Hướng dẫn làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn

Hướng dẫn làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn

>>Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, CĐ môn Văn 2010

Năm nay là năm thứ hai thực hiện thi tốt nghiệp THPT theo cấu trúc đề thi mới, trong đó, đề thi có hai phần chung và riêng.

Phần chung dành cho tất cả các thí sinh gồm 2 câu: Câu hỏi 2 điểm với yêu cầu tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài; câu 3 điểm với yêu cầu vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài Nghị luận xã hội khoảng 400 từ.

Phần riênggồm 2 câu III.a và III.b, yêu cầu thí sinh chỉ được làm một trong hai câu, vận dụng khả năng đọc hiểu và kiến thức văn học để viết bài Nghị luận văn học.

Có một thay đổi khá quan trọng trong Phần riêng là học sinh được quyền chọn câu III.a hoặc câu III.b theo khả năng hoặc hứng thú mà không căn cứ vào Ban học Cơ bản hay Nâng cao như kì thi TNTHPT năm 2009. Điều này tăng thêm cơ hội thuận lợi cho việc làm bài của các thí sinh.

Để chuẩn bị tốt cho kì thi TN THPT, trước hết, các em cần hệ thống hóa kiến thức một cách đầy đủ và chính xác theo Chuẩn kiến thức đã được Bộ GD&ĐT công bố. Trên cơ sở đó, các em sẽ phân loại kiến thức để ôn tập cho phù hợp và hiệu quả.

1. Câu hỏi tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài, các em cần lưu ý các đặc điểm cơ bản của các giai đoạn văn học trong  Bài Khái quát văn học VN từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết TK XX ;  những đặc điểm chính về quan điểm sáng tác, phong cách nghệ thuật, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, các tác giả nước ngoài được học trong chương trình như Lỗ Tấn, Sôlôkhốp, Hêmingguê; những nét chính về nội dung, nghệ thuật các tác phẩm văn học đã học; nắm được ý nghĩa của nhan đề, hoàn cảnh sáng tác của một số tác phẩm như nhan đề Vợ nhặt, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa, Hồn Trương ba, da hàng thịt…; hoàn cảnh sáng tác Tuyên ngôn độc lập, Tây Tiến, Việt bắc….

2. Để làm tốt phần Nghị luận xã hội, học sinh đặc biệt lưu ý phải xác định vấn đề nghị luận cho chính xác và khi viết phải ngắn gọn, mạch lạc (không quá 400 chữ). Đây là phần có nội dung kiến thức đa dạng, phong phú, học sinh cần nắm chắc phương pháp làm bài, từ hệ thống ý cho đến cách lí giải, mở rộng, khái quát vấn đề…Thời gian ôn thi, các em có thể tập làm dàn ý một số dạng đề với những vấn đề hay gặp trong cuộc sống xã hội như: các phẩm chất tính cách của con người nói chung, con người thời hiện đại nói riêng, các hiện tượng thường gặp trong nhà trường, gia đình, xã hội; những quan niệm sống…

3. Chiếm một nửa số điểm của đề thi là bài Nghị luận văn học, để làm tốt câu hỏi này, các em cần có sự ôn tập công phu trong cả hai thể loại chính là thơ và văn xuôi.

Về văn xuôi, thí sinh phải nắm chắc được hình tượng nhân vật cũng như các giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm tự sự như tình huống, kết cấu, chi tiết; ví dụ: Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân hoặc đêm đông cởi trói cứu A Phủ; khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong truyện ngắn Rừng xà nu hoặc Những đứa con trong gia đình; giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt hay Chiếc thuyền ngoài xa…Với các tác phẩm văn xuôi, các em cũng rất cần nắm chắc những dẫn chứng quan trọng, từ các chi tiết trần thuật, miêu tả đến các câu nói của nhân vật, như câu nói của cụ Mết trong Rừng xà nu: "Chúng nó đã cầm sung, mình phải cầm giáo!"

Về thơ, yêu cầu quan trọng nhất là nắm chắc cảm hứng trữ tình, phân tích được những nét chính trong giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ hay bài thơ. Ví dụ: Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng Lorca trong bài Đàn ghi-ta của Lorca; Nỗi nhớ trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu…

TS.Trịnh Thu Tuyết

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ