Chất lượng tăng nên giá sách có tăng là chuyện bình thường, quan trọng là mức tăng vẫn nằm trong kiểm soát của Nhà nước và chấp nhận được.
“Đắt xắt ra miếng”
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) – Phó trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng và là xu thế tất yếu.
Đây không chỉ là vấn đề xóa độc quyền, mà còn tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. Bởi đã đến lúc, việc biên soạn sách giáo khoa không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước.
Người thụ hưởng chủ trương này là học sinh, rộng ra là xã hội. Suy cho cùng, Nhà nước được hưởng lợi từ chủ trương này. Bởi Nhà nước không phải bỏ ra khoản tiền lớn để biên soạn sách giáo khoa.
Số tiền này có thể đầu tư vào phát triển giáo dục miền núi, vùng đặc biệt có khăn…
“Quan điểm của tôi là, cái gì có lợi, tốt cho Nhà nước, cho dân thì làm” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Về giá sách giáo khoa được biên soạn theo chủ trương xã hội hóa cao hơn so với sách giáo dục hiện hành, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: Dù có cao hơn nhưng vẫn nằm trong kiểm soát của Nhà nước.
“Nhà nước vẫn ‘cầm trịch” nên chúng ta không nên quá lo lắng việc này. Hơn nữa, chất lượng tốt hơn, hình thức đẹp hơn thì giá sách có cao hơn cũng là chuyện bình thường.
Các cụ ta có câu “đắt xắt ra miếng”. Nếu đắt mà chất lượng, nội dung và hình thức kém thì phải xem lại” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trao đổi, đồng thời nhấn mạnh:
Đã đến lúc, chúng ta phải mạnh dạn “dứt bầu sữa mẹ” là nguồn ngân sách của Nhà nước. Vì thế cần phải thích ứng với giá sách giáo khoa có cao hơn một chút. Tất nhiên vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Nhà nước.
BOT chúng ta còn làm được, thì xã hội biên soạn sách giáo khoa không có gì là không làm được. Vấn đề là cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, nhận thức đúng và có sự đồng thuận với chủ trương này.
Nhà nước vẫn “cầm trịch”
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khẳng định, thành công bước đầu của chủ trương xã hội sách giáo khoa mới đối với lớp 1 là tiền đề để chúng ta tiếp tục triển khai chủ trương này đối với các lớp còn lại.
Trước đây, mỗi lần thay sách giáo khoa đều phải kèm theo dự trù về kinh phí của Nhà nước để phục vụ cho việc này. Mỗi lần như vậy, dư luận lại bàn tán, bình luận về nguồn kinh phí dành cho biên soạn sách giáo khoa.
Vì thế, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không những tiết kiệm được nguồn ngân sách Nhà nước, mà còn là vấn đề nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của các cuốn sách.
“Bằng chứng là chúng ta đã có sách lớp 1 được biên soạn theo chủ trương này. Đây là lý do mà tôi đồng tình với chủ trương này” – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương khẳng định, đồng thời trao đổi:
Tất nhiên, xã hội hóa nhưng không phải các tổ chức, cá nhân muốn làm gì thì làm. Đơn cử như: giá sách vẫn được Nhà nước kiểm soát. Nên dù giá có cao hơn so với sách giáo khoa hiện hành thì vẫn phải nằm trong ngưỡng của Nhà nước quy định.
Chất lượng nội dung và hình thức tốt hơn, nên giá bán có tăng hơn cũng là điều hợp lý. Giá rẻ nhưng chất lượng kém là không ổn.
Trường hợp nếu giá sách có tăng bất thường, thì cần xem xét lại. Khi đó, Nhà nước phải có trách nhiệm kiểm soát, xác minh đúng – sai và phải can thiệp để chấn chỉnh cho đúng. Qua đó, nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân và các bên liên quan.