Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 là Lịch sử. Với đặc thù là môn học đòi hỏi ghi nhớ nhiều nên đa phần học sinh đều lo lắng về cách học, phương pháp học trong thời gian còn lại khi biết thông tin này
Vì đặc thù là môn xã hội, yêu cầu nhiều về khả năng ghi nhớ, nên vấn đề khó khăn của học sinh là phương pháp học để ghi nhớ lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn trước kỳ thi. Cô Nguyễn Thị Quỳnh Mai - Giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thông giáo dục HOCMAI đã có những tư vấn về vấn đề này.
Cô Mai cho biết: Đề thi sẽ gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút. Trong 40 câu hỏi sẽ có 27 câu hỏi thuộc phần Lịch sử Việt Nam và 13 câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới. Trung bình sẽ có 1,5 phút để xử lí 1 câu hỏi.
Khi chúng ta nắm vững kiến trúc của đề tham khảo và nắm vững thời gian của đề thi thì ta phải xây dựng cho mình một lộ trình ôn thi sao cho hiệu quả.
Đầu tiên là việc nắm vững kiến thức căn bản. Chúng ta có thể hệ thống kiến thức căn bản thông qua việc sử dụng sơ đồ tư duy, là công cụ để giúp các bạn học sinh nhớ lâu và nắm chắc kiến thức, đồng thời không bị bỏ sót kiến thức trong quá trình ôn thi.
Sau khi nắm chắc kiến thức căn bản rồi, chúng ta học hết một lượt kiến thức căn bản trong chương trình phổ thông rồi thì chúng ta phải luyện tập và thực hành thông qua việc rèn luyện đề.
Việc luyện đề sẽ giúp chúng ta cải thiện được một số vấn đề như sau: Làm quen được cấu trúc đề; Rèn được phản xạ với từng câu hỏi; Kiểm tra mức độ nắm vững kiến thức hoặc là thiếu hụt kiến thức của từng vấn đề, từng chương; Việc làm đề chắc chắn sẽ giúp chúng ta nhớ bài lâu hơn.
Cần ôn tập kĩ các bài tổng kết chương bám theo chương trình sách giáo khoa phổ thông theo tinh thần học đến đâu chắc kiến thức đến đấy. Các bạn học sinh cần nhớ các dấu mốc sự kiện lịch sử chính các dấu mốc lịch sử đánh dấu bước chuyển của mỗi thời kì để chúng ta có thể xử lí những câu hỏi mang tính liên chương hoặc những câu hỏi ở mức độ tương đối khó.
Các bạn học sinh lưu ý khi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm đó là tìm keyword của mỗi câu hỏi để tránh bị lạc đề hoặc tránh rơi vào bẫy của người ra đề.
Một lưu ý rất quan trọng đối với các bạn học sinh trong quá trình ôn thi trắc nghiệm đó là chúng ta cần tìm keyword cho mỗi một câu hỏi. Việc tìm keyword sẽ giúp chúng ta xác định được trọng tâm của câu hỏi và tránh rơi vào bẫy của người ra đề.