Các tác phẩm nghệ thuật mang đặc trưng vùng mỏ Quảng Ninh.
“Thổi hồn” vào những hòn than
Nằm sâu trong ngõ nhỏ cách Quốc lộ 18A khoảng 100m, thuộc khu 8, phường Hồng Hà, TP Hạ Long (Quảng Ninh), xưởng điêu khắc than đá mỹ nghệ rộng hơn 30m2 của gia đình anh Nguyễn Tuấn Quyết (50 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thanh Bình (47 tuổi) hàng ngày vang lên tiếng cưa, tiếng mài đục, xen lẫn tiếng cười nói của người thợ.
Xưởng của gia đình anh Quyết có 8 thợ. Xung quanh xưởng có nhiều hòn than kíp lê to nhỏ màu đen xám và màu ánh kim nằm thành đống ngổn ngang, cùng với đó là những dụng cụ đơn giản như: Chiếc cưa tay, vài cái đục, dao gọt, máy hỗ trợ đánh ráp.
Trong quá trình “thổi hồn” vào từng hòn than, làm nên những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, mang đặc trưng vùng mỏ đã khiến gương mặt, quần áo của những người thợ phủ một màu đen bởi bụi than. Chính vì vậy, để giảm sự độc hại của bụi than, xưởng của gia đình anh Quyết đã bố trí hàng chục chiếc quạt.
Anh Quyết cho biết, điêu khắc than đá là nghề gia truyền của gia đình, anh là đời thứ ba theo được nghề. Biết nghề này độc hại, vất vả, nhưng đây là nghề cha, ông để lại và nó cũng đã gắn bó với anh từ thời thơ ấu nên anh quyết tâm gắn bó, gìn giữ nghề.
Ông nội anh Quyết, cụ Nguyễn Đức Thuận vốn là một trong những thợ nguội lành nghề của Nhà máy cơ khí Cẩm Phả. Nhờ khéo tay, cụ đã được chủ mỏ người Pháp trưng dụng làm thợ điêu khắc than đá.
Sản phẩm do cụ làm ra được chủ mỏ đưa về Pháp triển lãm. Bố đẻ anh Quyết là nhà điêu khắc Nguyễn Tuấn Lợi, người đã từng được giao phụ trách kỹ thuật nhiều năm tại Công ty Mỹ nghệ - Mỹ thuật Quảng Ninh và có nhiều tác phẩm than đá được tỉnh Quảng Ninh dùng làm quà tặng cho các quan khách trong nước và quốc tế, như tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, Lênin, Mao Trạch Đông, tranh than đá vịnh Hạ Long...
Trải qua gần 40 năm theo đuổi nghề chế tác than đá mỹ nghệ, anh Quyết cho rằng đây là nghề đặc biệt với những sản phẩm đặc biệt, có thể nói là “độc nhất vô nhị”. Tại Quảng Ninh, chỉ có 3 mỏ than là Cao Sơn, Đèo Nai và Cọc Sáu mới có loại than kíp lê phù hợp cho công việc điêu khắc than mỹ nghệ.
Than kíp lê là loại than đá có độ biến chất cao nhất, có màu đen xám. Vết vạch đen nhung có màu ánh kim, rất cứng và giòn, tuy “khó tính” nhưng qua bàn tay những nghệ nhân đất mỏ chúng trở thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, thể hiện trình độ điêu khắc tinh xảo.
Có lẽ, chính vì sự đặc biệt đó mà để làm ra sản phẩm, mỗi người thợ sẽ cần dành ra rất nhiều thời gian, công sức và sự đánh đổi cả về sức khỏe.
Theo anh Quyết, trước đây các sản phẩm về cơ bản là đều làm bằng tay. Bây giờ, bên cạnh làm thủ công thì đã có sự hỗ trợ một phần của các loại máy móc.
Để tạo ra những tác phẩm than đá mỹ nghệ là cả một quá trình sáng tạo, tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay để những hòn than đen nhánh không chỉ có hình dạng mới, mà còn được người thợ thổi hồn vào.
Đối với những nghệ nhân điêu khắc than như anh Quyết, nỗ lực của họ là để than biết cất lên tiếng nói của mình, đẹp với vẻ đẹp rất riêng của mình và vun đắp thêm niềm tự hào của những người vùng mỏ Quảng Ninh.
Thấu hiểu vẻ đẹp rất riêng của nguyên liệu được coi là vàng đen của Tổ quốc, hiện, vợ chồng anh Quyết tiếp tục duy trì hàng chục mẫu mã sản phẩm than đá mỹ nghệ, như: Thuyền buồm, hòn Trống Mái, lọ hoa, các con thú bằng than...
Đặc biệt là vịnh Hạ Long trên than đá, bức tranh trở thành thương hiệu riêng của gia đình. Đây cũng là tác phẩm của anh Quyết đã được công nhận là sản phẩm Tinh hoa làng nghề Việt Nam năm 2008.
Làm quen với điêu khắc than đá từ bé, biết rằng sẽ bụi bẩn, độc hại, thu nhập không cao, nhưng duyên nợ gắn anh với nghề. “Làm ra một tác phẩm điêu khắc rất đơn giản, người có chút tay nghề có thể làm. Nhưng để sản phẩm mang cái hồn thì không chỉ ngày một ngày hai là làm được. Nó đòi hỏi người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ, biến những hòn than vô tri vô giác thành sản phẩm đầy tính nghệ thuật, có hồn”, anh Quyết nói.
Theo anh Quyết, than dùng để chế tác phải là loại khối lớn có chất lượng tốt, độ đen đặc, bề mặt không có đường vân, mạch đứt gãy xuyên ngang dọc, được mua trực tiếp tại khai trường hoặc thương lái. Sau đó, thợ sẽ xẻ than thành từng khối theo yêu cầu, hình dạng và kích cỡ chế tác.
Công đoạn tiếp theo là dựa vào hình dạng khối than mà căn hình, tạo hình trên bề mặt, rồi đục đẽo, gọt tỉa thành các hình thù. Cuối cùng là công đoạn đánh giấy ráp và mài bóng sản phẩm. Khâu khó nhất là căn chỉnh tạo hình trên bề mặt than bởi nếu không khéo thì sẽ bị sứt, vỡ hoặc lệch hình.
Công đoạn cưa than đều phải dùng thủ công, vì dùng máy than dễ bị vỡ theo mảng. Ảnh: Minh Cương |
Các dụng cụ dùng để điêu khắc than đá. Ảnh: Minh Cương |
Lấy chồng được hơn 20 năm là từng đó năm chị Nguyễn Thị Thanh Bình theo nghề của nhà chồng. Cái nghề lúc nào cũng nhem nhuốc bởi bụi than.
Từ người chưa từng tiếp xúc và am hiểu về than đá, hiện chị Bình đã trở thành người sát cánh cùng chồng. Công việc chính của chị là đánh bóng cho sản phẩm. Mỗi sản phẩm mất hàng tiếng đồng hồ để dùng giấy ráp đánh và mài bóng. Bản chất than đã có độ bóng tự nhiên, công đoạn đánh bóng sẽ giúp làm mịn, làm rõ đường nét và trả lại độ bóng vốn có cho từng sản phẩm.
Chị Bình cho biết, để làm ra một sản phẩm có thể mất một ngày cho đến cả tháng, tùy thuộc vào mỗi sản phẩm. Giá mỗi sản phẩm cũng khác nhau từ vài trăm nghìn cho đến cả trăm triệu đồng.
“Chúng tôi làm theo đơn đặt hàng của khách và bán cho các cửa hàng. Những sản phẩm này chủ yếu bán cho khách du lịch và các cơ quan trên địa bàn tỉnh mua để làm quà tặng”, chị Bình nói.
Một số sản phẩm của anh Nguyễn Tuấn Quyết . Ảnh: Minh Cương |
Nỗi lo nghề chỉ còn là “vang bóng một thời”
Nghề chế tác mỹ nghệ than đá ở Quảng Ninh có từ cuối thế kỷ 19, xuất phát từ những người thợ mỏ dưới thời Pháp thuộc. Ban đầu, những người thợ mỏ khéo tay đã mang những hòn than trong hầm lò về tự mày mò điêu khắc giải trí rồi dần dần điêu khắc than đá trở thành một nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo của vùng mỏ Quảng Ninh.
Chất liệu than đá đã ghi dấu ấn sáng tạo của nhiều nghệ sĩ điêu khắc như Tâm Nhâm, Tuấn Lợi, Văn Vượng... Thậm chí nghệ sĩ Tâm Nhâm còn được ghi vào sách kỷ lục Guinness là người có nhiều tượng danh họa Pablo Picasso bằng than đá nhất.
Theo lịch sử phát triển của nghề, những năm 90 của thế kỷ trước, nghề điêu khắc than đá ở Quảng Ninh từng phát triển rất mạnh, hình thành những xóm làm nghề ở khu vực phường Hồng Hải và hàng loạt cửa hàng trưng bày sản phẩm ở phố Lê Thánh Tông, TP Hạ Long.
Sau khi Công ty Mỹ nghệ - Mỹ thuật Quảng Ninh và Hợp tác xã Hồng Gai giải thể, những người thợ giỏi đã ra làm xưởng riêng, nhưng đến nay hầu hết không trụ được với nghề và đã chuyển sang làm nghề khác.
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình đang hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Minh Cương |
Khu nhà xưởng của gia đình anh Nguyễn Tuấn Quyết. Ảnh: Minh Cương |
Hiện nay, gia đình anh Quyết, chị Bình là một trong những hộ cuối cùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện vẫn duy trì nghề điêu khắc than đá mỹ nghệ.
Sản phẩm than đá mỹ nghệ không chỉ nổi tiếng trên khắp cả nước, mà còn ghi dấu ấn đối với nhiều du khách quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Pháp… Tuy nhiên hiện nay, nghề truyền thống với những sản phẩm “độc nhất vô nhị” của vùng than Quảng Ninh đang đứng trước nguy cơ mai một.
Theo anh Quyết, điều lo sợ nhất chính là không có thế hệ kế thừa nghề. Làm than đá rất bụi bặm, vất vả, các công đoạn tốn rất nhiều thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ cao nên nhiều bạn trẻ cho rằng không phù hợp. Cũng đã từng có nhiều bạn trẻ đến nhà học việc nhưng đều bỏ dở giữa chừng.
Hiện nay, xưởng của gia đình anh Quyết gồm 8 người, trong đó người con gái và con rể của anh Quyết cũng đang cố gắng theo học nghề.
Không chỉ vướng trong việc tìm nhân lực, nguồn cung nguyên liệu để chế tác cũng đặt ra cho những người làm nghề những bài toán khó. “Hiện nay, xưởng vẫn chưa thể tự chủ trong việc nhập than nên nhiều khi không dám nhận những đơn đặt hàng lớn.
Chỉ mong các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ, có thêm chính sách để xưởng có thể mở rộng, thu hút học viên, có thêm điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và đẩy mạnh sản xuất”, anh Quyết nói.