Dưới đây là những chia sẻ mà các giáo viên môn Địa lí gợi ý các thí sinh
Tỉnh táo trước các đáp án gây nhiễu
Theo như kinh nghiệm giảng dạy, ôn luyện cho học sinh nhiều năm thầy Lê Duy Đồng - giáo viên Địa lí Trường THPT Đông Sơn (Thanh Hóa) cho biết, đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi lý thuyết thuộc nội dung kiến thức 11.
Đối với các câu hỏi liên quan đến thực hành kỹ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ lớp 11.
Có khoảng 25% câu hỏi thuộc mức độ vận dụng - vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề Địa lí tự nhiên, Địa lí các vùng kinh tế và Thực hành kỹ năng địa lí.
Ngoài ra, có một số câu hỏi khó do đi sâu khai thác một vấn đề nhỏ, các phương án có độ nhiễu cao dễ gây nhầm lẫn.
Vì vậy, để đạt điểm 9, 10 môn Địa lí trong tổ hợp Khoa học xã hội, trước hết, học sinh cần nắm chắc kỹ năng sử dụng atlat vì đó là "chiếc phao cứu sinh" duy nhất được mang vào phòng thi.
Số lượng câu hỏi liên quan lên đến 15 câu. Tiếp theo, học sinh nên học lý thuyết theo cấu trúc.
"Câu hỏi về các đối tượng địa lí, chúng ta thường gặp một số nội dung như vai trò, nhân tố ảnh hưởng, đặc điểm phát triển và phân bố, ảnh hưởng... Các em nên học lý thuyết theo cấu trúc.
Ví dụ cấu trúc về vai trò, một lĩnh vực kinh tế xã hội có nhiều vai trò: Vai trò về kinh tế, vai trò về mặt xã hội, vai trò về mặt môi trường, vai trò về mặt an ninh quốc phòng….
Thầy Đồng cũng cho biết thêm, môn Địa lý, đề thi có một số dạng câu hỏi lý thuyết thường gặp như: tìm ý nghĩa chủ yếu, tìm thuận lợi khó khăn, tìm nguyên nhân, tìm vế còn thiếu trong câu dẫn, tìm giải pháp.
Về bài tập kỹ năng có: bài tập atlat, nhận xét biểu đồ và bảng số liệu, tìm dạng biểu đồ thích hợp, tìm nội dung thể hiện của biểu đồ.
Trong quá trình ôn tập, học sinh lưu ý những vấn đề trên, nắm chắc lý thuyết và rèn luyện các bài tập kỹ năng để chinh phục được các câu hỏi điểm 9, điểm 10.
Bên cạnh kiến thức phải chắc, thí sinh cũng cần chuẩn bị một tâm lý vững vàng, để bản thân không bị cuống khi gặp các câu khó hay câu hỏi đề dài.
Đối với những câu hỏi đề dài, cần đọc và chắt lọc từ khóa để phân tích đề và lựa chọn đáp án.
Không nên chỉ tập trung thời gian quá dài đối với những câu khó mà ảnh hưởng đến thời gian làm bài của những câu khác. Cũng nên dành thời gian 5 phút cuối cùng để rà soát lại xem còn sót câu nào chưa làm, xem số báo danh và các thông tin cá nhân đã chính xác chưa.
Phải sử dụng thành thạo atlat Địa lí Việt Nam. Ảnh HN. |
Cần sử dụng thành thạo atlat Địa lí Việt Nam
Đối với cô Trần Hồng Hà - giáo viên bộ môn Địa lí, Trường THPT Cẩm Phả (Quảng Ninh), một trong những ưu thế của môn Địa lí là thí sinh được sử dụng atlat.
Do đó, ngoài các kiến thức lý thuyết thí sinh cũng đặc biệt phải sử dụng thành thạo atlat Địa lí Việt Nam. Lý do là số lượng câu hỏi có trong atlat nhiều và rất dễ lấy điểm, đặc biệt giúp các em tránh điểm liệt.
Để sử dụng atlat hiệu quả các em học sinh cần kết hợp kỹ năng quan sát, nhận xét, phân tích những nội dung sẵn có trong atlat.
Chương trình Địa lí lớp 12 gồm 4 chủ đề (tự nhiên, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế).
Theo đó, thí sinh nên lập các biểu bảng tổng kết ngắn gọn hoặc vẽ sơ đồ tư duy để dễ ôn tập, nắm vững nội dung cốt lõi và vấn đề quan trọng của mỗi chủ đề.
Đặc biệt, thiết lập “từ khoá” cho những nội dung khó để dễ nhớ, dễ học.
Cô Hà cũng lưu ý học sinh nắm vững kiến thức về đặc điểm của từng loại biểu đồ. Ví dụ như: thể hiện cơ cấu (biểu đồ tròn, miền), tốc độ tăng trưởng (biểu đồ đường), thể hiện quy mô và cơ cấu (biểu đồ tròn bán kính khác nhau).
Bên cạnh đó quá trình làm bài thí sinh cần làm đến đâu chắc đến đó, những câu khó chưa làm thì nên đánh dấu, sau khi làm hết các câu trong khả năng của mình rồi thì quay lại làm những câu khó.
Cuối cùng, chúc các em thành công với kỳ thi sắp tới, đạt được kết quả như bản thân kỳ vọng.