Gia đình ở đâu trong phòng chống bạo lực học đường?

GD&TĐ - Trong những ngày vừa qua, 2 sự kiện bạo lực học đường tại Hưng Yên và Nghệ An đang làm nóng các diễn đàn. Dư luận đã bàn nhiều về nguyên nhân, như: tâm lý lứa tuổi; giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm; ảnh hưởng của truyền thông, phim ảnh bạo lực, mạng xã hội; hoàn cảnh gia đình của HS…

Phòng, chống bạo lực học đường là trách nhiệm của toàn xã hội (ảnh minh họa)
Phòng, chống bạo lực học đường là trách nhiệm của toàn xã hội (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trách nhiệm trước hết thuộc về phía nhà trường nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ đang có phần bị xem nhẹ, buông lỏng.

Cha mẹ nên không thể phó mặc con cho nhà trường

Chia sẻ tại tọa đàm “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường”,TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, sau những sự việc xảy ra, chúng ta phải thống nhất trách nhiệm trước hết thuộc về phía nhà trường khi xảy ra bạo lực học đường.

Nhà trường phải có trách nhiệm trong đào tạo học sinh như thế nào hợp lý, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh. Nhưng về phía gia đình, cũng không phải là không có trách nhiệm.

Mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, đầu tư cho con là đầu tư lâu dài, con cái là cả cuộc sống của cha mẹ nên không thể phó mặc con cho nhà trường.

Đồng quan điểm, cô Vũ Thị Tuyết Nga, Giáo viên Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: Việc kết nối giữa nhà trường và gia đình rất quan trọng. Muốn học sinh thay đổi thì cả 2 môi trường, từ giáo viên và phụ huynh đều phải thay đổi, thích ứng.

Hiện nay trong trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, mọi hoạt động giáo dục các con bao giờ cũng được làm đồng hành cùng phụ huynh. Bố mẹ đều được mời đến trường và tham dự các hoạt động về kỹ năng sống, giá trị sống. Trong đó nhà trường là phía chủ động. Mục đích để phụ huynh sẽ biết cách làm, hiểu cách làm và đồng thuận với các thầy cô giáo.

Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách của trẻ (ảnh minh họa - nguồn internet)
Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách của trẻ (ảnh minh họa - nguồn internet) 

"Chúng tôi luôn luôn coi phụ huynh là những người cùng hội, cùng thuyền, và mục tiêu cuối cùng là làm các con thay đổi và phát triển 1 cách toàn diện.

Tuy nhiên, có 1 thực tế, hiện nay nhiều phụ huynh không quan tâm đến con cái mình 1 cách đầy đủ. Ví dụ bỏ qua các buổi họp phụ huynh của các con tại trường, nhưng lại rất quan tâm đến học lực, thành tích của con em mình", cô Vũ Thị Tuyết Nga chia sẻ.

Cần nhìn nhận rõ ràng hơn vai trò của gia đình

Gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em.Theo PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam - Giảng viên trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường (BLHĐ) có trách nhiệm của nhiều bên như gia đình, nhà trường và cộng đồng, tổ chức xã hội và địa phương.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh hơn đến vấn đề trách nhiệm của gia đình. Bởi xét về mặt thời gian thì bố mẹ là người gắn trọn đời với con. Như vậy, cha mẹ là người dành thời gian cho con nhiều nhất chứ không phải ai khác. Cha mẹ là nhà đầu tư tự nguyện và không hoàn lại cho con, 70% tài chính của bố mẹ cũng dành cho đầu tư giáo dục cho con. Ngược lại, con cái lại là bảo hiểm của bố mẹ khi về già.

Bố mẹ phải nhận thức rằng, những hành vi của bố mẹ với con cái ngày trẻ lại là cách ứng xử của con với bố mẹ khi về già. Thứ hai, thực tế hiện nay, các cuộc bạo lực lại bắt nguồn từ trên mạng xã hội. Nhiều gia đình bố mẹ chỉ quản lý con về chỗ ngồi từ lớp học về nhà nhưng lại không nắm được con đang bị bạo lực tinh thần qua mạng xã hội do các con va chạm với nhau ở trên mạng và giải quyết vấn đề với nhau ở bên ngoài.

Điều này nhà trường khó có thể kiểm soát được. Trên tinh thần là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường nhưng thực chất vẫn cần nhìn nhận rõ ràng hơn vai trò của gia đình.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, gia đình có liên quan đến nguyên nhân làm khởi phát BLHĐ; gia đình cũng liên quan đến việc giúp cho cộng đồng nhận diện sớm được hành vi BLHĐ, cùng tham gia vào những chương trình phòng ngừa BLHĐ và có cách thức hỗ trợ cho các em sau khi trải qua BLHĐ (nạn nhân, thủ phạm) đều cần thiết có sự tham gia của gia đình.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Sứ mệnh giáo dục của nhiều nước phát triển là giáo dục là phát triển con người. Nhưng có thể nhà trường chưa thực sự hiểu hết vấn đề này và gia đình lại càng chưa hiểu hết. Bây giờ, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, hoàn toàn có thể kiểm soát được. Cần phải thay đổi nhận thức của gia đình trong việc cùng phối hợp với nhà trường để dạy trẻ. Dạy trẻ không chỉ là lời nói “con phải thế này, phải thế kia” mà phải đồng hành cùng trẻ, là tấm gương cho trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.