Bí mật ghê gớm ẩn chứa sau tập trận NATO BaltOps 2022

GD&TĐ - Phía sau cuộc tập trận thường niên “BaltOps 2022” của NATO là một bí mật ghê gớm đã bị nhà báo Mỹ Seymour Hersh vạch trần sau một cuộc điều tra.

Bí mật ghê gớm ẩn chứa sau tập trận NATO BaltOps 2022

Theo kết quả điều tra nghiên cứu của nhà báo trứ danh người Mỹ đã 85 tuổi là ông Seymour Hersh, chính Hoa Kỳ và Na Uy phải chịu trách nhiệm cho việc phá hủy các đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream), từ Nga chạy dưới đáy biển Baltic sang Đức, hồi cuối tháng 09/2022.

Theo nhà báo Mỹ, các nhân viên đặc biệt của Mỹ đã bí mật đặt chất nổ dưới các đường ống và sau đó vài tháng thì Na Uy đã kích hoạt các khối thuốc nổ này khi nhận được lệnh từ Washington, gây ra ba vụ nổ dẫn đến tổng cộng bốn vụ rò rỉ trong các đường ống của các tuyến dẫn khí Nord Stream 1 và 2.

Trong bài đăng có nhan đề “Cách Mỹ loại bỏ đường ống Nord Stream” (“How America Took Out The Nord Stream Pipeline”) trên trang Substack của mình, ông Hersh đề cập đến một nguồn ẩn danh duy nhất “có kiến ​​​​thức trực tiếp về việc lập kế hoạch hoạt động” từ bộ máy quyền lực của Hoa Kỳ.

Nước nào tham gia vào kế hoạch phá hoại Nord Stream?

Theo nhà báo này, mệnh lệnh được cho là do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra. Ngay từ tháng 12/2021, ông Biden cùng với Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz và Ngoại trưởng Antony Blinken, được cho là đã cân nhắc cụ thể về việc phá hủy các đường ống. Kế hoạch này càng được đẩy mạnh sau khi Nga mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/02/2022.

Nguyên nhân khiến các chính khách ở Washington làm như vậy là để ngăn chặn việc bán khí đốt từ Nga, chặn hàng tỷ dollar lợi nhuận cho Moscow, đồng thời cắt đứt Berlin khỏi nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga, hơn nữa lại có thể giúp Hoa Kỳ có thể bán nhiều khí đốt hơn cho Đức.

Các địa điểm tuyến ống Nord Stream 1 và 2 phát nổ hôm 26/9/2022
Các địa điểm tuyến ống Nord Stream 1 và 2 phát nổ hôm 26/9/2022

Ngoài ra, Tổng thống Biden muốn tước khỏi tay Điện Kremlin một công cụ ảnh hưởng kinh tế mà Moscow có thể sử dụng để gây áp lực đối với Đức và Tây Âu, nhằm giảm bớt sự can dự của các nước này vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo ông Hersh, quyết định đã được đưa ra vào thời điểm đó và vấn đề quan trọng cần bàn bạc ở Nhà Trắng là nên tiến hành việc đó như thế nào và làm sao để thành công mà không bị phát hiện, bởi nếu bại lộ, một cuộc tấn công như vậy sẽ được xem như “một hành động chiến tranh” với Nga.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken, và Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland đã tham gia bàn thảo các kế hoạch và đề nghị Giám đốc CIA William Burns tập hợp một nhóm công tác để lên kế hoạch và tổ chức phá hủy các đường ống mà không bị phát hiện.

Theo nguồn tin ẩn danh cung cấp cho ông Hersh, hồi tháng 3/2022, các thành viên của nhóm công tác này đã gặp gỡ cơ quan mật vụ và hải quân địa phương của Na Uy.

Trong buổi gặp này, hải quân Na Uy đã đề nghị một khu vực thích hợp gần đảo Bornholm làm địa điểm tấn công.

Ngoài việc tham gia với tư cách là một thành viên khối NATO, có quan hệ quân sự tốt với Hoa Kỳ, phải có trách nhiệm đền đáp sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ, Na Uy còn được lợi là bán khí đốt tự nhiên của mình sang châu Âu một cách dễ dàng hơn, sau khi Nord Stream bị phá hủy.

Bong bóng khí từ đường ống Nord Stream 2 rò rỉ lên bề mặt Biển Baltic trong khu vực gần Bornholm, Đan Mạch, hôm 27/09/2022
Bong bóng khí từ đường ống Nord Stream 2 rò rỉ lên bề mặt Biển Baltic trong khu vực gần Bornholm, Đan Mạch, hôm 27/09/2022

Ông Hersh dẫn nguồn tin ẩn danh của mình cho biết, cả Đan Mạch và Thụy Điển đã được chính phủ Hoa Kỳ thông báo trước là “các hoạt động lặn” có thể diễn ra gần khu vực Biển Baltic của họ, nhưng không có thêm thông tin chi tiết nào được cung cấp cho Copenhagen và Stockholm.

Hoa Kỳ đã yêu cầu hai nước này “nên giữ im lặng” và Washington không khó để nhận được cái gật đầu của đồng minh, bởi Đan Mạch cũng là một quốc gia NATO và cũng duy trì một “cộng đồng tình báo chung với Vương quốc Anh”; còn Thụy Điển vừa nộp đơn xin gia nhập NATO.

Theo nhận định của giám đốc vận hành Nord Stream phía bên Đức là ông Matthias Warnig, thì Vương quốc Anh cũng có thể đứng sau vụ tấn công này.

Nga cũng nghi ngờ rằng ít nhất thì London có thể đã tham gia, bởi hôm 30/9/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã cáo buộc quốc gia “Anglo-Saxon” cũng phải chịu trách nhiệm cho các vụ nổ tại các đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Bằng chứng về kế hoạch đặt chất nổ phá hoại Nord Stream

Theo nguồn tin tiết lộ với nhà báo Seymour Hersh, vào hồi tháng 6/2022, các thợ lặn của Hải quân Hoa Kỳ được cho là đã lợi dụng các hoạt động rầm rộ trong cuộc diễn tập NATO mang tên “BaltOps 2022” (Baltic Operations 2022) để lắp đặt các thiết bị nổ dưới các đường ống “Dòng chảy phương Bắc” theo lệnh của Tổng thống Biden.

Vào hôm 14/6/2022, tạp chí “Sức mạnh trên biển” (Seapower) của Hải quân Hoa Kỳ đã đưa tin về cuộc tập trận truyền thống quy mô lớn BaltOps 2022 của lực lượng này, diễn ra từ ngày 05-17/6/2022, với mục đích chính là “thử nghiệm các công nghệ mới”.

Sơ đồ đường bay của trực thăng Sikorsky SH-60 Seahawk/Mỹ trước ngày Nord Stream bị phá hoại, đúng địa điểm phát sinh các vụ nổ

Sơ đồ đường bay của trực thăng Sikorsky SH-60 Seahawk/Mỹ trước ngày Nord Stream bị phá hoại, đúng địa điểm phát sinh các vụ nổ

Theo NATO, đã có 16 quốc gia, cụ thể là 14 đồng minh NATO và 2 quốc gia đối tác đã tham gia cuộc tập trận chung, với lực lượng “hơn 45 tàu, hơn 75 máy bay và 7.000 nhân viên quân sự”.

Theo ông Hersh, Tổng thống Mỹ Joe Biden ban đầu đã muốn phá hủy các đường ống dẫn khí đốt 48 giờ sau khi cuộc tập trận kết thúc, nhưng sau đó sợ rằng dư luận sẽ nghi ngờ hành động này có thể liên quan đến cuộc tập trận của NATO.

Vì vậy, giới chức lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã đề nghị một giải pháp an toàn là kích nổ chậm bằng các kíp nổ từ xa.

Ông Hersh tiết lộ, các cơ quan mật vụ Hoa Kỳ là Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã tham gia tích cực vào tất cả những hành động này, mà không thông báo gì cho Quốc hội Hoa Kỳ.

Các thiết bị nổ được lắp đặt sẵn từ trước cuối cùng đã được kích nổ vào ngày 26/9/2022 với sự trợ giúp của Na Uy. Để thực hiện nhiệm vụ này, trước khi các vụ nổ xảy ra, một máy bay trinh sát của Hải quân Na Uy đã rải một thiết bị định vị thủy âm dưới nước ở biển Baltic.

Chỉ vẻn vẹn 1 ngày sau đó, vào hôm 27/9/2022, Ba Lan và hai quốc gia Bắc Âu là Đan Mạch, và Na Uy đã nhanh chóng đưa tuyến đường ống dẫn khí đốt mới Baltic Pipeline của họ vào hoạt động. Khí đốt của khu vực Scandinavia hiện đang chảy qua đường ống này để đến Ba Lan.

Một ngày sau khi Nord Stream bị phá hoại, tuyến ống Baltic Pipeline đã được vận hành đưa khí đốt Scandinavia đến Ba Lan
Một ngày sau khi Nord Stream bị phá hoại, tuyến ống Baltic Pipeline đã được vận hành đưa khí đốt Scandinavia đến Ba Lan

Mặc dù Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo Mỹ đã bác bỏ kết quả điều tra của nhà báo Seymour Hersh và các cáo buộc của Nga nhưng giới phân tích cho rằng, vụ tấn công này được thực hiện với những nỗ lực to lớn về hậu cần và kỹ thuật, điều mà không một cá nhân khủng bố nào có thể thực hiện, mà phải là do một số chính quyền quốc gia đứng sau.

Theo Jouwatch, vào ngày 30/09/2022, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gọi cuộc tấn công là “một cơ hội to lớn để loại bỏ một lần và mãi mãi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và từ đó tước khỏi tay Tổng thống Vladimir Putin khả năng vũ khí hóa năng lượng như một phương tiện để thúc đẩy các kế hoạch đế quốc của ông ta”.

Còn theo bài viết trên tờ Express.at ngày 30/10/2022, tin tặc nổi tiếng quốc tế Kim “Dotcom” Schmitz đã viết trên Twitter, rằng cựu Thủ tướng Anh Liz Truss đã gửi một tin nhắn đáng ngờ tới Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken không lâu sau khi các vụ nổ xảy ra.

Nội dung tin nhắn ghi là “Việc đó đã được thực hiện xong” (“It’s done”).

Hiện nay, Mỹ và các đồng minh vẫn tiếp tục bác bỏ các cáo buộc của chính quyền Moscow và kết quả điều tra của Seymour Hersh, nhưng cả Điện Kremlin và nhà báo Mỹ vẫn đang thu thập thêm chứng cứ để có thể vạch trần việc Washington đứng sau kế hoạch phá hoại các tuyến ống “Dòng chảy phương Bắc”.

Nếu những cáo buộc trên được chứng minh là đúng, thì chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức sẽ phải thay đổi hoàn toàn định hướng địa chính trị của mình đối với Nga và các đồng minh của mình, bởi đây chính là cuộc tấn công lớn nhất vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Đức kể từ Thế chiến thứ hai đến nay, mà trớ trêu thay, nó lại do chính đồng minh của mình thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ