Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 5/7, ông Tedros cho biết khủng hoảng khí hậu hiện là một trong số yếu tố chính quyết định kết quả sức khỏe con người.
Ông cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu cuối cùng có thể tạo ra làn sóng nghèo đói, di cư và bệnh tật.
Lãnh đạo WHO nói rằng, những tháng tới, “chúng tôi dự đoán sẽ có một loạt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bao gồm hạn hán, lũ lụt, bão và sóng nhiệt, tất cả đều gây hại cho sức khỏe con người”.
Ông cũng lưu ý ngày 2/7 đánh dấu “ngày nóng nhất trong lịch sử” đối với nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới.
Ông Tedros cho biết thêm, một đợt “hạn hán kéo dài” và nắng nóng ở vùng Sừng châu Phi đã có tác động lớn, gây căng thẳng lớn cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe địa phương.
Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda gần đây đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với gần 60 triệu người hiện đang mất an ninh lương thực.
Người đứng đầu WHO cho biết một số quốc gia đã chứng kiến “mức độ trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng cao nhất” trong nhiều năm, phần lớn là do nạn đói. Trong khi hạn hán trong khu vực “nhường chỗ cho mưa lớn và lũ lụt”, mức độ nghèo đói ở đó dự kiến sẽ vẫn ở mức cao.
Dữ liệu do Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ (NCEP) công bố hôm 2/7 cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu là 17,01 độ C, mức cao nhất mọi thời đại, dễ dàng vượt kỷ lục trước đó là 16,92 độ.
Các địa phương từ Texas đến Trung Quốc đến Nam Cực cũng nằm trong tầm các đợt nắng nóng lớn. Một số nhà khoa học khí hậu giải thích điều này là do sự nóng lên toàn cầu nói chung và mô hình thời tiết ấm El Nino mạnh hơn bình thường trong năm nay.
El Nino là một chu kỳ thời tiết định kỳ, trong đó không khí ấm áp bị đẩy ra khỏi vùng nhiệt đới ở Thái Bình Dương, có tác động sâu rộng đến nhiệt độ và lượng mưa trên khắp thế giới. Giai đoạn ấm áp có thể tạo ra thời tiết khắc nghiệt, bao gồm bão. Nghiên cứu gần đây cho thấy những sự kiện như vậy đã trở nên thường xuyên hơn trong những năm được cho là do tác động của biến đổi khí hậu.