Giáo viên chịu nhiều áp lực
Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, PGS.TS Tô Bá Trượng cho rằng, giáo viên phổ thông đang chịu những áp lực chính như: Công tác chuyên môn, quản lý giáo dục, hoạt động giảng dạy, phụ huynh và học sinh, nghề nghiệp và xã hội. Nguyên nhân tạo ra những áp lực này là do nhu cầu phát triển KT-XH mà việc đào tạo đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu người học, sự tăng nhanh đội ngũ, chất lượng giáo viên, nguyên nhân về quản lý, chỉ đạo trong giáo dục, trong đó có đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Giáo viên dạy học để nuôi sống bản thân mình và gia đình nhưng hiện thu nhập còn quá thấp vì lương giáo viên vừa ra trường chỉ được 3 - 4 triệu đồng/tháng. Đã vậy, giáo viên luôn bị ám ảnh, lo âu vì công việc không ổn định. Sự biến đổi số lượng học sinh các năm học, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, buộc giáo viên phải luân chuyển, thậm chí giảm biên. Đây cũng là áp lực khiến giáo viên lo lắng, ảnh hưởng đến nghề của mình.
Thạc sĩ Lê thị Thanh Thúy (Hệ thống Giáo dục Sunshine Maple Bear) đưa ra giải pháp giảm áp lực cho giáo viên phổ thông:
1. Thu hút người giỏi vào sư phạm.
2. Đổi mới phương thức đào tạo.
3. Quy hoạch lại mạng lưới sư phạm.
4. Cải thiện chế độ đãi ngộ cho nhà giáo.
5. Trường học phải là môi trường tự do sáng tạo của giáo viên và học sinh.
Ngoài công việc trực tiếp giảng dạy trên lớp, giáo viên còn phải học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để phát triển chuyên môn, tham gia các cuộc thi, hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao. Thực tế này đã nói lên phần nào về sự quá tải trong lao động sư phạm.
Nhưng nếu chất lượng dạy học, giáo dục không tốt thì “mọi thứ đổ lên đầu giáo viên cả”. Giáo viên phải chịu trách nhiệm trước phụ huynh và toàn trường về chất lượng dạy học, về kết quả thi, về các tỉ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp và giáo dục nhân cách học sinh. Những áp lực từ công việc dạy học, mọi giáo viên đều có thể vượt qua, nhưng việc quản lý, giáo dục học sinh là vấn đề vô cùng khó khăn.
Ảnh minh họa |
TS Phạm Thị Kim Anh, Trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ: “Có thể nói, đạo đức học sinh giờ đây đang thách thức năng lực của người thầy. Thực tế cho thấy, những hành vi vô kỉ luật trong lớp học của học sinh ngày càng gia tăng như quấy phá, nói chuyện, không học bài, sử dụng điện thoại, với mức độ gia tăng, gây căng thẳng cho giáo viên. Bất cứ người thầy nào đang đứng trên bục giảng cũng đều cảm thấy bức xúc, mệt mỏi, nhưng phải “ngậm bồ hòn”, thậm chí phải vô cảm, làm ngơ để dạy cho xong tiết và tránh sự xung đột giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Chính thái độ khó bảo, thiếu tôn trọng của học sinh khiến nhiều giáo viên cảm thấy bị xúc phạm và muốn rời bỏ nghề hơn là áp lực từ công việc dạy học”.
Đi tìm giải pháp
Làm thế nào để giải tỏa áp lực cho giáo viên? GS.TS Phan Văn Kha (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) khẳng định: “Theo tôi, áp lực của giáo viên phổ thông vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực. Nếu tác động tích cực, sẽ tạo động lực để phát triển đội ngũ giáo viên và nâng cao hiệu quả hoạt động nghề nghiệp.
Ngược lại, tác động tiêu cực, nếu không được giải tỏa kịp thời, sẽ ảnh hưởng xấu đến thể chất, tinh thần cũng như hoạt động dạy học của giáo viên. Để tạo động lực từ những áp lực lao động nghề nghiệp hoặc giải tỏa, cởi bỏ các áp lực cho giáo viên phổ thông cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Thiết nghĩ, trước hết chúng ta phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục đặt ra...
Thạc sĩ Lê Thị Mai Hương (Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thực nghiệm) đã đưa ra nhóm giải pháp mà nhà trường đã áp dụng như: Chia sẻ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường về tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu dài hạn, ngắn hạn của nhà trường giúp mỗi người định hướng mình trong từng hoạt động và đặt ra mục tiêu phát triển; Tạo điều kiện giúp đỡ giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Tìm kiếm các nguồn lực, hỗ trợ giáo viên trong dạy và học; Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; Cung cấp công cụ cần thiết giúp giáo viên áp dụng phù hợp cho hoạt động dạy học...
TS Nguyễn Thị Quế Anh, Học viện Chính trị khu vực I bày tỏ quan điểm: “Theo cá nhân tôi, các giáo viên phổ thông phải được bố trí, giao việc dạy học theo đúng chuyên môn; tăng lương cho giáo viên, đáp ứng nhu cầu đời sống, phải đủ trang trải cho gia đình, điều này thể hiện sự trân trọng của xã hội đối với người thầy.
Tăng các chế độ phúc lợi cho giáo viên như vật chất, tinh thần, nhà ở, giảm bớt công việc giấy tờ, sổ sách để giáo viên tập trung cho chuyên môn, cho hoạt động dạy và học, tái tạo năng lượng sáng tạo. Tăng cường quyền được chủ động giáo dục, uốn nắn học sinh bằng nhiều hình thức từ công cụ pháp lý đến tình yêu thương, kể cả hình phạt để giáo viên THPT có thể giáo dục, giúp đỡ học sinh học tập, tu dưỡng các năng lực trí tuệ. Tạo điều kiện để giáo viên THPT nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện Chương trình giáo dục mới”.