Cùng học sinh "vượt vũ môn"

Cùng học sinh "vượt vũ môn"

(GD&TĐ) - Chưa đầy hai tháng nữa thì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sẽ diễn ra. Theo những thầy cô giáo có kinh nghiệm ôn luyện cho học sinh cuối cấp, nếu học sinh biết bám sát sách giáo khoa, không học tủ và biết rèn luyện kĩ năng làm bài thì hoàn toàn có thể đạt kết quả khả quan trong kỳ thi tốt nghiệp.  

Bám chuẩn sách giáo khoa

Sau khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố 6 môn thi tốt nghiệp thì hầu hết các nhà trường đều bước vào giai đoạn tăng tốc ôn tập thi tốt nghiệp. Bên cạnh việc đảm bảo giảng dạy đủ, dạy bám chương trình của sách giáo khoa lớp 12 thì hàng loạt các giải pháp cũng được đưa ra như thời gian học được bố trí tập trung, phân công giáo viên ôn tập theo trọng tâm chương trình, kiểm tra kiến thức của HS để kịp thời giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản cũng như rèn luyện phương pháp làm bài tốt... Qua các kỳ ôn thi tốt nghiệp, nhiều phương pháp kinh nghiệm đã được các giáo viên đúc rút và đưa vào thực hiện trong các năm sau đầy hiệu quả. 

Cùng học sinh "vượt vũ môn" ảnh 1
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong giờ học Toán

Trong quá trình dạy học và ôn tập theo chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT và chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD&ĐT quy định, bên cạnh sách giáo khoa, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh và gia đình lựa chọn tài liệu tham khảo phù hợp giúp cho việc ôn tập thuận lợi. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các giáo viên, thì tài liệu tham khảo phục vụ cho việc ôn tập phải bám sát những kiến thức kỹ năng cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT, phù hợp với khả năng nhận thức của HS mới có thể đảm bảo cho việc ôn tập có hiệu quả. 

Ôn tập nhiều vòng cũng là kinh nghiệm được nhiều giáo viên áp dụng trong việc giúp học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT. Ở đó giáo viên tổ chức ôn tập nhiều vòng, ôn tập trong quá trình dạy, học, thực hiện chương trình sách giáo khoa theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ. Cùng đó giáo viên ôn tập theo từng chủ đề, nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các bài, các chương trình khác nhau. Ôn tập nhiều vòng cũng đồng nghĩa với ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, nội dung tổng hợp của tất cả các chủ đề đã được ôn tập. 

Kinh nghiệm cho học sinh cuối cấp

Với Kim Yến (Bến Tre) “thủ khoa” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học trước với bốn môn thi đạt điểm 10: Toán, Tiếng Anh, Địa lý, Hóa học; hai môn đạt điểm 9,5 là Ngữ văn và Lịch sử cho biết kinh nghiệm và phương pháp học tập: “Buổi sáng, ôn tập tại trường, về nhà tranh thủ học lại và làm tất cả bài tập, sau đó tranh thủ học thêm bài học cho ngày hôm sau. Nhờ học bài trước ở nhà, nên khi vào lớp, giáo viên giảng lại lần nữa sẽ dễ hiểu bài và lâu quên hơn. Đối với môn Địa lý, em vừa học bài vừa nhìn Atlat để khi quên bài em có thể nhìn Atlat mà nhớ lại...”

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh nên bám sát kiến thức trong sách giáo khoa. Ảnh: Thiên Thanh
Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh nên bám sát kiến thức trong sách giáo khoa. Ảnh: Thiên Thanh

Tổng điểm 56,5, Nguyễn Thị Mỹ Ly thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Bình Định chia sẻ: “Đi học chuyên cần, đến lớp chú ý lắng nghe thầy cô giáo giảng bài. Cái gì không hiểu thì hỏi cô giáo, bạn bè, về nhà ôn bài và làm bài tập thật nhiều, bài tập SGK chưa đủ thì tìm sách nâng cao học thêm. Bên cạnh đó phải biết cách bố trí thời gian học và thư giãn hợp lý. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của chính bản thân, học phải có hứng thú, tâm trạng thoải mái mới học tốt được. Về bí quyết làm bài thi tốt đó là trước khi vào phòng thi phải thật bình tĩnh, đọc kỹ đề, câu nào dễ thì làm trước, khó làm sau để khỏi tốn thời gian làm bài...”

Nguyễn Thị Minh Tâm – học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại Nghệ An với 57 điểm. Tâm cho biết: “Sau khi Bộ GD&ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp thì em lên kế hoạch, chia thời gian biểu hợp lý cho từng môn. Với môn Địa lý, em vận dụng các bài học thầy giảng và kết hợp sử dụng Alat Địa lý để hiểu rõ bài giảng hơn. Còn môn Hóa tuy không phải là môn sở trường nhưng em cố gắng học và ôn tập các kiến thức ở lớp bên cạnh đó em vừa học vừa nhờ bạn bè giúp đỡ...”

Ôn thi luôn là vấn đề lớn nhất của các em học sinh nhất là thời điểm gần thi tốt nghiệp thì tình hình càng căng thẳng. Thế nhưng, ôn thi mà không có phương pháp khoa học chẳng những ảnh hưởng đến sức khoẻ mà thành tích đạt được cũng không được như ý muốn. Chính vì vậy, học sinh phải có thái độ, động cơ học tập rõ ràng. Học sinh sẽ không thể học hiệu quả nhất nếu không có được thái độ học tập đúng. PGS.TS Tâm lý học Lê Đức Phúc cho rằng  thái độ học tập, trong đó động cơ là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, các em nên tự xác định cho mình một động cơ đúng đắn, tự giải đáp các câu hỏi như: “Học để làm gì? Học cho ai?”. 

Một trong những phương pháp học có thể giúp học sinh học tốt hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đó là phải nắm được cách tư duy. Ngoài ra cũng cần học cách ghi nhớ hiệu quả thông qua cách ghi nhanh dàn bài hoặc nhẩm trong óc hay ghi ra giấy. Về mặt nhận thức, học sinh nên cố gắng tập trung vào những kiến thức cơ bản. Khối kiến thức này thường tập trung ở một số mảng như khái niệm, giả thuyết, quy luật, lý luận... 

Một vấn đề cũng được các thầy cô giáo hết sức lưu ý đối với các học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT đó là hãy thắc mắc nếu chưa hiểu một vấn đề nào đó đối với thầy cô giáo giảng dạy. Nếu học sinh bỏ lâu ngày những thắc mắc nhỏ, cho dù một tuần là một thắc mắc thì một tháng có tới 4 thắc mắc và qua 9 tháng học tập đã có 36 thắc mắc. Và như vậy, lỗ hổng kiến thức của học sinh sẽ ngày càng lớn. Và biết đâu, những lỗ hổng kiến thức đó lại nằm trong chính bài thi tốt nghiệp?. Vì vậy, thắc mắc ngay những điều mình chưa rõ là việc nên làm, nó không chỉ giúp học sinh được sáng tỏ mọi điều mà còn có thể nhớ lâu hơn những kiến thức đã học.

BÍ QUYẾT ÔN TẬP CỦA GIÁO VIÊN

Cô Nguyễn Mai Lan - Giáo viên môn Toán trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội): Quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh, cách an toàn nhất vẫn là bám sách giáo khoa, như vậy đề thi có ra theo cách nào thì học sinh cũng có thể làm tốt. Việc ôn tập cũng cần kết hợp nhiều phương pháp phù hợp để giúp học sinh có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Việc tự học, tự ôn tập một cách tích cực và tự giác của học sinh là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các giáo viên cần kết hợp hướng dẫn học sinh ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp. Việc kết hợp nhiều phương thức ôn tập như vậy sẽ có tác dụng giúp HS tự kiểm tra, đánh giá được kết quả ôn tập của mình đồng thời nhận được sự đánh giá của giáo viên và các bạn trong nhóm học tập cũng như của cả lớp. Từ đó phát hiện những phần kiến thức thức còn thiếu hụt để kịp thời bổ sung. 

Cô giáo Nguyễn Vân Khanh - Giáo viên Văn trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội): Việc ôn tập cho học sinh tránh chạy theo bài, nội dung trong sách giáo khoa một cách máy móc mà hướng dẫn học sinh năng lực vận dụng kiến thức, năng lực phân tích, tổng hợp kiến thức, kỹ năng vào làm bài thi, không ghi nhớ kiến thức máy móc, học tủ, học lệch.  Việc tổ chức cho học sinh làm một số đề thi thử theo cấu trúc đề thi đã được Bộ GD&ĐT  thông báo cũng cần thiết. Như vậy sẽ giúp học sinh luyện tập và nắm vững hình thức và cách thức làm bài thi. 

Thầy giáo Nguyễn Đức Long – Nguyên giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội): Trước những kỳ thi tốt nghiệp hay đại học thì học sinh phải xây dựng được phương pháp học hiệu quả, có mục tiêu và kế hoạch cụ thể. Mỗi học sinh cần lên cho mình một lịch cụ thể cho hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Việc gì quan trọng thì làm trước. Có phương pháp học thích hợp thì việc học tập, ôn luyện chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt. 

Ngọc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.