Năm 1970, số vụ tai nạn giao thông đường bộ gây chết người ở Nhật Bản là 16.765 thì hiện tại, chỉ khoảng 4.100 vì nhờ Tobita-kun, biển báo giao thông bằng gỗ vẽ hình theo phong cách hoạt hình cảnh báo có trẻ bất ngờ băng qua đường.
Không chính thức
Như tại bất cứ đâu, các ngã ba ngã bảy trên khắp đất nước Nhật Bản cũng hay có trẻ em bất chợt phóng ra, khiến các tài xế không xử lý kịp và gây ra tai nạn đáng tiếc. Ngay khi Nhật Bản bước vào tái thiết sau Thế chiến II (1939 – 1945), các trường hợp tử vong vì tai nạn của người đi bộ và lái xe mô tô tăng vọt, đến mức bị gọi là “chiến tranh giao thông”. Nhiều nhà bình luận phải lên tiếng cảnh báo “số người chết vì tai nạn giao thông đang vượt quá số người chết trong không ít cuộc chiến tranh”.
Theo báo cáo từ Viện Quản lý Cơ sở Hạ tầng và Đất đai quốc gia (National Institute for Land and Infrastructure Management - NILIM), năm 1970, Nhật Bản có tổng cộng 16.765 vụ tai nạn giao thông đường bộ gây chết người, chạm mức 16,33/100.000.
Không thể để mặc, thợ làm biển hiệu Yosei Hisada ở Higashiomi, tỉnh Shiga đã nhận yêu cầu từ Hội đồng Phúc lợi của thị trấn, thiết kế biển báo đặc biệt nhằm thông báo cho người lái xe biết những nơi hay có trẻ em đột ngột chạy ra. Tháng 6/1973, ông Hisada ra mắt biển hiệu đầu tiên, đặt tên là Series 0.
Series 0 là tấm biển bằng gỗ, vẽ hình trẻ em đang sải bước bằng sơn nước theo phong cách truyện tranh. Sau khi Series 0 được đặt cạnh các giao lộ lớn, nhỏ trong Higashiomi, tình hình tai nạn xe cộ đã giảm đi trông thấy. Cả trẻ em lẫn người lớn đều thích Series 0 và gọi biển hiệu này bằng cái tên mới Tobita-kun, tức “cậu bé bất ngờ phóng ra”.
Từ Higashiomi, Tobita-kun lan ra khắp tỉnh Shiga và sau đó là toàn bộ Nhật Bản. Ngày nay, từ các giao lộ đô thị nhộn nhịp đến những ngã ba nông thôn yên ắng, đâu đâu cũng xuất hiện bảng hiệu Tobita-kun. Trải qua 5 thập kỷ, Tobita-kun trở thành biểu tượng văn hóa. Tuy không phải là biển báo giao thông chính thức, nó có mặt khắp nơi và được biết đến nhiều hơn bất cứ biển báo nào.
Tuy không có số liệu thống kê chứng minh, Tobita-kun được tin là nhân tố giúp giảm thiểu tai nạn giao thông. Ảnh: Atlasobscura.com |
Linh vật an toàn
Về mặt cấu trúc, Tobita-kun rất đơn giản, chỉ là miếng ván mỏng vẽ, cắt hình trẻ em đang chạy đi. Tại Higashiomi, ông Hisada và con trai của ông là anh Akihiro vẫn tiếp tục làm thủ công các biển hiệu này bằng tay. “Trung bình mỗi năm, chúng tôi làm khoảng 500 Tobita-kun”, anh Akihiro cho biết.
Trải qua thời gian, Tobita-kun ngày càng nhiều biến thể. Từ Series 0 là cậu bé với kiểu tóc cổ điển và chiếc áo màu sáng, Tobita-kun bây giờ không hạn chế giới tính và trang phục.
Ở Koka, Tobita-kun mặc trang phục ninja. Ở Ishikawa, Tobita-kun lấy hình linh vật của giải đấu thể thao cấp tỉnh năm 1991, Genki… Nói chung, tùy vào vị trí và văn hóa khu vực, Tobita-kun mang dáng dấp cô – cậu bé phù hợp nhất.
Ngoài Higashiomi, Tobita-kun còn được làm ở Nanao. Người sáng tạo “cậu bé bất ngờ phóng ra” ở đây là ông Jiroku Yamagishi, hiện 82 tuổi. Theo lời kể của ông Yamagishi, ông bắt đầu thiết kế và làm biển hiệu Tobita-kun sau khi bị mất mẹ vì tai nạn giao thông.
“Tôi muốn những trường hợp đáng tiếc như mẹ tôi giảm xuống”, ông nói. Tính đến nay, ông Yamagishi đã tự tay làm hơn 12 nghìn Tobita-kun và tặng cho các hội đồng giáo dục, văn phòng thành phố… “Miễn là còn có thể, tôi vẫn tiếp tục làm kiểu biển hiệu này”, ông quả quyết.
“Với chúng tôi, Tobita-kun giống như linh vật giao thông đường bộ. Rất nhiều làng mạc, thị trấn, thành phố… tích cực sáng tạo và quảng bá Tobita-kun của riêng mình. Bây giờ, chỉ cần nhìn vào Tobita-kun, người Nhật Bản cũng biết đang ở đâu trên đất nước”, chuyên gia văn hóa đại chúng Taylor Atkins cho biết.
Mỗi địa phương lại có một Tobita-kun riêng. Ảnh: Atlasobscura.com |
Tác động tích cực
Năm 2023, Higashiomi tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm của Tobita-kun. Theo Ai Kawamoto, người phát ngôn của thị trấn, mọi người đều nhiệt tình chuẩn bị cho sự kiện và còn ra mắt trang web chính thức cho Tobita-kun.
Một trong các nguyên nhân khiến Tobita-kun ngày càng được yêu thích có lẽ là nhờ tuân thủ “tỷ lệ bạc”, tức là tỷ lệ cơ thể nhân vật hoạt hình được xác lập bởi các họa sĩ truyện tranh của Nhật Bản. Hello Kitty, Doraemon… cũng tuân thủ tỷ lệ này.
Trong tư cách “linh vật an toàn giao thông đường bộ”, Tobita-kun được tin tưởng là biển hiệu ngăn chặn tai nạn giao thông hiệu quả. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm con số chính xác, bạn không thấy kết quả thống kê nào.
Thực tế, sự giảm xuống của các vụ tai nạn giao thông do yếu tố chủ chốt là sự ra đời của tàu cao tốc và mạng lưới đường sắt, khiến lưu lượng ô tô trên đường thấp hẳn đi. Dẫu vậy, tác động tích cực từ Tobita-kun chắc chắn là có, thậm chí còn rất lớn. Theo NILIM, số các ca tử vong do tai nạn giao thông ở Nhật Bản đã giảm mạnh và Tobita-kun đóng vai trò to lớn. Sự có mặt của nó là cần thiết, đặc biệt là ở các khu vực có trường học, khu vui chơi...
Trên tất cả, Tobita-kun thật sự rất đáng yêu. Chỉ bằng việc nhìn thấy nó trên đường cũng đủ khiến trạng thái tâm lý của người lái xe dễ chịu hơn. Cộng với nhận thức an toàn giao thông được nâng cao, nó góp phần và tạo nên “cách mạng hóa an toàn giao thông đường bộ”.