Văn bia Hán Nôm -"ngọc quý" bị lãng quên

Văn bia Hán Nôm -"ngọc quý" bị lãng quên
f
Bia đá khắc thơ ngự chế nằm chơ vơ ở hành cung Thuận An 

(GD&TĐ) - Bia “cung đình” tức những bia đá khắc những bài văn (gồm cả văn, thơ, phú, ký...) do đích thân các hoàng đế ngự chế hoặc do triều đình theo lệnh vua biên soạn và khắc dựng. Bia đá và văn bia cung đình thực sự là một di sản Hán Nôm rất quý hiếm, hầu như chỉ tập trung nhiều ở Thừa Thiên - Huế.

Loại văn bia này chủ yếu là thơ phú của các ông vua Nguyễn, đề vịnh những cảnh đẹp ở cố đô Huế. Nổi bật trong số này là chùm thơ Thánh Duyên Tự Chiêm Lễ của vua Minh Mạng, Thuận An Tấn Ký và Thuận An Bát Thập Vận của vua Tự Đức...

Tất cả những tấm bia Ngự chế đều được khắc dựng trong thời gian hưng thịnh nhất của 3 vị hoàng đế Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883). Vua Thiệu Trị, tuy chỉ ở ngai vàng 7 năm nhưng ông lại là tác giả có số lượng văn bia nhiều nhất (14 bia). Vua Minh Mạng và Tự Đức xếp thứ hai, có 6 bia.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐ) cho biết, để tôn vinh 20 cảnh đẹp trên đất cố đô, năm 1845, vua Thiệu Trị đã sai nội các in thành sách bộ Ngự đề đồ hội thi tập có kèm tranh minh họa; vẽ trên tranh gương để treo tại các cung điện; vẽ trên một số đồ sứ ký kiểu đặt hàng từ Trung Hoa.

Đặc biệt, nhà vua còn cho khắc chùm thơ Thần kinh nhị thập cảnh vào bảng đồng để dựng tại 8 thắng cảnh nằm trong cung và vườn ngự. Đồng thời cho khắc vào bia đá dựng tại 12 thắng cảnh khác nằm rải rác tại kinh đô Huế.

Tác phẩm Vân Sơn thắng tích của vua Thiệu Trị là một trong 20 bài thơ mang tên là Thần kinh nhị thập cảnh. Sau những chuyến tuần du dọc theo phá Tam Giang, nhà vua nhận xét phong cảnh Trấn Hải Thành (Thuận An) và chùa Thánh Duyên (trên núi Thúy Vân Sơn) vừa thơ mộng, vừa hùng tráng. Đây là hai danh thắng được xếp hạng thứ 9 và thứ 10, trên cả sông Hương và chùa Linh Mụ, trong số 20 bài thơ mang tên Thần kinh nhị thập cảnh.   

Bài thơ Vân Sơn thắng tích (cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân) được khắc trên tấm bia thứ nhất, được dựng trong nhà bia dưới chân núi Thúy Vân nằm ở bên phía tay trái trên đường vào chùa.

Tấm bia này có chiều cao là 1,38m, dày 0,8m, lòng bia khắc chín dòng chữ và một dòng lạc khoản Thiệu Trị tam niên thất nguyệt cát nhật, cung tuyên ngự chế thi nhất thủ (cung kính khắc một bài thơ do vua làm vào ngày tốt tháng Bảy nhuận năm thứ ba đời Thiệu Trị (1843).

Nhà bia hành cung Thuận An (hiện nằm trong Trường Tiểu học Thuận An 1, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế)
Nhà bia hành cung Thuận An (hiện nằm trong Trường Tiểu học Thuận An 1, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế)
 

Về bài thơ khắc trên bia đá ở hành cung Thuận An, vua Minh Mạng nhận xét cửa Eo (Thuận An) và Trấn Hải Thành có giá trị lớn về kinh tế, quân sự, xã hội... Khi đúc cửu đỉnh (năm 1836) vua đã ra lệnh thể hiện hình ảnh “Thuận An hải khẩu” và Trấn Hải Thành.

Trong lịch sử, từ thời xa xưa đến đầu thế kỷ XIX, cửa Eo (sử sách ghi là Yêu Hải môn) là nơi sông Hương đổ ra biển, từng được xem là một vị trí chiến lược xung yếu của vùng Huế ngay từ thời nhà Hồ (1400 - 1407), qua thời Hậu Lê (1428 - 1789), đến thời Tây Sơn (1788 - 1801).

Sau khi chọn Huế để xây dựng Kinh đô, vua Gia Long thấy vị thế cửa Eo càng trở nên xung yếu hơn, do đó vào năm 1813, nhà vua đã cho xây dựng ở bờ bắc của cửa biển này một tòa thành lũy gọi là Trấn Hải Đài và cho đổi tên cửa Eo thành cửa biển Thuận An với hàm ý cầu mong trời yên biển lặng.

Công trình kiến trúc này có hai chức năng chính là phòng thủ về mặt biển để bảo vệ Kinh đô Huế, và kiểm soát, điều khiển mọi loại tàu thuyền trong nước và nước ngoài ra vào cửa biển. Đêm đến trên đài cao có treo đèn lồng chiếu sáng (hải đăng) để hướng dẫn tàu thuyền cập bến. 

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, để tôn vinh 20 cảnh đẹp trên đất cố đô hiện nay toàn bộ các tranh minh họa về 20 thắng cảnh vẫn được lưu lại trong bộ “Ngự đề đồ hội thi tập” đang được lưu trữ đầy đủ.

Còn những bài thơ khắc vào bảng đồng gồm 8 cảnh đầu tiên, thì đã bị mất! Trong khi đó, những bài thơ được khắc vào bia đá, gồm 12 bài còn lại, đến nay bị mất 4 tấm, tìm thấy 8 tấm bia, tình trạng khá tốt, nét chạm khắc còn sắc sảo.

Nhưng hiện nay, ngoài một số văn bia di sản đã bị mất tích, một số còn lại đang bị xuống cấp, vì các nhà bia hầu hết đã và đang hư hỏng nặng như bia “Bình Lĩnh Đăng Cao” (núi Ngự Bình)... 

Thiết nghĩ, để giữ gìn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm quý hiếm, các bia đá khắc văn thơ ngự chế cần được bảo vệ và giới thiệu đầy đủ trong mảng văn thơ cung đình Nguyễn.

Vũ Hào

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ