Do đó, việc chuẩn bị thuốc kháng virus cho F0 trong giai đoạn đầu của bệnh là yếu tố quan trọng giúp hệ thống y tế không quá tải.
“Lá chắn” bên cạnh vắc-xin
Theo TS Phạm Hùng Vân - giảng viên môn Vi sinh, Khoa Y, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TPHCM, giải pháp để sống chung với dịch là biến Covid-19 thành một bệnh cảm cúm thông thường. Khi đó, sẽ không có hoặc rất ít người mắc Covid-19 nặng phải nhập bệnh. Do đó, TS Vân nhận định, càng nhiều người được tiêm vắc-xin càng tốt.
“Tất cả các nghiên cứu hiện nay trên dịch gây ra bởi biến thể Delta đều cho thấy, dù vắc-xin không giúp ngừa được nhiễm bệnh, nhưng trên 99% giúp ngừa bệnh trở nặng”, chuyên gia dẫn chứng.
Trong trường hợp chưa có đủ vắc-xin ngừa Covid-19, TS Vân cho biết, để giảm số F0 trở nặng, cần có thuốc kháng virus. Nhờ đó, điều trị F0 bằng đường uống, ngay trong những ngày đầu phát hiện bệnh.
Chuyên gia dẫn chứng, nhiều nhà khoa học cho rằng, tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 được 70% là đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, với biến thể Delta, người được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ vẫn có thể nhiễm bệnh. Thậm chí, tải lượng virus trong hầu họng cao.
“Có nghĩa là vắc-xin sẽ không giúp chúng ta sống không có Covid-19, mà sẽ giúp chúng ta sống chung với Covid-19. Bởi sẽ có rất ít ca nặng để làm quá tải hệ thống y tế như hiện nay”, TS Vân chia sẻ.
Bên cạnh việc phải có nguồn vắc-xin, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần cung cấp thuốc kháng virus cho các F0 trong những ngày đầu của bệnh. F0 cần dùng thuốc dù chưa có triệu chứng, hay có những triệu chứng nhẹ. Biện pháp này sẽ giúp giảm tải hệ thống y tế.
Chú trọng nghiên cứu vắc-xin
Bên cạnh đó, lô thuốc Molnupiravir nhập khẩu đầu tiên hơn 300.000 viên 200mg đủ cho hơn 7.500 liều đã về Việt Nam trong ngày 23/8. Ngày 28/8, có thêm 1.700.000 viên 200mg đủ cho 50.000 liều được đưa về.
Trong khi đó, Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia), nhận định, “sống chung với virus” nghĩa là con người phải thay đổi lối sống để thích nghi với hoàn cảnh mới. Chuyên gia này gợi ý, để sống chung với virus, cần thiết kế lại các phương tiện công cộng bằng cách giảm số hành khách.
Ngoài ra, nhà hàng, máy bay, xe điện, xe buýt, rạp chiếu phim... cũng cần thiết kế ghế ngồi để tuân thủ quy định về giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, vệ sinh cá nhân như rửa tay sẽ trở thành một thói quen.
“Theo quy luật tiến hóa, virus sẽ có khả năng lây lan nhiều hơn, nhưng cũng ít nguy hiểm hơn (độc lực thấp hơn). Tuy nhiên, các đợt dịch khác sẽ xuất hiện. Chúng ta không thể đoán trước đợt dịch sắp tới sẽ đến vào lúc nào và do con virus nào.
Song, lịch sử hơn 2.000 năm qua cho thấy, thế giới và đặc biệt là vùng Đông Nam Á sẽ còn trải qua nhiều đợt dịch trong tương lai”, chuyên gia nhận định.
Do đó, theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Việt Nam cần cải tiến hệ thống giám sát dịch bệnh. Bởi, trong thời đại công nghệ thông tin, việc thiết kế các hệ thống báo động và theo dõi dịch bệnh trực tuyến từ cấp cơ sở có thể giúp dự báo và tiên lượng dịch bệnh nhanh, chính xác hơn.
Đồng thời, đầu tư vào y tế công cộng. Đặc biệt là về nhân sự và thiết bị xét nghiệm từ cấp huyện. Nhờ đó, có thể phát hiện và kiểm soát dịch bệnh nhanh hơn.
“Bài học của trận dịch này là chúng ta phải đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng, như phát triển vắc-xin và thử nghiệm lâm sàng ở quy mô lớn. Nghiên cứu vắc-xin có thể có xác suất thất bại cao, nhưng một xác suất thành công nhỏ vẫn có thể đem lại lợi ích rất lớn cho quốc gia”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định.