"Nhớ đầu năm học 2018 - 2019, học sinh D trầy trật mới xin được nhà trường chuyển từ lớp ban A sang lớp D6 của tôi vì kết quả lớp 10 “xám xịt”: Rặt những lười học, thường xuyên đi học muộn, ngủ trong giờ, đầu têu các trò quậy phá, hổng kiến thức… D nhìn tôi lấm lét, thăm dò thái độ…" - cô Hạnh nhớ lại.
Cô Hạnh cho biết, đã hơn một tháng trôi qua mà D vẫn chưa hoà nhập kịp với lớp. Sức học của con đuối quá, hay sử dụng điện thoại, nghỉ học tự do, lầm lì khó gần. Cô Hạnh cố gắng bám sát, khích lệ, khơi gợi hỏi chuyện để D chia sẻ về gia đình, nhưng điểm số của D rất thất thường.
Cô xếp cho D ngồi cạnh một bạn học khá, phân công nhiệm vụ cụ thể để đôi bạn cùng tiến. Trong những tiết giảng Văn, cô thường tổ chức hoạt động nhóm, khích lệ HS lên thuyết trình. Nhóm nào có tất cả các thành viên cùng tương tác sẽ cộng thêm điểm thưởng. Cả lớp vô cùng hào hứng.
D được phân công làm trưởng nhóm. Lúc đầu anh chàng còn run, rụt rè khi trình bày vấn đề, song các bạn vỗ tay cổ vũ khiến D tự tin hẳn. Ra chơi rồi mà nhóm của D vẫn bàn tán sôi nổi về chủ đề thuyết trình, ai cũng mãn nguyện vì D đã đem về điểm 9 cho toàn đội.
Làm công tác chủ nhiệm luôn phải vận dụng linh hoạt tổng hợp các kỹ năng. Ảnh: Internet |
Cô Hạnh kể tiếp: "Những ngày giáp Tết trời lạnh, lại mưa phùn. Khi thấy D và H sang đường, đi vào ngách dân cư vắng vẻ thì bọn “đánh thuê” chặn lại để đánh. Tôi lao ra hô to. Cả bọn cuống cuồng lên xe máy rồ ga tẩu tán.
Tôi đưa D và H vào quán ăn bên đường để tránh sự hiếu kỳ của người đi đường đứng xem. Nghe D kể mới hay, đó là chuyện tình cảm "tay ba" của tuổi học trò. Đợi hai đứa ăn xong, tôi mới phân tích phải trái. Chúng cúi đầu rồi lí nhí xin lỗi, hứa hẹn sẽ thay đổi để cô không phải bận lòng.
Đêm ấy đã lên giường ngủ mà hình ảnh của D cứ làm tôi trăn trở. Đó là một chàng trai cao ráo, mặt mũi ưa nhìn, thích các hoạt động tập thể, hát hay, chơi thể thao tốt nhưng rất “dị ứng học “.
Có lần D đã chia sẻ: “Con đã rất cố nhưng không hiểu vì sao lúc ghi bài là mắt cứ díp lại... mà toàn bài dễ ấy mà cô. Tán mấy “chân dài" con còn khiến bọn “sửu nhi” dạt hết, cô lo gì ....
Đánh trúng tim đen sĩ diện của D, lúc thì tôi gọi con lên đọc bài thơ trước lớp, lúc lại nhờ con kết nối hộ cái máy tính với tivi, khi khác lại phụ trách chương trình văn nghệ cho buổi sinh hoạt lớp...
Mỗi ngày tôi đều cố tìm những điểm tiến bộ của D để khen trước lớp. Mặt D rạng rỡ, bản thân tôi cũng dễ chịu. Số lần con đi muộn giảm hẳn, đồng phục đầu tóc nghiêm túc, trong lớp chịu khó ghi chép bài... Em đã được nhiều giáo viên bộ chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi.
Những giá trị tinh thần truyền thống dường như cũng đang lung lay trước sự lên xuống của kinh tế thị trường. Trường học và học sinh cũng bị tác động sâu sắc trong vùng xoáy ấy. Có những học trò được cha mẹ quan tâm yêu thương nhưng cũng có những gia đình con thiếu cha hoặc mất mẹ.
Vì vậy, có những học sinh chăm ngoan, giỏi giang đáng tự hào mà thầy cô ít mất công sức giáo dục. Nhưng cũng có những con tâm lý phát triển còn lệch lạc, suy nghĩ méo mó giống như cái cây đang mắc bệnh đòi hỏi chúng ta phải quan tâm chữa trị nhiều hơn. D là một trong những trường hợp như vậy.
Bố mẹ con chia tay nhau, D được đưa xuống ở nhờ nhà một người quen. Bất mãn khi tận mắt chứng kiến sự cãi lộn của cha mẹ, sự thiếu thốn tình cảm, quan tâm của những người thân và cả những sự tò mò hiếu kỳ của tuổi mới lớn khiến cho con có những hành động nhằm gây sự chú ý của mọi người.
Sau khi tìm hiểu các mối quan hệ của con, coi D như con của mình, có lúc lại như một người bạn để chia sẻ tâm sự, có khi lại động viên khích lệ như một người đàn ông.... khoảng cách của cô và trò cứ xích gần lại.
Kết thúc học kỳ I con đạt kết quả ngoài mong đợi, danh hiệu học sinh tiên tiến là phần thưởng lớn lao của sự nỗ lực mà con dành tặng cho mẹ và cô. Trong buổi họp phụ huynh, sau khi tự tin biểu diễn tiết mục văn nghệ, con xúc động chia sẻ suy nghĩ trước các bác phụ huynh và tập thể lớp:
Khi đến với D6 con mới thực sự cảm nhận được ý nghĩa của tình yêu thương của mái ấm gia đình. Cô và các bạn đã giúp đỡ chở che để con tự tin trong cuộc sống. Con sẽ thay đổi và cố gắng nhiều hơn để cô và các bạn không phải bận lòng... .”. Mọi người trong phòng họp đều xúc động. Bản thân tôi cũng vô cùng nghẹn ngào".
Theo cô Hạnh, làm công tác chủ nhiệm luôn phải vận dụng linh hoạt tổng hợp các kỹ năng. Đó là bí quyết chinh phục học trò.
"Yêu thương như chiếc hộp luôn khoá kín, bí quyết để chinh phục học trò của tôi là biết cách làm chìa khoá để chiếc hộp được mở ra, phải biết gõ cửa cho tình yêu thức dậy và lan toả. Mọi công việc của tôi không dừng lại khi giờ học trên lớp kết thúc.
Dù nhọc nhằn, dù nhiều lần phải rơi nước mắt nhưng trường, lớp và những học sinh luôn là động lực, là niềm hạnh phúc để tôi tiếp tục cố gắng và phấn đấu. Nó là một phần tất yếu của cuộc đời tôi"- Cô Nguyễn Bích Hạnh.