Ám ảnh xâm hại trẻ em: Đừng truyền nỗi sợ hãi sang con trẻ

GD&TĐ - Tham dự tọa đàm về phòng chống xâm hại trẻ em với chủ đề “Làm thế nào để con lên tiếng” được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, anh Chánh Văn - Nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh, các phụ huynh đừng truyền nỗi sợ hãi sang con trẻ.

Nhà báo Hoàng Anh Tú cùng các khách mời trò chuyện tại buổi tọa đàm. Ảnh: TG.
Nhà báo Hoàng Anh Tú cùng các khách mời trò chuyện tại buổi tọa đàm. Ảnh: TG.

Vô tình nhốt con trong lồng kính

Cái lý mà nhà báo Hoàng Anh Tú đưa ra khi nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh là gần đây các vụ xâm hại, bạo hành trẻ liên tục được phát hiện và những con số thống kê khiến cộng đồng phải giật mình, lên án để rồi lại có phần sợ hãi, co cụm lại.

Bởi lẽ, khi cha mẹ liên tục kể cho con cái nghe về các vụ việc với tâm thế lo lắng, khư khư giữ con bên mình, lúc nào cũng không cho con nói… đã vô tình nhốt con vào lồng kính, gieo vào đầu con những nỗi sợ hãi.

“Theo tôi, những con số đưa ra tuy có phần đau lòng nhưng người lớn đừng từ đó mà truyền đi nỗi sợ hãi. Mỗi câu chuyện được kể, mỗi cách bảo vệ con phải truyền đi sự tích cực không phải sợ kẻ xấu, chỉ có kẻ xấu mới phải sợ hãi mà thôi...” - Nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.

Là mẹ của cô con gái đang học tiểu học, chị Thanh Hà kể rằng đã khóc vì lo sợ con bị xâm hại khi phát hiện điều bất thường lúc con từ trường về nhà: “Thật may đó là sự hiểm nhầm. Nhưng đúng là chính bản thân người lớn đã luôn sợ hãi”.

Là nạn nhân bị một người thân trong gia đình xâm hại từ lúc học lớp 5, chị Anh Thư chia sẻ rằng, có rất nhiều dấu ấn trong cuộc đời qua thời gian sẽ dần xóa mờ. Thế nhưng, dấu ấn bị xâm hại ở tuổi niên thiếu vẫn hằn trong tâm trí đến tận bây giờ.

“Lúc đó, tôi chưa thể biết mình đã bị xâm hại nhưng ký ức ấy thật khủng khiếp, nó bám riết lấy tôi suốt mấy mươi năm qua mà chẳng thể nói, chẳng thể chia sẻ. Vậy nên, chúng ta phải hành động để con trẻ tin tưởng lên tiếng…”, chị Anh Thư mong muốn.

Làm bạn với con được không?

Hầu hết, các bậc cha mẹ khi được hỏi “Sẽ làm gì để con cái lên tiếng?”, đều cho rằng cha mẹ phải làm bạn với con. Chị Thanh Hà kể cách làm bạn với con là hằng ngày trò chuyện với con về sự xâm hại.

Trò chuyện mọi lúc mọi nơi, ngay khi mẹ con rong ruổi từ trường về nhà. Chị từng mách cô con gái đang học lớp 2 của mình trả lời với cậu bạn trong lớp rằng: “Tớ cũng thích cậu” khi cậu bạn ấy nói thích con gái chị. Chị Thanh Hà giải thích: “Trước mỗi câu chuyện của trẻ đừng phản ứng một cách dữ dội sẽ khiến con trẻ thấy nghiêm trọng, quá lo lắng và lần sau sẽ không tiếp tục kể cho bố mẹ nghe nữa. Và người lớn nên đặt câu chuyện của trẻ ở cách nghĩ của trẻ.

Các bạn nhỏ nói với nhau là thích vì sự quý mến, thân thiết chứ không hề có ý nghĩ gì về tình luyến ái cả. Vậy nên sao bố mẹ không khuyến khích con nói những lời yêu thương, hướng dẫn con hiểu và nhân lên nhiều mối quan hệ tốt đẹp?”.

Hay như chị Minh, chị Thủy - mẹ của những đứa con ở độ tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba… học trò” cũng chia sẻ những giây phút giành thời gian trò chuyện cùng con, vui chơi với con.

“Khi cha mẹ gần gũi với con sẽ được lợi nhiều lắm. Chúng sẽ kể chuyện ở trường, ở lớp cho cha mẹ nghe. Vậy nên nếu có điều gì bất thường, tôi tin rằng chúng sẽ không giấu diếm”.

Chia sẻ với những ý kiến này, nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng, trò chuyện với con không phải theo kiểu điều tra mà là cả một nghệ thuật. Để làm được điều này, cha mẹ không chỉ để mắt đến con mà phải để tâm đến con.

Khi để tâm đến con, cha mẹ sẽ đọc được, nghe được những gì con không nói. Và cha mẹ hãy dành thời gian chất lượng cho con, trò chuyện với con nhiều hơn bằng sự hiểu biết, mạnh mẽ thì mới có thể truyền đến cho con sự chủ động, tự tin.

Dù là người bố hơn 10 năm đeo đuổi việc làm bạn với con nhưng vẫn cho rằng mình “bị thất bại”, anh Chánh Văn lắc đầu than: Cha mẹ “không bao giờ làm bạn được với con” vì “đâu phải cứ làm bạn với con là con có thể kể tuốt những điều con nghĩ, con lo, con buồn, con ghét, con yêu và nhiều khi làm bạn mà vẫn bất tuân” nên “cha mẹ vẫn cứ phải là cha mẹ”.

Hãy cho con được quyền lên tiếng với cả những điều nhỏ nhất. Đừng dùng quyền lực của người làm cha, làm mẹ để ép buộc con làm theo ý mình mà hãy cho con thấy thấy tại sao con “phải” làm việc gì đó một cách thuyết phục.

Dạy trẻ nói “không” cần nhất phải dạy bằng lòng “tôn trọng” con và là cả một quá trình, đủ để con có thể nói “không” với bất cứ điều gì khiến con “không thấy thoải mái” chứ không chỉ ai đó xâm hại con, chạm vào vùng kín của con. Để con có thể lên tiếng với cha mẹ thì cần nhất vẫn cứ là con cảm nhận được cha mẹ “tôn trọng” và “tin tưởng” con.

Con cái rất cần cha mẹ cùng thực hành, cùng chia sẻ. “Nếu bố mẹ không trở thành người như vậy thì người đó sẽ là ai”? Anh Chánh Văn đặt câu hỏi.

Sẽ lên tiếng kịp thời

Tham gia buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: “Trước sự xâm hại trẻ em đang ngày một báo động, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã phân công một phó chủ tịch chuyên trách để lên tiếng kịp thời và tỏ rõ chính kiến trước các vụ việc cũng như các đề xuất cụ thể với các cấp, các ngành. Cùng với đó, trong thời gian tới, Hội sẽ tổ chức các buổi thu thập thông tin từ trẻ em và tổ chức các diễn đàn để trẻ em được lên tiếng cũng như hướng dẫn các em những kỹ năng để có thể tự bảo vệ được mình…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.