số Nam Phi lớn hơn 65 tuổi, theo Telegraph. Vì vậy, vẫn chưa rõ liệu biến thể này có gây ra bệnh nặng hơn ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn hay không, chẳng hạn như người lớn tuổi.

Khả năng lây nhiễm

Vẫn chưa rõ liệu Omicron có lây lan từ người sang người dễ dàng hơn so với các biến thể trước đó hay không. Theo WHO, số người ở Nam Phi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 đã tăng lên ở các khu vực có Omicron, nhưng vẫn chưa rõ liệu sự gia tăng là do sự lây lan của biến thể mới hay các yếu tố khác.

Người ta cũng không biết vắc-xin Covid-19 hiện tại có hiệu quả thế nào trước biến thể mới. Hầu hết các loại vắc-xin Covid-19, bao gồm cả những vắc-xin được sử dụng ở Mỹ, hỗ trợ hệ thống miễn dịch đặc biệt chống lại protein gai.

Vì Omicron có nhiều đột biến trong protein gai, các chuyên gia lo ngại rằng, các loại vắc-xin hiện tại có thể kém hiệu quả hơn trong việc huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận biết nó.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói với The Guardian rằng mặc dù, vắc-xin có thể kém hiệu quả hơn đối với Omicron so với các biến thể trước đó, chúng vẫn có thể mang lại một số khả năng bảo vệ.

Hơn nữa, tế bào T, hay tế bào miễn dịch tấn công các tế bào nhiễm virus, có thể bỏ qua sự khác biệt giữa các biến thể so với kháng thể, theo Danny Altmann, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Imperial London nói với The Guardian.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ