Bí quyết thực hiện tìm hiểu đề, lập dàn ý trong văn tả cảnh

GD&TĐ - Cô Tống Thị Lan Anh - Giáo viên Trường THCS Đồng Giao (Ninh Bình) - chia sẻ bí quyết hướng dẫn học sinh thực hiện bước tìm hiểu đề, lập dàn ý khi làm bài văn tả cảnh, giúp phát huy được năng lực học sinh.

Bí quyết thực hiện tìm hiểu đề, lập dàn ý trong văn tả cảnh

Giúp học sinh xác định đúng yêu cầu đề bài

Trong bước này, cô Lan Anh cho biết mình thường hướng dẫn HS trao đổi, hoạt động thảo luận nhóm để tìm hiểu đề, tìm ý.

Với hoạt động tìm hiểu đề, để xác định đúng yêu cầu của đề bài, giáo viên yêu cầu HS trao đổi, hoạt động nhóm: Đọc kĩ đề bài; gạch chân những từ quan trọng. Sau đó, xác định yêu cầu về thể loại, về nội dung, đối tượng miêu tả, phạm vi giới hạn.

Khi hướng dẫn HS tìm hiểu đề, giáo viên nêu một số đề từ dễ đến khó, đề yêu cầu tả một cảnh và đề tả nhiều cảnh (dạng đề tổng hợp) để học sinh xác định và phân biệt.

Ví dụ, với 2 đề bài: Tả cảnh cánh đồng lúa chín và tả cảnh quê hương vào một buổi chiều nắng đẹp, giáo viên hướng dẫn HS nhận biết, phân biệt đề 1 là đề tả một cảnh (cảnh cánh đồng lúa chín là cảnh trọng tâm, tiêu biểu); còn đề 2 là dạng đề tổng hợp, qua việc đọc kĩ đề, xác định những từ ngữ quan trọng, then chốt.

Giáo viên giao nhiệm vụ cho từng nhóm tự xây dựng hệ thống câu hỏi tìm hiểu đề. HS tự đặt câu hỏi và trả lời: Đề thuộc thể loại gì? Đối tượng? Nội dung? Phạm vi tư liệu? Sau đó tôi sẽ khái quát lại trên cơ sở việc tìm hiểu đề của các em.

Cụ thể, với đề bài tả cảnh quê hương vào một buổi chiều nắng đẹp, cách xác định đề như sau:

Thể loại: Tả cảnh (đối tượng tả là quê hương em).

Nội dung tả: Cảnh sắc của quê hương (gồm những cảnh khác nhau như cảnh cánh đồng, cảnh dòng sông, con đường làng....)

Phạm vi giới hạn: Cảnh quê hương em vào một thời gian cụ thể - một chiều nắng đẹp.

"Tôi hướng dẫn cho học sinh thấy đây là đề bài dạng miêu tả cảnh tổng hợp. Vậy thế nào là cảnh tổng hợp và cách xác định đề tổng hợp như thế nào? Trước hết, tôi nêu vấn đề để các nhóm suy nghĩ, trao đổi, thảo luận và trình bày ý kiến của mình.

Trên cơ sở đó, hướng dẫn HS cách xác định đề yêu cầu tả cảnh tổng hợp thường chứa những từ ngữ như: “một miền quê, quê hương em, cảnh vùng quê, hoặc cảnh nơi em ở...”.

Vậy còn cảnh tổng hợp là như thế nào? Đó là cảnh gồm nhiều cảnh nhỏ, cảnh lẻ. Những cảnh nhỏ, của quê hương thường là cảnh cánh đồng, dòng sông, con đường làng, cây đa, lũy tre, bờ đê, giếng nước, sân đình... sau đó các em phải hình dung được cụ thể về cảnh miêu tả ở thời gian nào (mùa nào), ở không gian nào (cảnh đó như thế nào)...

Việc xác định được đúng yêu cầu của đề như ở ví dụ trên sẽ giúp các em rất nhiều trong việc định hình được đối tượng miêu tả" - Cô Tống Thị Lan Anh chia sẻ.

Tìm ý bằng hoạt động nhóm

Khi triển khai hoạt động tìm ý, cô Lan Anh cho biết, mình thường tổ chức cho HS hoạt động nhóm nhằm hợp tác giải quyết nhiệm vụ được giao. Kết quả sẽ do đại diện các nhóm trình bày, các nhóm khác nhận xét bổ sung.

Qua trao đổi thảo luận, HS định hình được hướng đi của bài viết văn miêu tả cảnh, HS đã hiểu được các bước tìm ý cho bài văn tả cảnh phải theo một trình tự: Tìm ý bao quát không gian của cảnh chung sẽ tả, sau đó cụ thể sẽ có những cảnh nào, cảnh như thế nào và phải xác định được các ý lớn, ý nhỏ.

Trước hết, bao quát không gian cảnh được coi là một thao tác ban đầu, rất quan trọng trong việc định hình tâm thế cũng như điểm nhìn cho người thưởng thức bức tranh cảnh vật bằng ngôn từ. Vậy cách giới thiệu bao quát không gian cảnh như thế nào? Cô Lan Anh nêu vấn đề để HS suy nghĩ, trao đổi và đưa các cách tìm ý như sau:

Để tả bao quát cảnh, trước hết phải có câu xác định vị trí miêu tả khái quát. Thường là một vị trí cao hơn, xa cảnh trung tâm để có thể chụp được toàn cảnh miêu tả vào nhãn quan của người quan sát một cách tương đối trọn vẹn.

Sau câu văn giúp người đọc biết được vị trí của người quan sát là những lời văn nhận xét, đánh giá khái quát đầy nghệ thuật về cảnh chung đó (các em đã ý thức được rằng: đây là những lời văn sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ sao cho cảnh tả phải hiện lên sống động, tự nhiên, hồn hậu, trong sáng... sát hợp với yêu cầu của đề mà phần trước đã xác định và mang tình cảm riêng của người quan sát cảnh).

Ví dụ, với đề bài “Cảnh khu vườn vào buổi sáng mùa thu”, giáo viên cho HS xác định chủ đề của cảnh sẽ miêu tả là một cảnh khu vườn tươi tốt, đầy hoa thơm trái ngọt, rất thanh bình, dân dã mà mang được vẻ trù phú, đặc biệt cảnh phải mang được dáng dấp của thời gian, không gian mà đề quy định (có đặc trưng của mùa thu).

Sau đó, hướng cho HS tái hiện từng hình ảnh của khu vườn theo trí tưởng tượng của các em nhưng phải sát với thực tế cuộc sống. Có thể là: Cảnh giàn thiên lý trước sân nhà ngào ngạt dậy hương buổi sớm, hình ảnh cây cau cạnh bể nước với những tàu lá già giang rộng, đọt lá non cao vút; hình ảnh vườn hoa đua sắc vàng thu cùng ong bướm;

Hình ảnh vườn rau tươi tốt cũng mang đặc trưng mùa thu: Cải sen làm dưa đang lên ngồng đang trổ hoa vàng rực, những ngọn mồng tơi đang quăn mình leo lên bờ dậu để ra quả vắt mình sang thu;

Tiếp đó là hình ảnh hàng cây ăn quả với những hương vị màu sắc của thu: Thơm lựng chuối tiêu trứng cuốc đốm vàng, những trái na mở mắt nhìn nắng thu, cây hồng trái chín như những chấm son trên nền trời thu...

Với cách làm như trên, HS luyện tập tìm đặc điểm cho nhiều cảnh khác nhau với những thời gian, không gian đa dạng. Các em được luyện tập dưới hình thức “thi nhau tìm đặc điểm”, sau đó giáo viên hệ thống lại và giúp các em chọn lựa những đặc điểm tiêu biểu nhất trong mỗi cảnh. Như thế sẽ tạo được hứng thú của HS với cảnh sẽ tả, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động của HS.

Lập dàn ý

Cô Lan Anh chia sẻ: Trong bước này, tôi thường chia lớp thành các nhóm nhỏ, tổ chức hoạt động nhóm yêu cầu HS xây dựng dàn ý, mỗi em sẽ suy nghĩ và viết các nội dung của mình sau đó cả nhóm sẽ thảo luận, tìm ra những ý kiến chung, thống nhất trong nhóm.

Khi có kết quả các nhóm sẽ trình bày và nhóm khác sẽ nhận xét bổ sung. Sau đó tôi sẽ nhận xét hướng dẫn cụ thể, hoàn chỉnh dàn ý của đề đó nhưng luôn tôn trọng sự sáng tạo riêng của các em.

Ví dụ, với đề bài: Hãy tả cảnh buổi sáng mùa hè trên quê hương em, dàn ý như sau:

Mở bài: Có thể nêu một số ý: Giới thiệu chung về khung cảnh định tả (thời gian, không gian, điểm nhìn...); nêu cảm nhận chung của em về cảnh buổi sáng mùa hè ở quê hương.

Thân bài: Tả được cảnh thiên nhiên và con người trong buổi sáng mùa hè trên quê hương (miêu tả theo một trình tự nhất định - trình tự thời gian, không gian...);

Cảnh thiên nhiên: Miêu tả được cây cối, hoa lá, khí hậu, tiết trời... mang đặc điểm mùa hè (vừa yên ả, thanh bình vừa tươi vui, náo nức, đầy sức sống):

Bầu trời, ánh nắng, cơn gió nhè nhẹ... những đặc trưng thời tiết mùa hè; cánh đồng lúa chín vàng, hương lúa thơm ngào ngạt...; cây cối còn ướt sương, um tùm sum suê hoa trái, toả bóng mát;

Hoa lá với nhiều sắc màu: Tiêu biểu hình ảnh những hàng phượng hoa đỏ rực trên nền lá xanh non hoà lẫn với màu xanh của trời, những cây bằng lăng nở tím cả góc trời...;

Chim chóc ca vang, âm thanh tiếng ve ngân tạo nên bản nhạc vui tươi náo nức; không gian ngào ngạt hương thơm, rực rỡ sắc màu và rộn rã âm thanh.

Một vài hoạt động của con người trong buổi sáng mùa hè: đi chợ, đi làm... nhộn nhịp, tấp nập, háo hức.

Kết bài: Suy nghĩ, cảm xúc của em về buổi sáng mùa hè trên quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ