Bí quyết đạt điểm tốt môn Địa lí thi tốt nghiệp THPT năm 2023

GD&TĐ - Bám sát đề tham khảo, vững kiến thức cơ bản, ôn tập hệ thống, rèn kỹ năng làm bài, kỹ năng Atlat giúp HS làm tốt đề Địa lí tốt nghiệp THPT.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Hiểu rõ và bám sát cấu trúc đề thi tham khảo

Cô Hồ Thị Huyền Trang, Trường THPT Phenikaa (Hà Nội) cho biết, Địa lí là môn khoa học xã hội không chỉ đơn thuần học thuộc kiến thức cơ bản mà còn cần học sinh có tư duy phân tích, tổng hợp và tư duy logic trong quá trình ôn tập, làm bài thi.

Để ôn tập thi tốt nghiệp THPT hiệu quả, trước hết học sinh cần hiểu rõ cấu trúc bài thi và bám sát cấu trúc đề thi tham khảo.

Phân tích đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Địa lí, cô Hồ Thị Huyền Trang cho biết: Đề gồm 40 câu, trong đó 21 câu lí thuyết kiểm tra kiến thức Địa lí lớp 12 và 19 câu kiểm tra kỹ năng địa lí (15 câu kĩ năng Át lát địa lí Việt Nam, 4 câu biểu đồ, bảng số liệu). Trong đề có 38 câu thuộc chương trình lớp 12 và 2 câu kiến thức lớp 11 (kỹ năng biểu đồ và bảng số liệu).

Tỷ lệ câu hỏi ở mức độ vận dụng là 50% (20 câu), mức độ thông hiểu là 25% (10 câu), mức độ vận dụng là 15 % (6 câu), mức độ vận dụng cao (10%). Mức độ vận dụng, vận dụng cao chủ yếu thuộc nội dung các vùng kinh tế.

Cấu trúc đề thi gồm hai phần. Phần lí thuyết có 21 câu thuộc các chủ đề: Địa lí tự nhiên (4 câu), địa lí dân cư (2 câu), địa lí ngành kinh tế (7 câu), địa lí vùng kinh tế (8 câu).

Phần kỹ năng có 19 câu gồm: 15 câu kỹ năng khai thác Atlat, 2 câu kỹ năng biểu đồ, 2 câu kỹ năng bảng số liệu.

Học sinh cần nắm vững cấu trúc đề để ôn tập có trọng tâm, bao quát, không bỏ sót các chủ đề, các kỹ năng. Tuy vậy, các em cũng cần linh hoạt, tránh hiện tượng học tủ, học lệch.

Cũng lưu ý ôn tập từ đề tham khảo, cô Nguyễn Thị Hồng Trang, Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre) cho rằng: Đề tham khảo có đến 15 câu Atlat nên giáo viên tập trung ôn kỹ năng này, nhất là các học sinh yếu.

Điểm mới là những câu hỏi sử dụng Atlat năm nay đề bài không ghi rõ số trang, chỉ ghi tên trang Atlat học sinh cần sử dụng. Để khai thác tốt và nhanh tài liệu này, yêu cầu học sinh cần nắm chắc nội dung thể hiện của mỗi trang Atlat.

Phần biểu đồ và bảng số liệu không có dạng bài mới, cô Nguyễn Thị Hồng Trang lưu ý học sinh vẫn phải có kỹ năng tính toán cơ bản để nhận xét biểu đồ và bảng số liệu. Ngoài ra, học sinh cần nắm vững đặc trưng của các dạng biểu đồ để nhận dạng và gọi tên chính xác biểu đồ.

Từ đề tham khảo, cô Bùi Thị Hậu, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) lưu ý các câu hỏi thông hiểu. Theo đó, dạng câu hỏi này, các đáp án gây nhiễu tương đối khó, vì vậy đòi hỏi học sinh phải tư duy và hiểu sâu thì mới có thể lựa chọn được đáp án đúng. Với các câu hỏi ở mức vận dụng đòi hỏi học sinh không chỉ có kiến thức, biết suy luận mà còn phải vận dụng hiểu biết thực tế mới có thể làm được.

Cô Hồ Thị Huyền Trang, Trường THPT Phenikaa.

Cô Hồ Thị Huyền Trang, Trường THPT Phenikaa.

Nắm chắc kiến thức cơ bản, ôn tập theo hệ thống

Để ôn tập hiệu quả, theo cô Hồ Thị Huyền Trang, Trường THPT Phenikaa, học sinh cần hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy, hoàn thiện các phần kiến thức, kỹ năng và ôn tập lại theo chủ đề: Tự nhiên, các ngành kinh tế, dân cư - xã hội, các vùng kinh tế.

Trong mỗi chủ đề, học sinh nên xác định các vấn đề cốt lõi và ghi lại nội dung chủ đề bằng hệ thống các “từ khóa” quan trọng.

Ôn tập theo hình thức này giúp học sinh ghi nhớ, hiểu bài một cách khoa học, hệ thống, tránh nhầm lẫn trong quá trình học.

Sau khi đã nắm chắc kiến thức cơ bản, có nền móng vững chắc, học sinh sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu nội dung nâng cao.

“Ôn tập theo chủ đề, thường xuyên tự “check” lại kiến thức của mình là cách để học sinh tự đánh giá và có chiến lược phân bố thời gian cũng như có kế hoạch ôn tập hiệu quả”, cô Hồ Thị Huyền Trang nhấn mạnh.

Luyện tập, làm nhiều dạng câu hỏi trắc nghiệm

Về phần kỹ năng Địa lí, cô Hồ Thị Huyền Trang khuyên học sinh cần nắm chắc và rèn luyện kỹ năng bảng số liệu, biểu đồ, gồm: Kỹ năng nhận xét biểu đồ, kỹ năng xử lý số liệu, kỹ năng xác định nội dung của biểu đồ, kỹ năng nhận dạng biểu đồ.

Trong đó, với bảng số liệu, có thể đề bài sẽ đưa ra yêu cầu tính toán hoặc nhận xét sao cho thích hợp, tìm ra quy luật hoặc mối liên hệ giữa các số liệu và rút ra nhận xét rồi giải thích.

Câu hỏi trắc nghiệm về biểu đồ thường gặp gồm: Biểu đồ thể hiện nội dung nào; lựa chọn nhận xét "đúng" hoặc "không đúng" dựa vào biểu đồ đã cho. Học sinh phải nắm vững kiến thức về đặc trưng của từng loại biểu đồ.

Với câu hỏi về kỹ năng bảng số liệu, học sinh cần quan sát bảng số liệu cả hai chiều dọc và ngang trên cơ sở áp dụng các công thức tính toán nếu cần thiết rồi đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Phần kỹ năng Atlat gồm các nhóm: Xác định vị trí/số lượng của đối tượng địa lí; xác định quy mô, cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm của các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp; khai thác các biểu đồ trong bản đồ; khai thác phân nền chất lượng trong bản đồ.

Để làm tốt các câu hỏi về kỹ năng Atlat, học sinh cần lưu ý các thao tác sau: Xác định đúng trang Atlat theo yêu cầu của câu hỏi trong đề thi hoặc kết hợp các trang có nội dung tương tự. Xác định nội dung - yêu cầu của câu hỏi. Nắm vững các ký hiệu chung, ký hiệu riêng (ký hiệu của đối tượng địa lí - yêu cầu của câu hỏi đặt ra). Rà soát từng đáp án với yêu cầu cụ thể của câu hỏi để tránh sai sót.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Rèn kỹ năng luyện đề

Để ghi nhớ kiến thức hiệu quả, học sinh nên luyện theo chủ đề, theo mảng kiến thức sau đó mới luyện đề tổng hợp.

Nhấn mạnh điều này, theo cô Hồ Thị Huyền Trang, trong quá trình luyện đề, học sinh ghi chú lại các lỗi sai, xác định các kiến thức còn thiếu hụt để từ đó bổ sung, củng cố lại kiến thức, kỹ năng. Việc luyện đề sẽ có hiệu quả hơn khi kết hợp ôn tập kiến thức và làm đề thi theo hình thức “cuốn chiếu”. Ôn tập đến đâu, học sinh kết hợp luyện đề đến đó.

Học sinh tăng cường luyện đề để tăng khả năng phản xạ với các dạng câu hỏi trong đề thi. Thời gian làm bài trắc nghiệm môn Địa lí là 50 phút với tổng số 40 câu hỏi, như vậy thời gian trung bình cho một câu hỏi là khoảng 1phút 15 giây - 1 phút 25 giây. Việc rèn kỹ năng làm bài giúp học sinh biết căn giờ, kiểm soát tốt việc phân bố thời gian, đáp ứng được yêu cầu về tốc độ làm bài.

Để tăng kỹ năng làm bài, ngoài sách giáo khoa, sách bài tập, học sinh có thể khai thác các nguồn tài liệu tham khảo, đa dạng hình thức học tập: Đăng ký tài khoản luyện đề online, học trực tuyến…

Lưu ý khi làm bài thi

Trong quá trình làm bài, cô Hồ Thị Huyền Trang nhấn mạnh học sinh không được chủ quan ở những câu dễ, bởi tất cả các câu hỏi đều có mức điểm tương đương. Cần làm chắc chắn, tránh mất điểm ở những câu hỏi dễ để bảo toàn điểm số nhằm được điểm cao toàn bài.

Cần làm những câu dễ trước, câu khó sau, phân bổ thời gian hợp lý và phải dành thời gian để xem lại tổng thể bài làm của mình. Đối với những câu hỏi khó, có thể sử dụng kỹ năng loại trừ các phương án nhiễu trong trường hợp không tìm ra được đáp án đúng để tăng khả năng chọn được đáp án đúng nhất. Khi làm bài không được bỏ trống bất kỳ câu hỏi nào.

Học sinh phải đọc kỹ yêu cầu của đề thi, xác định các “từ khóa” có tính dấu hiệu, đặc trưng để xác định đáp án, phản ứng nhanh với yêu cầu đề thi.

Đặc biệt, các em cần tự tin và giữ tâm lý thoải mái khi đi thi. Các em chuẩn bị chu đáo các đồ dùng đặc trưng của bộ môn (Atlat Địa lí Việt Nam, máy tính bỏ túi,…).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.