Trứng gà, sữa tươi thay phân bón
Câu chuyện trồng lúa lạ đời này là của anh Dương Xuân Vũ – xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Theo anh Vũ, vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, anh được cha của mình là ông Dương Xuân Quả cung cấp giống lúa 4900 để anh gieo sạ trên 8ha đất của gia đình.
Vì cha của anh cần lượng gạo từ giống lúa này để làm gạo sữa nhưng với điều kiện là anh phải áp dụng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, không dùng phân thuốc hóa học, thuốc trừ sâu trên đồng ruộng.
Trong lúc anh Vũ đang loay hoay giải bài toán khó do cha anh đặt ra thì anh Vũ được một người quen giới thiệu ông Dương Hùng Đỗ - chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất vôi ở Kiên Giang. Từ mối quen này, anh Vũ được ông Đỗ chỉ dẫn sử dụng vôi Địa Long kèm trứng gà và sữa Vinamilk, phun xịt cho ruộng lúa.
Khi nắm được “bí kíp”, anh Vũ tiến hành bón lót vôi Địa Long và phun xịt 3 lần hỗn hợp (trứng và sữa tươi) pha chế với 900kg phân bón Địa Long cho diện tích 1ha. Và hiện nay, ruộng lúa đang phát triển rất tốt, ít sâu bệnh hứa hẹn năng suất vụ mùa bội thu.
Nói về công thức “có 1 không 2” của mình, anh Vũ cho biết, trước khi cấy lúa xuống đồng ruộng, anh thực hiện việc bón lót vôi Địa Long (khoảng 40kg/1.000m2); đến giai đoạn lúa được 60 ngày tuổi, anh Vũ lấy nước vôi Địa Long kèm với hột gà và sữa tươi Vinamilk để phun cho ruộng lúa theo công thức 25 lít nước vôi kèm 2 trứng gà và 2 bịch sữa tươi.
Dâu tây vốn được coi là loại cây trồng ưa lạnh nổi tiếng của Đà Lạt (Lâm Đồng). Thế nhưng hiện ở Ninh Thuận - vùng đất nắng nóng khắc nghiệt nhất của cả nước - đã có một vườn dâu tây phát triển tốt tươi, thu hút sự quan tâm chú ý của du khách và người dân địa phương.
Bà Võ Thị Hương (60 tuổi, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước) là người đầu tiên và cũng là người duy nhất trồng được vườn dâu tây trên đất Ninh Thuận. Điều khác lạ nhất ở vườn dâu này là cứ 3 ngày đến 1 tuần, tùy theo tình trạng phát triển của mỗi cây dâu, bà Hương sẽ tưới dâu bằng… sữa. Cây dâu được tưới sữa bung lá, đặc biệt cho trái thơm và ngọt hơn những chậu dâu chỉ tưới bằng nước.
PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết, đây là cách chăm sóc lạ mà chưa có nghiên cứu nào chính thức. Về cơ bản thì bón vôi tốt cho cây trồng, còn trứng và sữa có nhiều dinh dưỡng, nhất là axit amin, có thể là lúa hấp thụ trực tiếp axit amin vào trong cây, tức cung cấp một phần chất đạm cho cây trồng.
Những vật chất còn lại từ hỗn hợp trứng và sữa dính trên lá thì trở thành thức ăn cho các nấm ngoại sinh phát triển. Và khi loại nấm này phát triển sẽ tiết ra những chất ức chế các sinh vật khác, góp phần giảm các loại bệnh trên cây lúa. Đây là những khả năng có thể xảy ra chứ chưa thể nói nó có tác dụng để áp dụng rộng rãi.
Chưa có cơ sở khoa học
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp cho biết, một số quốc gia trên thế giới, có sử dụng sữa bón cho cây trồng như một dạng phân bón. Các nghiên cứu khoa học quốc tế cũng khẳng định, sữa mang lại nhiều giá trị cho cây trồng.
Ngoài việc giúp tăng trưởng, sữa còn giúp cải thiện sự thiếu hụt canxi của cây trồng... Nhưng ở Việt Nam đến nay chưa có tài liệu thể hiện và khuyến cáo sử dụng sữa tươi để bón trồng cây trồng theo hướng thương mại như trường hợp của nông dân trồng lúa ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Còn các tài liệu khoa học trên thế giới cho thấy, sữa được dùng vào cây trồng có đời sống lâu năm, chứ không phải vào loại cây trồng có vòng đời ngắn (3 tháng) như cây lúa. Thực tế cây lúa chỉ có thể dựa vào quá trình chuyển hóa tự nhiên để hấp thu protein có nguồn gốc động vật, như sữa, trứng...
Nhưng trong thực tế, quá trình này cần đến vài tháng, thậm chí cả năm mới hoàn thành. Trong khi đó, phần lớn vòng đời lúa cao sản hiện nay chỉ diễn ra trong khoảng 3 tháng. Nói cách khác, bón sữa cho lúa là không có tác dụng.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - nhà nghiên cứu nông nghiệp độc lập ở Đồng Tháp - khẳng định rằng, đúng là trong trứng gà và sữa có chứa thành phần dinh dưỡng là protein, bột đường và khoáng chất. Nhưng cũng như nhiều loại cây trồng, cây lúa chỉ có thể hấp thu sau khi đạm đã được chuyển hóa thành amino axit.
Khác động vật, thực vật nói chung, cây lúa nói riêng không thể hấp thu trực tiếp protein do không có men protease để cắt protein thành các chuỗi polypeptide và từ polypeptide tiếp tục cắt tiếp thành amino axit.
Vì vậy, trên thực tế cây lúa chỉ có thể dựa vào quá trình chuyển hóa tự nhiên. Trong khi đó, để quá trình này chuyển hóa một cách tự nhiên, cần thời gian khá dài, đôi lúc mất 1 năm, tức tương đương gần 3 vòng đời của cây lúa.
Đối với việc bón vôi cho cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần cẩn trọng. Mỗi năm, lũ Đồng bằng sông Cửu Long mang lại khoảng 200kg vôi/ha đất. Tuy nhiên, có thể do hệ thống đê bao kiểm soát lũ đang làm thay đổi đường đi, thời gian đi... của nước lũ, kéo theo sự thay đổi khả năng cung cấp lượng vôi đối với một số vùng đất đặc thù nên cần có nghiên cứu cẩn trọng.
Ông Dương Xuân Quả mới đây đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho mô hình dùng sữa tươi, trứng gà trộn cùng nước vôi xịt cho lúa để tạo giống gạo sữa cho năng suất cao. Nhiều người dân khu vực xung quanh đều đến tham quan, học hỏi cách làm của ông.