Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên và chiếc bộ đàm “quyền năng” trong chỉ đạo, điều hành

GD&TĐ - Báo cáo nhanh, gọn, chính xác thông qua hệ thống bộ đàm đã được lãnh đạo thành phố Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc áp dụng trong công tác Phòng, chống dịch Covid-19 và các hoạt động chuẩn bị cho ngày bầu cử.

Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Bình sử dụng bộ đàm để chỉ đạo công việc tại Sở chỉ huy
Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Bình sử dụng bộ đàm để chỉ đạo công việc tại Sở chỉ huy

Thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chuẩn bị chu đáo cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại thành phố Vĩnh Yên có dấu ấn quan trọng của người lãnh đạo. Và hơn hết, thành quả này đến từ sự quyết liệt, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân thành phố.

Cùng với đó, một việc làm mới đã được Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Bình thí điểm triển khai là sử dụng mạng bộ đàm để chỉ đạo, báo cáo công việc hàng ngày. Đây được đánh giá là cách làm sáng tạo, có thể áp dụng cho nhiều địa phương.

Quyết liệt và sáng tạo

Dịch Covid-19 quay trở lại Vĩnh Phúc sau hơn 1 năm khống chế thành công. Khi người dân chưa kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4 thì một thông báo quan trọng đã được tỉnh Vĩnh Phúc ban hành, đó là yêu cầu người dân từng đến các địa điểm có chuyên gia người Trung Quốc mắc Covid-19 thực hiện khai báo y tế.

Lúc này, tại thành phố Vĩnh Yên có 2 điểm nóng mà người dân phải lập tức khai báo y tế là Trung tâm chăm sóc sức khỏe Hoa Sen (Massage Hoa Sen) và nhà hàng Hải sản ngon. Sau đó, Massage Hoa Sen đã trở thành ổ dịch có diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phải ban hành quyết định cách ly xã hội toàn thành phố Vĩnh Yên kể từ 0h ngày ngày 7/5 đến 0h ngày 22/5.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành và Bí thư thành ủy Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Bình cùng tập thể ban lãnh đạo thành phố, chỉ trong thời gian ngắn, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.

Đến 0h ngày 19/5, Vĩnh Yên chính thức chấm dứt cách ly xã hội, sớm hơn 3 ngày so với dự kiến ban đầu. 165 chốt kiểm soát dịch bệnh trong thành phố đã được dỡ bỏ trong đêm, đội ngũ nhân sự của các chốt chống dịch được chuyển sang các hoạt động tuần tra lưu động và phục vụ cho công tác bầu cử.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên

Theo dõi công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của Vĩnh Yên những ngày qua cũng như các hoạt động chuẩn bị cho ngày bầu cử ở địa phương, chúng tôi nhận thấy một điểm khá lạ. Đó là, lãnh đạo thành phố và các thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch, ban bầu cử đều cầm chắc trên tay chiếc bộ đàm. Đây là sáng kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Bình nhằm chỉ đạo công việc một cách nhanh, gọn, chính xác và không hành chính hóa thủ tục. Nhất là trong những ngày vừa phải căng mình chống dịch, vừa chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử.

Thông tin từ Trung tâm Văn hóa thành phố Vĩnh Yên cho biết, ngay sau khi tình hình dịch tại Vĩnh Yên có diễn ra phức tạp, để đảm bảo cho công tác chỉ đạo phòng, chống dịch hiệu quả, không phải họp trực tiếp nhiều, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Bình đã chỉ đạo thực hiện việc mua sắm bộ đàm dành cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố. 30 chiếc bộ đàm được giao cho các đồng chí trong ủy viên Ban thương vụ, Ban chỉ đạo chống dịch, Chủ tịch UBND các xã, phường.

Bộ đàm sẽ hoạt động 24/24, các nội dung quan trọng sẽ được xử lý ngay, kể cả trong đêm. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng ra chỉ đạo không được tắt hay dừng hoạt của bộ đàm.

Vào 7 giờ sáng sẽ họp qua bộ đàm, gồm thường trực, thành viên Ban chỉ đạo ngồi tại trung tâm chỉ huy, lãnh đạo xã, phường nghe triển khai các nhiệm vụ cần thực hiện trong ngày. Các nội dung nóng về bầu cử và dịch bệnh nếu có sẽ được báo cáo và được chỉ đạo triển khai. Chiều 17 giờ cũng sẽ tiến hành họp qua bộ đàm với các nội dung cần triển khai.

Phát huy vai trò chỉ huy

Chia sẻ với Báo GD&TĐ về hiệu sử dụng bộ đàm đối với công tác phòng, chống dịch và chuẩn bị cho bầu cử, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Bình cho biết: Vai trò về cập nhật và xử lý thông tin có thể quyết định đến việc thành bại của công tác phòng dịch và triển khai công tác bầu cử.

Xuất phát từ phương châm “chống dịch như chống giặc” và nhận thấy những tiện ích của mạng bộ đàm, thành phố đã quyết định mua, cấp cho lực lượng bầu cử và phòng chống dịch theo tiêu chí 2 trong 1. Đó là, vừa chỉ đạo đảm bảo thành công chống dịch, vừa phải đảm bảo công tác bầu cử theo đúng quy định.

Thành phố đã thành lập một đơn vị cơ động, phản ứng nhanh để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến bầu cử. Đơn vị cơ động gồm 3 bộ phận quan trọng: Bộ phận liên quan đến nhân sự, bộ phận liên quan tuyên truyền và bộ phận liên quan đến an ninh trật tự và y tế.

Từ khi sử dụng bộ đàm, việc nắm bắt thông tin về quá trình chuẩn bị bầu cử và công tác chống dịch cho thấy sự hiệu quả thiết thực. Các xã, phường qua bộ đàm sẽ báo cáo tình hình, những vướng mắc, khó khăn. Trên cơ sở đó, đội cơ động sẽ xuống địa phương để xử lý vấn đề ngay lập tức.

“Tại Vĩnh Yên thời gian qua, việc cập nhật thông tin qua bộ đàm là hết sức nhanh chóng, qua đó xử lý cũng nhanh gọn. Ví dụ, khi phát hiện một ổ dịch nào đó chỉ trong vòng mấy phút các lực lượng đến phong tỏa, phân loại, truy vết, đưa đi cách ly các đối tượng theo quy định. Đặc biệt, mạng bộ đàm có tác dụng rất lớn trong việc truyền tải thông tin, nhất là đối với trong các khu vực đang bị cách ly.

Ngoài công tác phòng chống dịch và phục vụ bầu cử, tới đây, thành phố sẽ tiến hành rút kinh nghiệm trong công tác sử dụng mạng bộ đảm để từ đó tiếp tục sử dụng cách thức này phục vụ các công việc cần thiết, phù hợp khác”- Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ thêm.

Phó Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Nguyễn Hoài Nam (đứng cạnh hòm phiếu) sử dụng bộ đàm để báo cáo và chỉ đạo triển khai nhiệm vụ tại điểm bỏ phiếu nhà văn hóa Vĩnh Thịnh 4, phường Tích Sơn
Phó Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Nguyễn Hoài Nam (đứng cạnh hòm phiếu) sử dụng bộ đàm để báo cáo và chỉ đạo triển khai nhiệm vụ tại điểm bỏ phiếu nhà văn hóa Vĩnh Thịnh 4, phường Tích Sơn

Là người sử dụng bộ đàm để báo cáo công việc hàng ngày, Thượng Tá Nguyễn Văn Tâm – Chỉ huy Trưởng Ban chỉ huy quân sự Thành phố Vĩnh Yên cho biết: Từ khi triển khai mạng bộ đàm, sự chỉ đạo được thông suốt, vì trong thời điểm dịch diễn ra thì hệ thống mạng điện thoại có thể gặp vấn đề ngẽn mạng, ngoài ra việc truyền đạt thông tin qua điện thoại đến toàn bộ Ban chỉ đạo cũng rất hạn chế. Sử dụng mạng bộ đàm thì có thể một đồng chí trong Ban chỉ đạo gọi chỉ đạo công việc thì tất cả các thành viên khác đang sử đụng bộ đàm đều nghe được với đầy đủ thông tin. Những nội dung cần phản hồi cũng phản hồi được ngay cho Ban chỉ đạo.

Một ngày thành phố Vĩnh Yên sẽ tổ chức 2 cuộc giao ban và buổi sáng và chiều, có khi vào ban đêm nếu tình hình dịch bệnh phát sinh vấn đề phức tạp. Chủ tịch UBND cấp phường, xã trong thành phố tham gia họp qua bộ đàm, các ý kiến đề xuất cũng như tiếp thu chỉ đạo sẽ được thông tin nhanh và chính xác nhất.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên Lê Anh Tân sử dụng bộ đàm trong chuyến đi kiểm tra công tác bầu cử tại cơ sở
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên Lê Anh Tân sử dụng bộ đàm trong chuyến đi kiểm tra công tác bầu cử tại cơ sở

Ở cấp cơ sở, bà Phùng Thị Thúy Hiền, Chủ tịch UBND xã Thanh Trù cho rằng: Việc sử dụng bộ đàm rất tiện lợi, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 và những ngày chuẩn bị cho công tác bầu cử. Khi lãnh đạo cho chủ trương, chỉ đạo thì tất cả các đơn vị đều nhận được thông tin để nắm bắt và áp dụng.

“Vào 7 giờ sáng và 5 giờ chiều, thành phố giao ban và kết luật của lãnh đạo gồm 2 phần, 1 phần và về phòng, chống dịch Covid-19 và 1 phần về bầu cử. Khi triển khai các nội dụng đến xã, phường thì địa phương nào có ý kiến thì sẽ báo cáo luôn. Tại thời điểm đột xuất, lãnh đạo thành phố sẽ triển khai đến các xã phường thì tất cả các xã phường cũng đều nắm được. Từ đó linh hoạt ra các văn bản chỉ đạo phù hợp với địa phương mình chứ không đợi văn bản của thành phố nữa”- Bà Phùng Thị Thúy Hiền cho biết thêm.

Mới đây, Đoàn công tác của Hội đồng bầu cử Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm trưởng đoàn đã về làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc. Đoàn đã kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại trụ sở phường Hội Hợp (TP. Vĩnh Yên) và khu vực bỏ phiếu số 2 thuộc tổ dân phố Tiên Sơn, phường Hội Hợp.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên nói chung và phường Hội Hợp nói riêng đã đảm bảo đúng tiến độ, thời gian, phù hợp với thực tế địa phương. Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh, thành phố và phường Hội Hợp cần tiếp tục chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống trong quá trình triển khai các hoạt động bầu cử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ