“Bí mật”... cậu và tớ

GD&TĐ - Chẳng phải đến bây giờ, tình yêu tuổi học trò mới được bàn đến.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Nhưng, nên hay không nên yêu ở tuổi học trò vẫn đang là câu hỏi khiến cho bao bậc phụ huynh và cả giáo viên phải băn khoăn – cấm hay cho phép.

“Anh à, mẹ anh biết chuyện rồi à? Mẹ có la anh không?”.

“Ừ, mẹ anh biết hết rồi”.

“Vậy giờ sao? Chúng ta có tiếp tục không hay dừng lại?”…

Khi đọc đoạn đối thoại trên, ít ai có thể ngờ rằng đó là những lời lẽ của những cô cậu học trò học lớp 7, lớp 8. Những tình cảm hồn nhiên, trong sáng, e ấp của cái tuổi 12, 13 dường như không còn nữa. Thay vào đó là sự mạnh dạn và chững chạc đến không ngờ.

Các em không ngại bày tỏ tình cảm của mình với bạn khác giới, không còn như cái thời xa xưa “thư viết rồi không dám gửi”. Trong khi, những hiểu biết của các em về tâm sinh lí lứa tuổi còn rất hạn chế, có khi còn lệch lạc.

Những rung động thoáng qua, cảm giác xao xuyến hay cảm mến một ai đó là điều hết sức bình thường trong môi trường học tập, nhưng các em vẫn nghĩ đó là tình yêu. “Tình yêu” trong suy nghĩ và qua mắt nhìn của các cô cậu học trò thật muôn màu, muôn vẻ.

“Cậu à, tớ có một bí mật!”

“Bí mật gì vậy?”

“Tớ… thích cậu!”.

Đó là một câu chuyện khác, có phần ngô nghê nhưng cũng dễ thương. Bởi đó là những tình cảm rất chân thật, rất “trẻ con”. Cho nên, khi đưa ra vấn đề nên hay không nên yêu ở tuổi học trò, chúng ta khó có thể khẳng định được là “nên” hay “không”.

Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, kéo theo mọi điều từ mạng xã hội, cả tích cực lẫn tiêu cực thì sự phát triển sớm về nhận thức của học sinh cũng là điều dễ hiểu.

Thêm vào đó, đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, trẻ em đặc biệt được quan tâm và là ưu tiên hàng đầu ở mỗi gia đình, và các yếu tố khách quan khác như hoàn cảnh sống, bạn bè cũng sẽ góp phần tác động khiến cho các em trưởng thành sớm hơn so với lứa tuổi.

Điều đó thể hiện trong cách nói năng, ứng xử với mọi người xung quanh và cả trong chuyện tình cảm. Đặc biệt, với học sinh cấp THCS, có những diễn biến tâm lí khá phức tạp. Các em không còn quá nhỏ, nhưng cũng chưa đủ lớn để có thể nhìn nhận đúng đắn mọi vấn đề. Có người nói vui, lứa tuổi này đang là “nửa ông nửa thằng” nên cực kì khó hiểu.

Và không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể hiểu rõ được con cái mình ở giai đoạn chuyển giao có tính “khủng hoảng” này. “Sáng nắng chiều mưa”, vui đó mà buồn đó. Nếu các em thiếu đi sự quan tâm và chia sẻ từ mọi người xung quanh, có khi các em sẽ vấp phải những sai lầm đáng tiếc.

Tôi đã từng trò chuyện với một học sinh lớp 6. Đó là một học sinh giỏi, năng động, cá tính. Bất ngờ, cuối học kì I, lực học của em sa sút một cách khó hiểu. Em trở nên cau có, hay gắt gỏng với bạn bè và không còn chú ý trong giờ học nữa.

Khi tôi hỏi thăm, em mạnh dạn trả lời, em thích một bạn nữ ở trường khác. Tôi tròn mắt, em cũng là nữ?!. Em nói, “chúng em quen nhau được mấy tháng rồi, nhưng giờ đang giận nhau vì bạn hiểu nhầm em”.

Tôi thật sự sững sờ. Trẻ con bây giờ, trưởng thành sớm như vậy thật sao? Hay đây chỉ là sự nhìn nhận lệch lạc về giới tính (?) Tình cảm yêu đương tuổi học trò giờ đây không còn là tình bạn khác giới nữa rồi, mà đôi khi còn là đồng giới.

Liệu các bậc làm cha, làm mẹ có hay? Hay chỉ đến lúc con cái bộc lộ một cách rõ ràng thì mới nhận ra, và lúc đó chắc chắn không ít người sẽ sốc thật sự, như tôi vậy.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, những tình cảm như “mưa bóng mây” ở tuổi học trò cũng có những mặt tích cực đáng phát huy.

“Cậu và tớ, chúng ta cùng cố gắng nhé!”

“Đồng ý, I love you!”

Vậy đấy, năm cuối cấp, miệt mài với bài vở và thi cử, nhưng quả là một động lực lớn khi có một người bạn cùng tiến trên con đường học tập. Các em cùng nhau cố gắng, cùng động viên và giúp đỡ nhau tiến bộ. Cũng đã có những cặp đôi với chuyện tình thật đẹp gắn bó từ trên ghế nhà trường. Các em đã nghiêm túc cùng nhau trên cuộc hành trình dài, thật dài.

Có lẽ, tình yêu tuổi học trò, như cơn mưa rào mùa hạ, tắm mát cho tâm hồn tuổi mới lớn. Có thể, nó làm cho các em thậm chí “bị cảm cúm” nhưng vẫn là thứ tình cảm nên được trân trọng và cần nhận được sự sẻ chia cũng như sự quan tâm của người lớn.

Thầy cô, cha mẹ hãy là những người bạn thân tình của các em, để các em có thể lưu lại những kỉ niệm đẹp đẽ nhất của thời cắp sách đến trường mà không có điều gì phải hối tiếc ở mai sau.

Thử hỏi, trong chúng ta, ở cái tuổi “ẩm ương” ấy, ai chưa từng “say nắng” một người, ai chưa từng thẫn thờ với một “mối tình thơ”, và chưa từng gửi đến ai đó một “bí mật”, cậu và tớ…?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ