GD&TĐ xin giới thiệu bài viết bí quyết giúp học sinh lớp 10 học môn Toán hiệu quả của Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi, hiện đang công tác tại Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng), với kinh nghiệm 25 năm giảng dạy để học sinh, giáo viên cùng tham khảo.
Chúng ta biết rằng, chương trình lớp 10 của bậc THPT là học sinh học theo định hướng phát triển năng lực. Đối với bộ môn toán, phương pháp học tập giữa THCS và THPT ít nhiều có thay đổi; một số em vẫn giữ “phong độ” là tiếp tục học giỏi môn Toán ở bậc THPT nhưng còn có một số không nhỏ học sa sút làm bố mẹ hoang mang và lo lắng.
Theo tôi, những học sinh rơi vào tình trạng như vậy là do phương pháp học không còn phù hợp và trông chờ vào giáo viên mà tính tự giác học tập không có. Là một giáo viên lâu năm trong nghề, rất hiểu rõ tâm tư của học sinh và phụ huynh. Như vậy, để học sinh lớp 10 tiếp tục học tốt môn toán ở bậc THPT thì giáo viên và học sinh thỏa mãn hai yêu cầu sau:
Đối với giáo viên:
Lâu nay, giáo viên cứ nghĩ rằng mình giảng dạy là với mục đích truyền đạt kiến thức mà học sinh khá giỏi không bị nhàm chán, học sinh trung bình và yếu vẫn theo được; đồng thời giải được các bài tập trong SGK coi như thành công nhưng chương trình giáo dục năm 2018 lại không đơn giản như vậy. Trong chương trình mới, mỗi bài và mỗi đơn vị kiến thức đòi hỏi giáo viên phải xây dựng một loạt hoạt động cùng với thảo luận nhóm của học sinh từ đó giáo viên mới vào bài mới hoặc hình thành kiến thức cho học sinh. Mặt khác, giáo viên cần đầu tư tìm hiểu các bài toán thực tế để đưa vào mỗi bài học để học sinh thấy được toán học rất gần gũi với cuộc sống chúng ta. Muốn vậy, giáo viên cần có một số yêu cầu sau:
Một là, đầu tư nghiên cứu, lựa chọn bài tập phù hợp với từng đối tượng học sinh qua mỗi bài học đồng thời lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp từng đối tượng học sinh. Phân phối thời gian hợp lý cho các khâu đó là kiểm tra bài cũ, truyền thụ kiến thức mới, luyện tập củng cố và hướng dẫn về nhà.
Hai là, trong quá trình dạy học cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh để duy trì sĩ số, nhắc nhở những học sinh còn chểnh mảng trong học tập, tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của học sinh để kịp thời động viên và giúp đỡ. Phân công những em khá giỏi giúp đỡ những học sinh yếu kém.
Ba là, giáo viên là người rất gần gũi với học sinh, cố gắng để học sinh bày tỏ quan điểm với mình. Khi xảy ra một vấn đề nào đó thì giáo viên cùng học sinh tìm hiểu để có câu trả lời phù hợp; làm sao khơi dậy sự tự tin học sinh khi trả lời hay giải thích một vấn đề nào đó, từ đó giúp học sinh đạt tới đỉnh cao trong học tập. Giáo viên là linh hồn của tiết học, học sinh là ánh sáng ban mai của tiết học vì vậy đừng làm cho giờ học căng thẳng quá, cứng nhắc quá. Qua mỗi giờ học giáo viên cần hình thành cho học sinh thích thú, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện.
Bốn là, giáo viên bước vào lớp với nụ cười xinh tươi, gạt bỏ mọi chuyện riêng tư của mình mà chỉ quan tâm đến lớp học; nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng của chúng, vui thì chia vui, buồn thì động viên. Không phải có bao nhiêu kiến thức giáo viên lại truyền đạt hết cho học sinh mà quan trọng là hình thành phương pháp học để cho học sinh tìm tòi và khám phá, các em là những ngọn đuốc cần được thắp lên. Phải công bằng trong đánh giá, nhận xét học sinh, đừng vội vàng nóng giận và chê trách khi học sinh không làm được bài mà tìm hiểu rõ nguyên nhân từ đó giúp học sinh nhận ra để khắc phục. Mỗi bài giảng của giáo viên là giúp học sinh tìm tòi, khám phá tri thức đồng thời khích lệ tinh thần học tập của học sinh, không khí lớp học cần phải hấp dẫn và thú vị thì học sinh mới tập trung được.
Vui tới truòng |
Đối với học sinh:
Là một giáo viên nhiều năm đứng trên bục giảng, tôi cho rằng học sinh lớp 10 muốn học tốt môn toán thì cần đảm bảo các điều sau:
Nắm chắc kiến thức đã học: Học sinh biết hệ thống hoá(tổng kết) các kiến thức đã học qua từng bài nhằm xem kiến thức nào là quan trọng cần ghi nhớ và biết vận dụng kiến thức vào giải toán. Biết phân tích và nhận xét các bài toán để lập luận chặt chẽ và chính xác; biết đưa các bài toán giống nhau về một dạng để nắm lấy phương pháp giải tổng quát; biết tìm tòi lời giải tối ưu cho các bài toán khó. Kiên trì và chịu khó giải bài tập của giáo viên biên soạn để củng cố kiến thức và nâng cao năng lực giải toán, từ đó làm mình ham thích, say mê học toán.
Thể hiện sự ham thích và có lòng tự trọng: Các em phải yêu thích thì mới học tốt môn toán. Từ yêu thích sẽ giúp các em có cảm hứng và chinh phục được bộ môn toán nhưng đừng tạo áp lực mà hãy thoải mái để các em thành công.Bên cạnh sự yêu thích, các em phải có lòng tự trọng để vươn lên trong học tập. Một số câu hỏi thường đặt ra như: Vì sao bạn học tốt hơn mình?, mình và bạn học như nhau mà sao bạn lại giỏi hơn mình?,…Từ đó mình có kế hoạch học tập tốt hơn.
Thời gian học ở lớp: Khi học ở trên lớp cần tham gia hoạt động nhóm để tạo sự tự tin và hòa đồng với các bạn, các em phải lắng nghe và ghi chép bài giảng đầy đủ, nếu chỉ ngồi nghe các em sẽ nhanh quên, còn ghi chép sau này có tài liệu để tra cứu.
Mạnh dạn hỏi: Khi hiểu rồi các em mới làm bài tập được; đừng ngại ngùng khi hỏi, giáo viên rất vui có học sinh hỏi bài. Quá trình học cần khắc sâu các định nghĩa và các định lý vì đề thi theo hình thức trắc nghiệm thì người ra đề sẽ hỏi khắp nơi và muốn làm được thì các em phải nắm vững lý thuyết mới làm được. Ai cũng biết, các bài toán khó được xây dựng trên mỗi chuỗi bài toán đơn giản và các em đủ sức để giải giải được các bài toán đó.
Thời gian học ở nhà: Do học nhiều môn nên các em cần có thời gian biểu phù hợp mới học tốt các môn. Riêng bộ môn toán, để làm được bài tập các em phải coi lời giải của giáo viên giảng dạy ở lớp rồi làm theo và có thêm một chút sáng tạo là thành công. Thường xuyên làm bài tập nó giúp các em nhớ công thức và tích lũy kinh nghiệm giải toán; làm nhiều dạng, khi đi thi các em sẽ nhớ.
Làm bài tập từ dễ đến khó nhằm tăng tuy duy suy luận và niềm đam mê mà quên đi nỗi sợ hãi. Luôn tìm hướng giải mới để không bị bế tắc trong quá trình giải bài tập, đồng thời giúp các em có thêm kỹ năng kinh nghiệm với mỗi dạng bài toán. Trong quá trình giải toán mà mắc sai lầm thì cần ghi nhớ để tránh lặp lại. Các em có những ghi chú riêng để khi có thời gian thì xem lại, lỗi đó là gì, cách khắc phục ra sao? Tự trả lời những thắc mắc đó, nếu không trả lời được.
Trước khi đến lớp cần coi bài mới nó giúp các em tiếp thu bài tốt; nếu các em có chuẩn bị thì các em sẽ bắt kịp bài và hiểu dễ dàng hơn, tránh tình trạng bỡ ngỡ khi gặp bài học lạ hoặc khó; khi đọc bài trước thì các em sẽ chuẩn bị sẵn những thắc mắc để lên lớp nhờ giáo viên giải đáp.
Ngoài việc học, các em cần tham gia vui chơi giải trí bằng cách tham gia các câu lạc bộ để phát triển toàn diện bản thân. Hạn chế lướt điện thoại, đừng chơi game và không mê facebook vì những thứ đó làm cho mình chểnh mảng việc học dẫn đến thua kém bạn bè trong lớp.