Bí quyết 'đối phó' với học sinh cá biệt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với học sinh cá biệt, cần có phương pháp riêng khơi gợi hướng đến hoạt động lành mạnh, có tinh thần tập thể và đạt hiệu quả cao trong học tập.

Ảnh minh họa: CNH Spotlight
Ảnh minh họa: CNH Spotlight

Phát huy thế mạnh

Tuổi mới lớn thì nghịch phá là chuyện khó tránh khỏi. Những biện pháp mạnh như kỷ luật hay trách mắng học sinh đôi khi sẽ không có tác dụng bằng sự mềm mỏng, kiên nhẫn.

Ai cũng muốn mình là học sinh ngoan, giỏi nhưng vì lý do về gia đình, tâm sinh lý và rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đển hành động tiêu cực ở một vài học sinh. Trước hết, thầy cô nên tìm hiểu rõ nguyên nhân và dùng sự mềm mỏng để cảm hóa các em.

Cô giáo Trần Ngọc Mai, Trường Tiểu học Khương Mai (Hà Nội) cho rằng, mỗi học sinh đều có ưu nhược điểm riêng. Quan trọng là cần phát huy thế mạnh, từ đó hạn chế những tư duy chưa đúng khiến các em bị “lệch đường ray”.

Theo cô Mai, ngay từ khi bước vào bậc tiểu học, để học sinh nắm bắt được những chuẩn mực các em đạt được trong quá trình rèn luyện, nhà trường cần phải thông báo cho các em biết được các mức độ xếp loại hạnh kiểm. Hiểu được thì các em sẽ tránh được vi phạm để rồi không bị xếp loại hạnh kiểm yếu, hoặc nằm trong danh sách “học sinh cá biệt”.

Ngoài việc giáo dục thông qua giờ sinh hoạt trường thì giờ sinh hoạt lớp cũng rất quan trọng. Đối với các em ở độ tuổi từ THCS, trong mỗi giờ sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp sẽ kịp thời uốn nắn những sai trái, khuyết điểm bằng những cách khéo léo. Thậm chí, có thể lấy tình cảm bạn bè, thầy trò làm cho các em thấy được khuyết điểm của mình.

Theo cô Mai, trong khi giáo dục, giáo viên chủ nhiệm không nên nặng về kiểm điểm, phê bình, mà phải tìm ra và xác định đúng nguyên nhân đã tác động làm cho các em mắc sai lầm, vi phạm. Sau đó, vận dụng những điều khoản trong nội qui, qui định xếp loại làm cho các em thấy được việc vi phạm ở mức độ nào và nêu hướng cho các em khắc phục.

“Thường lứa tuổi học sinh dễ bị ảnh hưởng những thói hư tật xấu nhưng cũng dễ tiếp thu những điều hay lẽ phải, dễ hòa mình vào những trò chơi có tính tập thể, tính giáo dục cao. Do đó giáo viên chủ nhiệm nên phân công một nhóm bạn tốt, cùng hoàn cảnh, cùng sở thích, ước mơ để sinh hoạt, học tập với các em cá biệt, dần dần lôi kéo các em hòa nhập vào các cuộc vui chơi bổ ích. Từ đó xóa bỏ mặc cảm là học sinh hư để cùng với các thành viên trong lớp xây dựng tập thể vững mạnh”, cô Mai nhấn mạnh.

Cũng theo cô Mai, thông qua nhóm bạn tốt, giáo viên có thể giao cho học sinh cá biệt thực hiện một số công việc, tạo điều kiện để những học sinh này hoàn thành và động viên khích lệ các em.

Ngoài ra, có thể vận động gia đình của nhóm bạn tốt tham gia vào việc giúp đỡ bằng cách tạo cho các em tâm lý xem gia đình của bạn như gia đình mình, tạo điều kiện cho các em cùng tham gia học tập, vui chơi. Việc làm này có vai trò của giáo viên chủ nhiệm và sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Không “vạch lá tìm sâu”

Theo cô Mai, không nên vì một vài biểu hiện nhất thời của học sinh mà đưa các em vào nhóm “học sinh cá biệt”. Thầy cô giáo cần chú ý đến tâm lý lứa tuổi của học trò, bởi từ lớp 6 trở lên là giai đoạn khá nhạy cảm và có những rối loạn của tuổi dậy thì. Đôi khi những phản ứng nổi loạn là do các em không kiềm chế, kiểm soát được.

Khi giáo dục, điều quan trọng giáo viên nên nắm rõ là không có cái nhìn kỳ thị với các em. Đừng nên tỏ ra thái độ khó chịu trước lớp, “vạch lá tìm sâu” chỉ để tìm ra lỗi hay mặt xấu của học sinh.

Thêm vào đó, không nên gọi các em là học sinh cá biệt ở trước lớp hay người khác; đặc biệt không cô lập hay tách ra khỏi các bạn khác. Bởi những hành động trên chỉ khiến vấn đề càng thêm trầm trọng hơn. Chưa kể đến, ở lứa tuổi tiểu học thì các em vẫn chưa thể nào hình thành nhân cách của mình, chỉ là các em chưa ngoan và cần được giáo dục. Do đó, giáo viên hãy luôn giúp đỡ các em thay vì kì thị.

Theo đó, thầy cô cần nhẹ nhàng phân tích ưu khuyết điểm cũng như đúng, sai trong nhận thức, hành động của các em. Từ đó có thể giúp các em tự nhận ra lỗi lầm của bản thân và tạo cơ hội cho các em sửa đổi.

“Hãy cố gắng phát hiện những ưu điểm ẩn sâu bên trong mỗi em để từ đó có những phương pháp đúng khơi gợi niềm tin cho học sinh. Để cho trẻ tự nhận thấy bản thân không hề kém cỏi và vứt bỏ sự tự ti, mặc cảm trong lòng”, cô Mai nói và đồng thời nhấn mạnh, giáo viên nên trân trọng những tiến bộ của các em dù là chuyện nhỏ nhất bởi đó cũng là sự thay đổi tích cực. Và đừng quên biểu dương hay dành lời khen trước tập thể lớp.

“Những học sinh cá biệt tựa như một thử thách lớn với tính điềm tĩnh và sự kiềm chế của mỗi giáo viên. Việc nóng vội hay quá khắt khe và xử lý mạnh tay bằng những hình thức kỷ luật nặng nề sẽ chỉ khiến các em thêm chai lì hơn mà thôi. Chính vì thế không nên có thành kiến cũng không nhắc lại nhiều lần về lỗi vi phạm của các em mà nên nhẹ nhàng để các em thay đổi”, cô Mai chia sẻ.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: Đối với những học sinh này, chúng ta không nên miệt thị và khinh rẻ mà cần tôn trọng các em.

Ở đây, chúng tôi coi các em là những học sinh có nhiều “cá tính” chứ không gọi các em là học sinh hư, học sinh cá biệt. Vì vậy, mỗi người thầy phải là một “nghệ sĩ” với nghệ thuật làm thầy. Nghệ thuật ấy được thể hiện và thăng hoa trong từng lớp học, từng tiết học và với những học sinh cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mỹ cần chặng đường dài để tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hạt nhân, thoát phụ thuộc uranium Nga.

Mỹ bắt đầu thoát uranium Nga

GD&TĐ - Mỹ còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung cấp uranium Nga, tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng Mỹ.