Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra thông tin trên sau khi phân tích dữ liệu không chính thức cho thấy, tuần trước ngày 5/7 là tuần nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu.
Nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới là 17,18 độ C vào ngày 4/7, theo số liệu do Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ công bố. Điều này đã vượt qua kỷ lục trước đó, được thiết lập vào ngày hôm trước là 17,01 độ C.
Ông Antonio Guterres nói: “Nếu chúng ta tiếp tục trì hoãn các biện pháp quan trọng cần thiết, tôi nghĩ rằng chúng ta đang bước vào một tình huống thảm khốc, như 2 kỷ lục về nhiệt độ gần đây nhất đã chứng minh”.
Nhiệt độ trung bình trong 7 ngày tính đến thứ 5/7 cao hơn 0,04 độ C so với bất kỳ tuần nào trước đó trong 44 năm giữ kỷ lục, theo dữ liệu do Đại học Maine công bố.
Các bình luận của tổng thư ký LHQ được đưa ra khi Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) chuẩn bị tổ chức hội nghị về biến đổi khí hậu Cop28 vào cuối năm nay.
Trung Quốc đã phải hứng chịu 4 đợt nắng nóng khác nhau trong tháng qua, trong khi hàng trăm người thiệt mạng ở Ấn Độ do nắng nóng quá mức.
Bắc Mỹ cũng đã chứng kiến gần 20.000 vụ cháy rừng trong năm nay, theo Trung tâm Cứu hỏa Liên ngành Quốc gia Mỹ.
Điều này đã gây ra chất lượng không khí ngày càng tồi tệ cho gần 100 triệu người, do điều kiện khô hạn trong rừng.
Dhaka, Bangladesh, đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong 60 năm qua, khi lên tới 40 độ C, dẫn đến cắt điện và đóng cửa trường học.
Tại UAE, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn thận hơn khi nhiệt độ tăng lên tới 50 độ C.
Tiến sĩ Diana Francis là người đứng đầu phòng thí nghiệm khoa học môi trường và địa vật lý tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi. Bà cho biết sự nóng lên toàn cầu đang tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát và các dấu hiệu của điều này đã được quan sát thấy ở nhiều nơi trên thế giới, từ nhiệt độ khắc nghiệt ở Mỹ, đến lũ lụt nghiêm trọng ở Tây Ban Nha và mức băng biển thấp nhất được ghi nhận.
“Các cực đoan của biến đổi khí hậu sẽ vẫn gia tăng ngay cả khi lượng khí thải bắt đầu giảm trong những năm tới. Điều này là do độ trễ trong phản ứng của hệ thống khí hậu” – bà chia sẻ.
Bà nói: “Khu vực Trung Đông và Bán đảo Ả Rập đã nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới trong 2 thập kỷ qua”.
Theo bà, điều đó có nghĩa là khu vực này có ít thời gian hơn để thích nghi với sự nóng lên toàn cầu và tác động của nó từ nhiệt độ khắc nghiệt trong mùa hè, làm tăng thêm nhiệt độ cực cao cũng như lượng mưa cực lớn và lũ lụt liên quan vào mùa đông, cùng với những cơn bão bụi nghiêm trọng do hạn hán gây ra.
Tiến sĩ Sultan Al Jaber - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến của UAE, đồng thời là Chủ tịch được chỉ định cho Cop28, nói rằng cần phải hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương trước các sự kiện cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu.
“Tại Cop28, thế giới phải tập trung vào nhu cầu và hy vọng của mọi người, tiếng nói của họ phải được lắng nghe và chúng ta phải đáp ứng nhu cầu của họ bằng tham vọng và hành động” - Tiến sĩ Al Jaber nói.