Biến đổi khí hậu khiến đại dương như kho hạt nhân

GD&TĐ - Theo một nghiên cứu mới đăng tải trong tuần này trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences, đại dương toàn cầu đang hấp thụ khoảng 90% lượng năng lượng dư thừa tạo ra bởi phát thải khí nhà kính. Điều đó có nghĩa là phần lớn sự nóng lên toàn cầu đang xảy ra trong các đại dương và khiến mực nước biển dâng cao trên toàn thế giới. Nghiên cứu khẳng định biến đổi khí hậu tỏa ra mức năng lượng tương đương với một vụ nổ bom nguyên tử mỗi giây.

Nguồn năng lượng dư thừa mà đại dương hấp thụ chẳng khác nào một kho hạt nhân khổng lồ
Nguồn năng lượng dư thừa mà đại dương hấp thụ chẳng khác nào một kho hạt nhân khổng lồ

Các ước tính tổng hợp cho thấy sự nóng lên toàn cầu ở các đại dương từ năm 1871 tới nay cộng lại tương đương khoảng 436 x 1021 Jun. Các nhà nghiên cứu đã cung cấp một số bối cảnh để giải thích rõ hơn về số liệu này. Lượng nhiệt dư thừa hấp thụ bởi đại dương trong khoảng thời gian này gấp khoảng 1.000 lần năng lượng sử dụng hằng năm trên Trái đất.

Để cung cấp sự tương đồng sinh động hơn, đội ngũ khoa học tại The Guardian đã sử dụng một chuẩn đo khác cho những con số này. Họ kết luận sự nóng lên toàn cầu đã làm nhiệt độ của đại dương tăng lên tương đương với việc nổ một quả bom nguyên tử mỗi giây trong vòng 150 năm qua.

Các biên tập viên của tờ Guardian đã kiểm tra các tính toán của họ với tác giả chính của nghiên cứu - Giáo sư Laure Zanna đến từ ĐH Oxford - và không nhận lại bất cứ phủ định sai số nào từ nhà vật lý khí hậu kỳ cựu này.

“Tôi cố gắng không thực hiện kiểu tính toán này vì mối lo ngại từ hiện tượng này. Chúng ta thường so sánh nó với lượng nhiệt từ năng lượng sử dụng bởi con người để khiến nó bớt đáng sợ” - bà Zanna cho biết.

Được tổng hợp bởi nhóm các nhà khoa học quốc tế, nghiên cứu mới sử dụng nhiều kỹ thuật các ngành, bao gồm vật lý, toán học, khoa học đất và khí hậu học. Cách tiếp cận cơ bản là tổng hợp các phép đo nhiệt độ đại dương trên toàn cầu từ năm 1871, sau đó chạy các dữ liệu trên mô hình máy tính tiên tiến nhất về sự lưu thông của đại dương để tìm xem toàn bộ lượng nhiệt đã đi đâu.

Phát triển bởi nhà nghiên cứu Samar Khatiwala, kỹ thuật sử dụng toán học thuần túy để đánh giá sự nóng lên của đại dương toàn cầu xuống đến tận đáy biển. “Cách tiếp cận của chúng tôi giống với việc tô màu khác nhau trên khắp bề mặt đại dương và quan sát cách chúng lan tỏa vào bên trong theo thời gian. Nếu chúng ta biết được sự bất thường của nhiệt độ mặt nước biển vào năm 1870 ở Bắc Đại Tây Dương, chúng ta có thể tìm ra mức độ biến đổi của nó như là sự nóng lên của Ấn Độ Dương trong năm 2018” - theo lời của Khatiwala trong tuyên bố đi kèm nghiên cứu mới.

Theo nhóm nghiên cứu, điều đáng lo ngại về kết quả thu được là những ước tính mới đang hỗ trợ bằng chứng cho thấy các đại dương hấp thụ phần lớn năng lượng dư thừa trong hệ thống khí hậu, thứ được sản sinh ra từ việc phát thải khí nhà kính của con người.

Nghiên cứu mới sẽ giúp các nhà khoa học đưa ra dự đoán chính xác hơn trong những năm tới về vị trí và thời điểm mà mực nước biển sẽ dâng. Có lẽ, điều này sẽ hữu ích đối với những người sống sót chèo thuyền xung quanh thành phố nổi New Topeka nằm ở tiểu bang Kansas (Mỹ).

Theo Seeker

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ