Không thể “đọc chay”, “học vẹt”
Nhằm giúp các em HS có sự chuẩn bị cần thiết để ôn luyện tốt, cô Ngô Nhật Tri, giáo viên (GV) Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) cho biết: Dự kiến từ ngày 15/4, nhà trường bắt đầu ôn tập cho HS trên cơ sở đề cương ôn tập được các GV bộ môn xây dựng theo định hướng của Bộ GD&ĐT.
GV sẽ phân nhóm và phân dạng bài, yêu cầu bài cho từng đối tượng HS. Với HS yếu, GV hệ thống kiến thức, bài tập theo từng dạng và phân mức: Biết, hiểu, vận dụng thấp. Với HS khá và giỏi thì GV hệ thống kiến thức do HS tự làm dưới sự hướng dẫn của GV, sau làm dạng bài tập theo phân mức cả phần vận dụng cao.
Nếu HS thuộc đối tượng xét tốt nghiệp, GV có yêu cầu thấp hơn, GV hướng dẫn hệ thống lý thuyết kỹ nhưng bám sát SGK. Với đối tượng thi ĐH có môn Hoá, HS cần tổng hợp lý thuyết, làm bài tập theo 4 mức, làm đề thi thử để GV đánh giá.
Cô Lê Thị Lan phân tích: Theo đề minh họa thì HS cần tập trung kiến thức ở lớp 12 (khoảng 30 - 35 câu), kiến thức lớp 11, 10 (khoảng 5 - 10 câu). Câu hỏi dạng lý thuyết 26 câu - chiếm 6,5 điểm. Câu hỏi lý thuyết cần tổng hợp kiến thức, đòi hỏi tư duy hóa học khoảng 10 câu - và cũng là những câu hỏi làm HS dễ mất điểm. Nhiều HS học thì rất ngại học lý thuyết dẫn đến khi đi thi bị mất rất nhiều điểm. Vì vậy HS cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK, phân bố thời gian phù hợp khi làm bài, làm câu nào phải chắc chắn câu đó, câu nào cảm thấy chưa chắc chắn thì phải đánh dấu lại để nếu còn thời gian thì xem xét lại. Khi làm bài phải chọn câu dễ và các câu hỏi lý thuyết để làm trước. Các bài tập tính toán mất thời gian thì làm sau.
Theo cô Ngô Nhật Tri: Đề minh họa năm nay rất ít kiến thức riêng của lớp 10, thu hẹp phạm vi hỏi của lớp 11. Trọng tâm vẫn là kiến thức cơ bản 12, tập trung sâu hơn vào một số dạng câu hỏi tổng hợp kiến thức. Với đề minh họa, phù hợp nhiều đối tượng HS vùng, miền.
Trong quá trình ôn tập, HS vẫn cần chắc kiến thức cơ bản là thừa sức kiếm 7,5 - 8 điểm. Các em không nhất thiết phải ôn tập các kiến thức cao cấp, chỉ hệ thống mạch lạc kiến thức thì khả năng làm bài đạt 30/40 câu không hề khó. Nếu để đạt điểm cao trong 10 câu cuối thì HS phải thao tác và tư duy nhanh. Với môn Hoá khi hệ thống được kiến thức cơ bản rồi thì không quá vất vả khi ôn thi.
Cũng theo cô giáo Ngô Nhật Tri, trong đề minh họa, phần lý thuyết chiếm đến 60 - 65%, vì thế HS đừng lười ôn lý thuyết. Lý thuyết của Hóa học không cứng nhắc và cũng không giản đơn, HS không thể ôn tập bằng cách “đọc chay” hay “học vẹt” mà phải bằng cách luyện tập, thường xuyên ghi ra, viết ra, “gọi từ trong đầu ra” thì mới hiểu và nhớ lâu được. Khi học chắc chắn về lí thuyết, các em sẽ có thể dễ dàng “kiếm” điểm trong đề thi ở những câu hỏi về kiến thức cơ bản.
Phân loại HS theo nhóm
Cô Lê Thị Lan, GV Trường THPT Quảng Xương 2 (Thanh Hóa) cho biết: Do đặc trưng môn Hóa học là kiến thức giữa các chương học có liên quan chặt chẽ với nhau nên thời điểm này, GV chuẩn bị kết thúc chương trình học của SGK, tổng hợp lại kiến thức đã được học dưới dạng các câu hỏi từ dễ đến khó, giúp HS ôn tập tốt hơn.
Trong quá trình ôn tập, GV phân loại HS theo nhóm để có phương án ôn tập phù hợp. Ví dụ: Nhóm ôn thi tốt nghiệp, Nhóm thi đại học điểm trung bình (6 - 8 điểm), Nhóm thi điểm cao (từ 8 điểm trở lên), với mỗi mức độ điểm thì yêu cầu kiến thức cũng khác nhau.
Với những HS thi tốt nghiệp, yêu cầu khoảng 5 điểm, các em chỉ cần tập trung vào các câu hỏi mức độ nhận biết, thông hiểu. GV sẽ cho HS làm đi làm lại các dạng câu hỏi này để các em nắm vững kiến thức cơ bản và những kĩ năng tính toán đơn giản. Trong đề thi có khoảng 20 câu để nhóm này làm được trên 50 phút. Như vậy thời gian trung bình cho mỗi câu là 2,5 phút. HS có đủ thời gian để suy nghĩ, tính toán cẩn thận - bắt buộc phải tìm được câu hỏi phù hợp khả năng và làm đúng.
Với nhóm HS thi ĐH mức trung bình, các em tập trung ôn kiến thức cơ bản nhưng còn phải rèn luyện kĩ năng làm các câu hỏi và bài tập vận dụng. GV dựa vào đề minh họa của Bộ GD&ĐT để xác định các dạng câu hỏi và bài tập vận dụng. Trong đề thi có khoảng 32 câu để nhóm này làm được trong thời gian 50 phút. HS có đủ thời gian để suy nghĩ, tính toán cẩn thận - bắt buộc phải tìm được câu hỏi phù hợp khả năng và làm chắc chắn đúng các câu hỏi nhận biết, thông hiểu. Đây là phần gỡ điểm, nếu kiến thức cơ bản không vững HS dễ dẫn đến những câu dễ thì làm sai, những câu vận dụng cao, mức độ khó lại không làm được thì điểm sẽ thấp.
Với nhóm HS thi ĐH điểm cao, bắt buộc phải chắc kiến thức cơ bản, có tư duy Hóa học sâu sắc, kĩ năng làm bài tập vững vàng, nhanh nhẹn. Để có điểm cao thì HS phải làm thật nhanh, thật chắc chắn, không được phép mắc sai lầm ở 32 - 34 câu đầu tiên trong đề; (vì các em sẽ không có thời gian để kiểm tra lại câu trả lời của mình).
Thời gian cho 20 câu đầu là khoảng 15 phút. 15 phút tiếp theo dành cho các câu từ 21 đến 32. Sau đó đến phần vận dụng cao (khoảng 6 - 8 câu) loại câu hỏi này đòi hỏi HS phải tư duy tốt và kĩ năng phát hiện vấn đề cũng như xử lí các dữ kiện đề bài thật tốt. Những kĩ năng này được hình thành và phát triển dần dần trong quá trình học Hóa từ lớp 8 đến hết lớp 12. Đến thời điểm này các em sẽ vận dụng kĩ năng đã có để giải quyết bài tập làm sao cho càng rút ngắn thời gian càng tốt.