Biến chủng virus Corona ở Anh có bất thường?

GD&TĐ - Biến chủng virus Corona ở Anh khiến số người nhiễm Covid-19 tăng lên chóng mặt. Virus đã đột biến ở những đoạn gene nào, điều này có khiến việc nghiên cứu vắc-xin Covid-19 bị cản trở?

Biến chủng virus Corona ở Anh có bất thường?

Lây lan chóng mặt

Đang càn quét khắp London và miền Nam nước Anh, biến thể mới của virus gây Covid-19 được xác định rất dễ lây lan. Theo các nhà khoa học Anh, dù khả năng lây truyền cao hơn 70% so với chủng hiện tại, nhưng không có bằng chứng cho thấy biến thể mới dễ khiến bệnh trở nặng hơn hay dễ gây tử vong hơn.

Anh cảnh báo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng, biến thể mới có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tại đây tăng vọt.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra sức trấn an dư luận trước sự lây lan nhanh của biến thể virus Corona, gọi đó là một phần bình thường trong quá trình tiến hóa của virus và vẫn chưa “vượt kiểm soát” như tuyên bố trước đó của Chính phủ Anh.

“Điều quan trọng là phải minh bạch, phải nói cho công chúng biết về biến thể này, nhưng quan trọng không kém, đây cũng là một phần bình thường trong quá trình tiến hóa của virus” - ông Mike Ryan, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO, nói.

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 23/12, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, biến chủng mới có khả năng lây lan bệnh Covid-19 nhanh hơn, tuy nhiên chưa ghi nhận việc gia tăng độc lực gây tử vong nhiều hơn hay gây bệnh nặng hơn.

Biến chủng đột biến trên vùng gene N501Y của virus Corona làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Tuy nhiên, không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh. Đợt địch Covid-19 tại Đà Nẵng trong tháng 7 - 8 đã phát hiện ra đột biến gene của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng lây nhiễm nhưng không như đợt này ở Anh.

Ngành y tế Việt Nam đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu và Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện Trung ương tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm đặc biệt khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng này để xem khả năng lây truyền hay khả năng xâm nhập vào Việt Nam. Hiện chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến này.

PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, những biến đổi ở gene virus Corona mà các nhà khoa học Anh phát hiện ra tạm thời chưa ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu và sản xuất vắc-xin. Lý do là trên mỗi virus đều có 2 vùng gene độc lập là vùng gene quyết định đặc tính kháng nguyên và vùng gene liên quan đến đặc tính lây lan.

Dù trong virus có một số vùng kháng nguyên trùng nhau, nhưng hầu hết là độc lập, 2 đặc tính này cũng hoàn toàn độc lập với nhau. Hay có thể nói đơn giản, khả năng lây nhiễm của virus nằm ở vùng gene khác, còn khả năng tạo ra đáp ứng miễn dịch bảo hộ để giết chết chính nó (nghiên cứu vắc-xin dựa trên vùng gene này) nằm ở vùng gene khác.

Ngay khi phát hiện ra virus này, các nhà khoa học Anh đã dùng công nghệ gene để giải mã và phát hiện ra rằng, vùng gene liên quan đến tính lây lan của virus đã biến đổi, nên gọi là biến chủng của virus Corona. Khi phát hiện ra biến thể này, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu để đưa vào vắc-xin đang nghiên cứu để vắc-xin thích ứng với gene đã biến chủng này.

Virus đột biến là bình thường

GS Nông Văn Hải, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, biến chủng mới của virus Corona được đặt tên vắn tắt là VUI-202012/01 và được xác định bởi một tập hợp gồm 17 thay đổi hay đột biến. Một trong những đột biến quan trọng nhất là N501Y trong protein gai mà virus sử dụng để liên kết với thụ thể ACE2 của người.

Về lý thuyết, những thay đổi trong phần protein gai này có thể dẫn đến việc virus trở nên dễ nhiễm hơn và dễ lây lan giữa người với người. Tuy nhiên, hệ gene của SARS là phân tử RNA luôn trải qua đột biến ngẫu nhiên với tần suất trung bình 1 - 2 điểm/tháng.

Như vậy, tính từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán đến nay vừa tròn 1 năm. Theo xác suất, SARS-CoV-2 qua 1 năm có thể có từ 12 - 24 đột biến điểm là bình thường. Việc biến thể VUI-202012/01 có 17 điểm đột biến cũng là nằm trong ngưỡng của quy luật.

Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, virus tiến hóa và tạo ra biến thể không phải chuyện bất thường. Các nhà khoa học đã tìm thấy hàng nghìn đột biến của virus gây Covid-19 qua nhiều mẫu bệnh phẩm, hầu hết đều không hề vượt trội về khả năng lây lan hay khiến bệnh trở nặng.

Trong nghiên cứu vắc-xin nói chung, luôn phải kết hợp giám sát với dịch tễ học liên tục đối với tác nhân gây bệnh để xem virus có biến đổi gì không, sự biến đổi đó có “trốn” được vắc-xin đã nghiên cứu và sản xuất không. Đây là công việc song song, giống như đi bằng hai chân vậy. Cho nên virus đã biến thể không phải là điều gì quá nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu và sản xuất vắc-xin.

Thời gian tới, các nhà khoa học sẽ phải làm rõ virus biến chủng đó thì hệ gene đã thay đổi thế nào, có gắn với đặc tính biến chủng không. Nếu nó lây lan nhanh như vậy thì đặc tính kháng nguyên ở virus có thay đổi hay không, virus có “trốn” được vắc-xin đã sản xuất hay không.

Để làm được điều đó thì giám sát dịch tễ học phân tử phải luôn thực hiện song hành, phát hiện được ngay lập tức những virus đã biến chủng bất thường. Với công nghệ hiện đại ngày nay, người ta có thể giải mã ngay lập tức virus đã biến chủng ở đoạn gene nào, vắc-xin có đáp ứng miễn dịch được cho đoạn gene đó hay không.

Theo các chuyên gia, để “vô hiệu hóa” vắc-xin, virus sẽ cần nhiều thay đổi trong mã di truyền chứ không chỉ một hoặc hai đột biến. Tuy nhiên, các loại vắc-xin ngừa Covid-19 có thể cần được điều chỉnh theo thời gian. Những biến đổi của virus SARS-CoV-2 cũng cần được theo dõi chặt chẽ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ