Biển người giữa mùa dịch

GD&TĐ - Chứng kiến các khán đài đông nghẹt không có bất cứ biện pháp phòng dịch nào tại Euro 2020, đã khiến WHO phải lên tiếng cảnh báo.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Giám đốc văn phòng khu vực châu Âu của tổ chức này là Robb Butler hôm 22/6 cho biết, WHO thấy lo ngại về việc một số quốc gia đăng cai đang nới lỏng quá đà các biện pháp phòng dịch, thậm chí tăng số lượng khán giả được cho phép tại một số sân vận động.

Ngoài sân Puskas Arena ở Budapest (Hungary) tiếp đón khoảng 67 nghìn khán giả, tương đương 100% sức chứa cho 4 trận đấu của Bảng F “tử thần”, thì hiện tượng khán giả vượt số lượng cho phép cũng xuất hiện tại nhiều nơi.

Sân Wembley London cho 60 nghìn khán giả vào sân so với giới hạn ban đầu là 40 nghìn người, trong khi sân Copenhagen, Đan Mạch cũng cho 25 nghìn cổ động viên có mặt so với giới hạn 16 nghìn. Trong khi đó, hầu hết các sân vận động đăng cai Euro 2020 đều áp dụng giới hạn khán giả từ 25% đến 45% sức chứa.

Quyết định khác biệt của chính quyền Hungary nói trên khiến các chuyên gia y tế bất ngờ, vì chỉ hai tháng trước nước này còn nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Đây được coi là quyết tâm khẳng định hình ảnh quốc gia an toàn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban sau một chiến dịch tiêm chủng thần tốc. Tất cả khán giả vào sân đều bắt buộc phải hoàn thành tiêm chủng ngừa Covid-19 và có thẻ chứng nhận miễn dịch.

Cũng như Hungary, tất cả các nước đăng cai Euro 2020 đều nằm trong nhóm có tỷ lệ tiêm chủng cao của thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế hiện vẫn chưa có nước nào chính thức được WHO xác nhận đã đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19. Thậm chí một nước chủ nhà Euro 2020 là Nga còn đang là vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, với trung bình mỗi ngày có trên dưới 16 nghìn ca nhiễm mới.

Sân vận động ở thành phố Saint-Peterburg (Nga) đăng cai 3 trận vòng bảng và một trận tứ kết cho phép đón lượng khán giả tương đương 50% số ghế. Đây là một biện pháp hạn chế để phòng dịch, nhưng trong bối cảnh virus vẫn còn hoành hành dữ dội trong nước thì đây vẫn là sự tập trung đông người tiểm ẩn không ít rủi ro.

Trên thực tế dịch tễ, việc tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cũng không đảm bảo cho việc ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus. Hiện đã có những thông báo chính thức đầu tiên về số ca nhiễm liên quan đến các hoạt động của Euro 2020.

Trong đó quan chức y tế Đan Mạch Anette Lykke Petri cho biết, tính từ đầu giải đã có 29 ca nhiễm được phát hiện liên quan đến các trận đấu và con số thực tế có thể còn cao hơn.

Lây lan virus là mối lo ngại không thể tránh khỏi khi một số lượng lớn người tập trung một chỗ như trong sân vận động, một trong những môi trường có khả năng lây lan cao nhất. Hàng loạt các điểm nóng về Covid-19 trên thế giới hiện nay như Ấn Độ hay các nước Đông Nam Á đều có hệ quả từ các lễ hội đông người diễn ra trước đó.

Do đó rủi ro từ các sự kiện lớn trong bối cảnh đại dịch chưa kết thúc chính là nguyên nhân khiến người dân các nước không muốn đăng cai những giải đấu lớn. Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 cũng đang đối mặt với sự phản đối như vậy và việc có tiếp tục tổ chức sự kiện bị hoãn lại từ năm ngoái này vẫn đang là đề tài gây tranh cãi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.