Di sản văn hóa này là minh chứng hùng hồn, ghi lại trang vàng trong lịch sử dân tộc về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, chống giặc ngoại xâm.
“Bí ẩn” chữ cổ trên vách núi…
Nậm Nhùn mùa này đang đón đợt rét đậm kéo dài. Hầu như mọi người ít vận động hơn vì giá buốt. Từ thành phố Lai Châu, dọc theo Quốc lộ 12 về phía tỉnh Điện Biên chừng 100 km là đến cầu Lai Hà, bước sang đất của Nậm Nhùn.
Đi sâu chừng hơn chục cây số đã đến đền thờ vua Lê Thái Tổ. Tại đó có một tấm bia đá được khắc các dòng chữ cổ. Tấm bia này được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Bà con dân bản ở đây kể rằng, người phát hiện ra văn bia đầu tiên là cha con ông Lò Văn Pánh, người ở bản Chang. Vào khoảng năm 1954, ông Pánh cùng con trai là Lò Văn Pún vào rừng bẫy thú và nhìn thấy trên vách núi có những dòng chữ cổ lạ, nghĩ thần rừng hiển linh, hai cha con sợ quá bỏ về nhà không dám kể với ai. Năm 1960, ông Pún tham gia thi công mở con đường đi Mường Tè. Ông Pún đã kể chuyện với các công nhân cầu đường.
Lời đồn cứ thế một bay xa, rồi thông tin về tấm văn bia cũng được lan truyền đến Phòng văn hóa Châu Mường Lay, rồi về Sở Văn hóa khu Tây Bắc thế song cũng chưa ai biết tấm bia ở vị trí nào. Năm 1962, tỉnh Lai Châu được thành lập. Ngày đó, Ty Văn hóa đã có đủ các phòng, ban và Phòng Bảo tàng đã cử cán bộ trực tiếp về bản Chang tìm hiểu, khảo cứu. Tại đây các cán bộ đã gặp được ông Pánh và tấm bia được tìm thấy, nghiên cứu.
Năm 2009, tấm văn bia của Vua Lê Thái Tổ được những người thợ đá lành nghề Ninh Bình tách khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ và di chuyển lên ngọn núi thấp thuộc địa phận bản Chang xã Lê Lợi cách địa điểm cũ khoảng 800 m. Đến năm 2012, đền Lê Lợi được xây dựng làm nơi lưu giữ tấm bia trên và là địa điểm thờ tụng, nơi lưu niệm, tưởng nhớ công lao của đức Vua Lê Thái Tổ.
Từ đó đến nay, khu di tích bia Lê Lợi trở thành điểm tâm linh để bà con các dân tộc các địa phương trong tỉnh Lai Châu và đông đảo du khách thập phương đến lễ bái, tưởng nhớ công lao vị Anh hùng dân tộc.
Vang vọng lời truyền thế kỷ
Quần thể đền thờ vua Lê Thái Tổ và bia vua Lê Thái Tổ nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu 110 km về phía Tây Nam, thuộc địa phận hành chính của xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Theo cuốn địa chí Lai Châu được xuất bản năm 2020 thì đền thờ được dựng lên để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã có công dẹp loạn vùng Tây Bắc. Ngôi đền tọa lạc trên vị trí đắc địa, cao ráo, có thể phóng tầm mắt 4 phía. Tại quần thể đền thờ Vua Lê còn có một di tích quý báu đó là di tích bia Lê Lợi. Tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau, sử cũ gọi là “Bia cổ hoài lai”.
Văn bia ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Thái Tổ thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Đó là sự kiện năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại) - một bầy tôi phản nghịch của Ai Lao (nước Lào) quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu - Sơn La ngày nay).
Do hành động phản nghịch của Đèo Cát Hãn, vua Lê Thái Tổ đã phái Quốc vương Tư Tề và quan Tư khấu Lê Sát đem quân tiến đánh. Sau đó, vua Lê Thái Tổ thân chinh đem quân lên châu Phục Lễ (châu Ninh Viễn).
Đại quân của triều đình tiến theo đường từ sông Hồng, rồi ngược sông Đà, bằng đường thủy và đường bộ, đánh tan quân phản nghịch Đèo Cát Hãn. Khi quân của nhà vua tiến đến sào huyệt của Đèo Cát Hãn, Kha Lại và Đèo Cát Hãn bỏ trốn, sau đó Nhân dân bắt được Kha Lại và giết chết.
Tháng Chạp năm Tân Hợi - 1431, sau khi bình định vùng Tây Bắc, trên đường quay trở về qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (hiện nay), để ghi nhớ sự kiện trọng đại này đồng thời răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên cương của Tổ quốc, vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách đá bài văn ghi nhớ sự kiện này:
“Bọn giặc cuồng sao dám tránh sự trừng phạt,
Dân biên thùy từ lâu mong ta đến cứu sống
Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có
Đất đai hiểm trở từ nay không còn
Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ,
Sông núi từ nay nhập vào bản đồ
Đề thơ khắc vào núi đá
Trấn giữ phía Tây nước Việt ta”.
Ngày lành tháng Chạp năm Tân Hợi (1431)
Ngọc Hoa động chủ đề.
Tấm bia khắc bài minh văn của vua Lê Thái Tổ còn lại cho đến ngày nay là một di sản văn hóa cực kỳ quý báu. Tấm bia đá hay đúng hơn là một trang vàng lịch sử chống giặc ngoại xâm cùng những tên tù trưởng tham lam, câu kết với ngoại bang để chống lại Nhà nước phong kiến Việt Nam lúc đó.
Năm 2005, Nhà máy thủy điện Sơn La khởi công. Để tránh bị ngập nước, phần bút tích văn bia của vua Lê Thái Tổ đã được di dời. Bút tích sau khi được khoan cắt ra thành một khối đá lớn có kích thước dài 2,62m, rộng 1,13m, cao 1,85m, trọng lượng trên 15 tấn. Năm 2012, bia Lê Lợi được di dời khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ đến khuôn viên đền thờ vua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500m.
Di tích Bia Lê Lợi thuộc xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định 10/VH-QĐ, ngày 02-9-1981, thuộc danh mục số 185 của Bộ Văn hóa về xếp hạng di tích cấp quốc gia Bia Lê Lợi.
Cuối 2016, Bia Lê Lợi chính thức được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đầu năm 2017, đền thờ vua Lê Lợi cũng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 218/QĐ-BVHTTDL, ngày 23/01/2017.
Bia Lê Lợi là hiện vật gốc độc bản, hoàn toàn không trùng lặp với các văn bia đã được phát hiện, văn bia vừa mang giá trị to lớn về lịch sử nhưng cũng là một kiệt tác văn hóa của vị anh hùng tài hoa của dân tộc.