Nga hay Ukraine đang theo bài học Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria?

GD&TĐ - Trong khi Kiev muốn lập một “Vùng đệm không thân Nga” ở biên giới hai nước thì Nga cũng đang lập một “Vùng đệm không NATO” trong lãnh thổ Ukraine.

Nga hay Ukraine đang theo bài học Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria?

Ukraine muốn lập khu phi quân sự trên biên giới với Nga

Mới đây, người đứng đầu Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine (Cục Tình báo Quân sự) là ông Kirill Budanov nói rằng, nước này cần tạo ra khu vực an ninh dọc theo biên giới năm 1991 với Nga (khi hai nước trở thành quốc gia độc lập, sau khi Liên bang Xô viết tan rã), với chiều rộng từ 40 đến 100 km.

“Chúng ta phải tạo điều kiện cho khu vực an ninh xung quanh biên giới của mình. Làm thế nào để đạt được điều này? Chúng ta có rất nhiều lựa chọn" – ông Budanov nói trong cuộc phỏng vấn với Forbes.ua, khi trả lời câu hỏi “liệu quân đội Ukraine có tiến xa hơn, nếu họ đến biên giới 1991 với Nga hay không?”.

Theo người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, vùng đệm trên biên giới với Nga “có thể là một khu phi quân sự với sự kiểm soát bình thường để có thời gian phản ứng”.

Theo ông, phương án lí tưởng nhất là chiều rộng của khu vực này lên tới 100 km, nhưng thậm chí chỉ 40 km cũng được coi là tốt.

Mặc dù ông Budanov không nêu rõ là khu vực an ninh biên giới này nằm ở trên lãnh thổ Nga hay Ukraine nhưng theo cách trả lời, có lẽ là ông này muốn lập một vùng đệm ở bên trong lãnh thổ Nga.

"Để hiểu logic của tôi cách chính xác. Việc chúng ta có tiến xa hơn hay không không phải là câu trả lời của tôi, nhưng việc tạo ra khu vực an ninh xung quanh biên giới là cần thiết. Có nhiều lựa chọn về cách đạt được mục tiêu này" - ông Budanov nói và cho biết thêm rằng, quyết định sẽ tùy thuộc vào giới lãnh đạo Kiev, đứng đầu là Tổng thống Vladimir Zelensky.

Được biết, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky hồi tháng 12 năm 2022 đã tuyên bố rằng, việc rút quân đội Nga đến biên giới năm 1991 là cách duy nhất để chấm dứt giao tranh ở Ukraine.

Ukraine muốn lập một khu vực an ninh rộng từ 40-100km trên biên giới với Nga

Ukraine muốn lập một khu vực an ninh rộng từ 40-100km trên biên giới với Nga

Khi đó, RIA Novosti đã dẫn lời một quan chức Nga lưu ý rằng, nếu ông Zelensky muốn quay trở lại năm 1991, thì không nên nói về vấn đề biên giới, mà là về tình trạng trung lập và cam kết không tham gia vào khối nào, chứ đừng để tình hình xấu đi như thời điểm hiện nay, khi quan hệ anh em với Nga và nguồn cội Liên Xô đã bị Kiev phá hủy và dẫn đến khủng hoảng trong quan hệ 2 nước.

Theo nhận định của một số chuyên gia, có lẽ Ukraine đang định học theo Thổ Nhĩ Kỳ, khi chính quyền của ông Recep Tayip Erdogan tuyên bố lập một vùng đệm trên biên giới với Syria, nhưng điều đặc biệt là vùng đệm này nằm sâu 30 km trong lãnh thổ của nước láng giềng.

Ukraine hay Nga đang học Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria?

Mục đích được Ankara tuyên bố là xây dựng một “vùng đệm an ninh không người Kurd” ở khu vực biên giới phía bắc của Syria, nhằm ngăn chặn các nhóm vũ trang người Kurd mà nước này coi là “Tổ chức khủng bố” áp sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, gây nguy hại cho an ninh của đất nước.

Để thực thi kế hoạch này, Ankara đã mở tới 3 chiến dịch quân sự trong lãnh thổ Syria, bao gồm “Chiến dịch Lá chắn Euphrates” (Operation Euphrates Shield, từ tháng 8/2016 đến tháng 3/2017); “Chiến dịch cành Ô liu” (Operation Olive Branch, từ tháng 1 đến tháng 3/2018) và “Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình” (Operation Peace Spring, tháng 10/2019).

Sau 3 chiến dịch quân sự, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn cho lực lượng tiên phong là các nhóm đối lập vũ trang Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm đóng hầu hết dải biên giới phía bắc Syria từ Idlib, qua Aleppo cho đến al-Hasakah và vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở các khu vực này.

Ankara đang hỗ trợ lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng quân đội, cảnh sát; thành lập chính quyền địa phương để quản lý các vùng đang kiểm soát ở biên giới phía bắc của Syria

Ankara đang hỗ trợ lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng quân đội, cảnh sát; thành lập chính quyền địa phương để quản lý các vùng đang kiểm soát ở biên giới phía bắc của Syria

Bên cạnh đó, chính quyền Ankara cung cấp tiền bạc, vũ khí giúp lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng quân đội, công an để bảo vệ các vùng này, hỗ trợ họ thành lập các chính quyền địa phương để quản lý các vùng đang kiểm soát; đồng thời tìm cách thay đổi cơ cấu dân cư, gia tăng các nhóm dân tộc thân Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới phía bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố với Nga rằng, nước này không có ý định xâm chiếm lãnh thổ Syria và sẽ trao trả lại các vùng lãnh thổ này sau khi nhận thấy an ninh quốc gia được đảm bảo.

Tuy nhiên, có lẽ Ukraine sẽ khó mà hiện thực hóa được ý định của mình bởi lẽ quân đội nước này không đủ khả năng giành lại những vùng đất đã mất vào tay Nga chứ đừng nói đến khả năng khôi phục biên giới năm 1991, và xa hơn nữa là tiến sang lãnh thổ Nga.

Hơn nữa, Ukraine cũng không thể thay đổi được cơ cấu dân cư ở các khu vực giáp biên giới với Nga, khi phần lớn dân số thân phương Tây đang sống ở các tỉnh phía Tây giáp Đông Âu, còn hầu hết cộng đồng cư dân nói tiếng Nga hiện diện đông đảo ở biên giới phía đông và phía nam của nước này.

Do đó, ước vọng thành lập được một “vùng đệm không thân Nga” ở các khu vực biên giới phía đông đất nước là điều khó khả thi, thậm chí là không bao giờ thực hiện được.

Ngược lại, Nga mới chính là nước đang xây dựng một “vùng đệm không NATO” trong lãnh thổ Ukraine, bằng việc tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ đông người nói tiếng Nga mà nước này đã kiểm soát được là Kherson, Zaporozhye ở phía nam; Donetsk và Lugansk ở phía đông Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ