Bí quyết thủ khoa… không nối mạng

GD&TĐ - Bạn Nguyễn Hoàng Nam - Thủ khoa Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) năm 2013 với 29 điểm khối A1, chia sẻ bí quyết ôn tập, làm bài của bạn cho kỳ thi ĐH năm trước.

Bí quyết thủ khoa… không nối mạng

Chăm chỉ học đều tất cả các môn, dành thời gian “chăm sóc” những môn ôn thi đại học một cách đặc biệt nhất là chìa khóa giúp Hoàng Nam đạt được thành tích cao trong học tập, những kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi ĐH năm 2013.

Thư giãn trong giờ thi Toán

“Trong đề toán thi ĐH, những câu khó thường nằm ở phần giải phương trình hoặc bất phương trình, hình học giải tích và bất đẳng thức. Vì thế, mình thường giải hết những câu dễ trước, dò đi dò lại chúng thật kỹ sau đó dành khoảng 3 phút giải lao trong giờ thi trước khi bắt tay làm bài tiếp. 

Khi ấy, mình vào nhà vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo rồi quay lại phòng thi. Mình cảm thấy nghỉ ngơi như vậy rất thoải mái. Nó giúp cho mình khởi động lại tinh thần sau một cuộc chiến dài, để rồi khỏe khoắn hơn, bình tĩnh hơn khi giải quyết những bài toán khó” - Hoàng Nam chia sẻ.

Không chỉ có cách tận dụng thời gian rất đặc biệt trong giờ thi, đối với những câu khó, Nam thường giải ra nháp để tìm ra cách tối ưu nhất, tránh việc ngộ nhận hay xét thiếu trường hợp. Nếu thời gian làm bài chỉ còn 10 phút, Nam sẽ ngưng giải những câu khó vì rất dễ sai, thay vào đó Nam dò lại những câu đã làm, chăm chút để không bị mất điểm vô lý.

Tính cẩn thận và thoải mái khi làm bài của thủ khoa Bách khoa bắt nguồn từ việc ôn tập nghiêm túc và chăm chỉ. Khi giải một bài toán, Nam luôn cố gắng tìm nhiều cách, so sánh cách làm của mình với thầy cô, sách tham khảo, bạn bè để rút ra những kinh nghiệm riêng.

Không chỉ thế, từ sau tết khi đã xác định được cho mình khối thi, ngành nghề, Nam lên hẳn cho mình một kế hoạch học tập cụ thể. Một ngày Nam đặt mục tiêu phải học cả ba môn: toán, lý, Anh văn. 

Trong đó, Nam cố gắng mỗi ngày giải một đề thi toán, có gì không hiểu sẽ trao đổi bài với bạn bè, hỏi thăm thầy cô để thật “thấm” cách ra đề, từng dạng toán chứ không phải chỉ giải qua loa, hiểu sơ là được.

Cẩn thận với môn Lý

Theo nhiều thí sinh, từ năm 2010 đề thi lý đã khó dần, nhiều câu bài tập lẫn lý thuyết đòi hỏi thí sinh phải hiểu vấn đề mới có thể chọn đáp án chính xác nhất. 

Vì thế, để giải được những câu hỏi lý thuyết, Nam đọc sách giáo khoa thật kỹ, kể cả những ví dụ, thí nghiệm, hiện tượng. Những câu lý thuyết là một phần vừa dễ, vừa khó trong đề thi. Nếu như mình chủ quan sẽ chọn nhầm đáp án.

Đối với những câu bài tập, cách đạt được điểm cao là phải làm bài tập thật nhiều, nắm được cách ra đề của từng dạng. Trong đó, Nam lưu ý việc đọc và thống kê hết những dữ kiện đề bài cho sẽ giúp người làm dễ dàng tìm được mấu chốt của vấn đề, chọn đáp án nhanh chóng.

Nam cho biết: “Với môn lý, mình thấy điện và cơ là hai phần khó nhất, kể cả về bài tập lẫn lý thuyết. Nhưng đối với những nội dung khác, mình cũng không được ỷ lại vì có rất nhiều điều trong quá mình làm bài rất dễ mắc sai sót như đổi đơn vị, công thức áp dụng trong từng trường hợp… 

Nguồn đề ôn tập của môn lý cũng rất phong phú, để đảm bảo không ôn tập lan man, mất thời gian mình thường lấy từ đề thi ĐH - CĐ của những năm trước, xin từ thầy cô và các anh chị đạt thành tích cao ở môn này”.

Khác với cách làm bài tự luận, chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau, Nam áp dụng cách làm từ trên xuống dưới đối với môn lý. Theo Nam, cách làm này sẽ giúp tránh tô thiếu đáp án, giải quá nhiều bài tập hay tập trung nhớ lý thuyết một lúc sẽ gây rối khi làm bài.

Trong quá trình làm, nếu như câu nào loay hoay mãi vẫn chưa chọn được, Nam sẽ làm dấu câu đó lại và chọn đáp án theo cảm tính, theo cách giải gần đúng của mình. Sau đó, khi hoàn thành hết bài, Nam sẽ quay lại để tìm đáp án cuối cùng.

Tiếng Anh: phải có vốn từ phong phú

Là con trai ban A, thay vì chọn hóa để thi ĐH như bao bạn trong lớp, Nam lại chọn Anh văn để dự thi khối A1. Theo Nam, việc học tiếng Anh không chỉ giúp mở mang hiểu biết về vốn từ mà còn giúp ích rất nhiều trong việc đọc tài liệu, thư giãn, giải trí. 

Bên cạnh đó, mục tiêu cao hơn của thủ khoa đa năng này là du học cho nên Nam muốn cố gắng ngay bây giờ.

Từ vựng là một trong những chìa khóa quan trọng giúp hoàn thành tốt bài thi ĐH tiếng Anh. Vì thế, Nam thường học kỹ từ vựng trong sách giáo khoa cả cơ bản lẫn nâng cao. 

Không chỉ thế, việc đọc sách, báo, xem tivi cũng giúp cho Nam tiếp thu thêm được rất nhiều từ vựng mới, tập cách đọc hiểu, áp dụng từ trong mỗi ngữ cảnh khác nhau.

Cũng như bài thi trắc nghiệm lý, Nam chọn cách làm từ trên xuống dưới đối với môn Anh văn. Mỗi câu Nam thường đặt chỉ tiêu làm dưới 1 phút, thời gian còn lại dành cho việc đọc hiểu Reading vì phần này là khó nhất.

Nam chia sẻ: “Mỗi khi học hành căng thẳng, cảm thấy bị bão hòa mình thường nghỉ ngơi, nghe nhạc, xem tivi để lấy lại tinh thần. Khi cần phải tìm đề thi, bài tập để giải, mình thường nhờ mẹ tìm giúp trên máy tính của cơ quan".

Cũng nhờ ít tiếp xúc với Internet trong suốt thời gian học tập, Nam rèn được thói quen tập trung khi làm bất cứ việc gì. Đến bây giờ, khi đã trở thành sinh viên ngành kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp của Trường ĐH Bách khoa, Nam cũng rất ít lên mạng, trừ khi cần làm bài, tìm tài liệu học tập, nộp bài qua email cho thầy cô.

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ