Bí quyết giảm thiểu bạo hành ở trẻ

GD&TĐ - Giai đoạn 2011 - 2017, tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng 188 công trình trường học các cấp, tuy nhiên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em nhân dân do số học sinh tăng nhanh (khoảng 27 - 29 nghìn học sinh các cấp học/năm học), đặc biệt là số lượng trẻ mầm non tăng khá cao (10 - 15 nghìn trẻ mầm non/năm học). 

Trẻ mầm non tại Bình Dương. Ảnh: T.G.
Trẻ mầm non tại Bình Dương. Ảnh: T.G.

Hiện số trẻ NCL của Bình Dương chiếm hơn 2/3 tổng số trẻ trên toàn tỉnh. Mặc dù vậy, mấy năm gần đây, Bình Dương chưa xảy ra vụ bạo hành trẻ gây bức xúc dư luận. 

Bồi dưỡng đội ngũ vô cùng quan trọng

- Giải pháp về đội ngũ vốn là quan trọng hàng đầu nhằm giảm thiểu tình trạng bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN? Điều này được thực hiện thế nào tại Bình Dương, thưa bà?

Bạo hành trẻ có nhiều nguyên nhân từ yếu tố đội ngũ. Do đó, chúng tôi xác định công tác bồi dưỡng đội ngũ là vô cùng quan trọng nhằm giảm thiểu bạo lực học đường trong cơ sở GDMN.

Trong đó, thực hiện bồi dưỡng định kỳ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cho CBQL, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở NCL.

Đặc biệt, hàng năm, tỉnh phân bố kinh phí rất thỏa đáng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Đối với Sở GD&ĐT, bình quân hàng năm ngành chi gần 2 tỷ đồng cho bồi dưỡng đội ngũ, chưa tính kinh phí phân bổ cấp huyện, thị, thành phố.

Với các cơ sở GDMN tư thục, do thiếu giáo viên khá nhiều nên việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, kế hoạch bồi dưỡng có chú ý về thời gian, nội dung, địa điểm, sắp xếp thật khoa học nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm tất cả đối tượng học viên đều được tham gia đầy đủ mà cơ sở vẫn hoạt động bình thường, không làm ảnh hưởng lớn đến việc gửi trẻ của phụ huynh.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng tổ chức chuyên đề nói chuyện với giáo viên, người nuôi giữ trẻ vấn đề về tâm lý và kiểm soát cảm xúc, hành vi đối với bản thân.

- Ngoài bồi dưỡng, địa phương có chính sách đặc thù nào cho đội ngũ GVMN hay không?

Sở GD&ĐT phối hợp Sở Tài chính tham mưu tỉnh ban hành một số chế độ chính sách đặc thù của địa phương. Điển hình là phụ cấp trực sáng, trực trưa, phụ cấp nhóm/lớp vượt sĩ số, phụ cấp nhà trọ đối với giáo viên dạy xa nhà từ 20km trở lên.

Bình Dương cũng có chế độ phụ cấp CBQL được phân công quản lý NCL, tăng định mức chi hoạt động thường xuyên,… giúp đội ngũ an tâm công tác cũng như thu hút nguồn tuyển dụng.

Nỗ lực giám sát, siết chặt mở trường

- Một trong những nguyên dẫn tới việc bạo hành trẻ là do công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền vẫn còn nhiều lỗ hổng, bà nghĩ sao?

Đúng vậy, nên đây cũng là hoạt động được chúng tôi đặc biệt chú trọng, nhất là thanh tra, giám sát tại các nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mầm non; buộc ngưng hoạt động các cơ sở không đủ điều kiện tiêu chuẩn hoặc vi phạm điều lệ, quy chế trường mầm non.

Bình Dương xây dựng kế hoạch định kỳ, thường xuyên, đột xuất kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn đối với đội ngũ.

Hằng năm, chuẩn bị năm học mới, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở GDMN, đặc biệt là cơ sở tư thục tiến hành rà soát các điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp, phòng học, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, điều kiện về đội ngũ và báo cáo phòng GD&ĐT.

Trên cơ sở điều kiện thực tế từng cơ sở, phòng GD&ĐT phối hợp với địa phương giao chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp nhằm kiểm soát được các nguy cơ có thể gây mất an toàn cho trẻ.

Trong năm học, các cấp quản lý thường xuyên đến nhóm/lớp động viên, nhắc nhở giáo viên quan tâm đến trẻ mọi lúc, mọi nơi; tư vấn, hướng dẫn cách sắp xếp, bố trí đồ dùng đồ chơi, kiểm tra cơ sở vật chất trang thiết bị... Tăng cường hỗ trợ giáo viên tại các nhóm lớp vào thời gian cao điểm như giờ ăn, giờ vệ sinh…

Ngoài ra, Bình Dương nỗ lực giám sát, chấn chỉnh hoạt động GDMN, tăng cường kiểm tra nhóm, lớp tư thục, siết chặt việc mở trường.

Khi phát hiện những dấu hiệu có thể gây mất an toàn cho trẻ, có dư luận về tình trạng bạo hành trẻ, Sở sẽ ráo riết yêu cầu các cơ sở mầm non khắc phục ngay để phòng ngừa nguy cơ. Phân công một cơ sở GDMN công lập trên địa bàn có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục.

Địa phương cũng xây dựng hệ thống hỗ trợ giám sát, với lực lượng nòng cốt là hiệu trưởng các trường mầm non công lập, có nhiệm vụ kiểm tra giám sát, tư vấn các cơ sở mầm non NCL trên cùng địa bàn. Hàng tháng có báo cáo đánh giá cho phòng/Sở GD&ĐT.

Sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp hoạt động của CBQL, giáo viên, nhân viên, yêu cầu các cơ sở nuôi dạy trẻ phải gắn camera quan sát.

Phối hợp thực hiện nghiêm túc cấp phép thành lập, cho phép hoạt động theo phân cấp quản lý, kiểm tra, thẩm định chặt chẽ các điều kiện hiện hữu về cơ sở vật chất, phòng sinh hoạt, phòng vệ sinh…, chất lượng đội ngũ bảo đảm yêu cầu về số lượng, được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, khắc phục dứt điểm tình trạng quá tải trẻ/nhóm lớp.

- Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục chú trọng các giải pháp nào nhằm hạn chế thấp nhất bạo hành trẻ trong cơ sở GDMN?

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ quy định các tiêu chuẩn khắt khe hơn trong tuyển chọn GVMN, bảo mẫu. Ngoài ra, nội dung chương trình bồi dưỡng thường xuyên GVMN, bảo mẫu sẽ chuẩn mực, thiết thực hơn và mở rộng thêm nhiều đối tượng mầm non NCL được bồi dưỡng, cũng như đa dạng hóa các phương thức bồi dưỡng nhằm nâng cao vị trí, vai trò của GDMN trong hệ thống giáo dục.

Ngoài việc tổ chức hội thảo chủ đề chống bạo hành trẻ hàng năm trên phạm vi toàn tỉnh, Bình Dương sẽ thành lập các cụm trường, cụm nhóm lớp và tổ chức kiểm tra giám sát chéo. Xây dựng hạt nhân nòng cốt trong các cụm, nhóm lớp mầm non NCL.

Tiếp tục phối hợp các địa phương tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở nuôi giữ trẻ đảm bảo môi trường chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ lành mạnh, thân thiện, an toàn.

* Xin cảm ơn bà!

Bí quyết giảm thiểu bạo hành ở trẻ ảnh 1
Chú trọng cả về chính sách và bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ - đây là một trong nhiều “bí quyết” quan trọng giúp giáo dục Bình Dương những năm gần đây không có “điểm nóng” về bạo hành trẻ, dù tỉnh này có đến 2/3 số trẻ học tại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập (NCL). Cách làm của địa phương được bà Nguyễn Phương Dung  - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương   - chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ