Tuy nhiên việc phát hiện và bồi dưỡng một học sinh giỏi trở thành học sinh tiêu biểu trong các bộ môn ở các cuộc thi quốc gia, quốc tế lại ghi dấu không nhỏ của những người thầy. Thầy giáo Phan Đức Sơn –Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý.
Cẩn trọng từ khâu bắt đầu
Theo thầy Phan Đức Sơn, để đạt được giải cao trong việc bồi dưỡng học sinh dự thi cần đặc biệt quan tâm tới khâu chọn đội tuyển - đây là công việc khó khăn và quan trọng. Không chọn được trò giỏi sẽ không dạy được học sinh đạt những kết quả cao trong kỳ thi.
Môn Địa lý đầu vào khi tuyển sinh thường rất thấp, số lượng học sinh ít, nhiều em khả năng tư duy yếu, kĩ năng diễn đạt câu từ kém, lại thêm tâm lí quan niệm của các em, gia đình và xã hội môn Địa lý chỉ là môn phụ, vì vậy, chọn được những em có khả năng tư duy tốt vào môn Địa lý rất khó. Do đó, chủ yếu phải kết hợp lòng yêu thích và quyết tâm của các em để quyết định lựa chọn những học sinh có ưu điểm nhất.
Công việc của người giáo viên trong quá trình kiểm tra bài viết của học sinh không nên chỉ chú trọng vào những bài theo khuôn mẫu đầy đủ mà phải quan tâm đến những chỗ độc đáo, sâu sắc, phải sửa kĩ, phê kĩ và thật sự nghiêm khắc khi đánh giá, phải có nhật kí chấm bài của học sinh. Từ đó mới phát hiện, bổ sung cho những bài viết tiếp và khắc phục những vấn đề mà học sinh gặp phải.
Bên cạnh khâu chọn đội tuyển thì xây dựng chương trìnhhọc sinh giỏi cũng vô cùng quan trọng. Ở khâu đoạn này giáo viên cần cung cấp kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học và rèn luyện kĩ năng. Các khâu trên càng thực hiện cẩn thận chu đáo bao nhiêu thì kết quả thi càng tốt bấy nhiêu.
Biên soạn chương trình ôn luyện thi học sinh giỏi ngoài cấu trúc phân phối chương trình chuyên và chuyên sâu của Bộ GD&ĐT ban hành còn phải bám sát thời lượng cấu trúc của chuyên đề thi HSG theo quy định. Dựa vào cấu trúc đó giáo viên biên soạn theo từng chuyên đề gồm: nội dung kiến thức, kĩ năng; hệ thống các câu hỏi bài tập, các đề thi thử và hướng dẫn trả lời...
Yếu tố quyết định thành công
Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi được xem như yếu tố quyết định thành công của bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý ở cấp quốc gia. Thầy Phan Đức Sơn cho rằng, cần lên kế hoạch thời gian bồi dưỡng cụ thể và kiểm tra theo từng chuyên đề, phân công dạy từng chuyên đề cho từng giáo viên trong nhóm chuyên môn. Cần có các bài kiểm tra tương ứng với thời gian này.
Tiếp đó cần tiến hành đủ bốn bước rèn luyện kĩ năng Địa lý. Trước hết rèn luyện kĩ năng hiểu và phân tích đề thi. Đây là khâu quan trọng để tránh lạc đề, xa đề dẫn tới việc làm các câu hỏi không sát yêu cầu, không đúng trọng tâm. Khi đọc đề, cần đặc biệt chú ý đến nội dung câu hỏi, dung lượng kiến thức cần trả lời, số điểm cho từng câu để phân phối thời gian làm bài hợp lí.
Bước rèn luyện kĩ năng lập đề cương sơ lược làm bài được tiến hành tiếp theo cho học sinh. Đây là vấn đề tưởng chừng như không liên quan mấy đến chất lượng và kết quả bài thi song có một đề cương sơ lược tốt, thí sinh sẽ chủ động, bình tĩnh khi làm bài, đảm bảo thực hiện được các câu hỏi với nội dung phù hợp, sát với yêu cầu của đề thi. Thầy Sơn lưu ý học sinh khi đọc đề thi, thí sinh cần chú ý đọc kĩ yêu cầu đề; Chú ý điểm dành cho mỗi câu; Đối với từng ý hỏi, câu hỏi nên ghi rõ: đây là dạng câu hỏi nào, nội dung cần trả lời là gì. Điều đó sẽ giúp học sinh không bị lúng túng, không bị động về mặt thời gian…
Bước thứ ba trong xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi là giúp học sinh nắm vững nội dung kiến thức Địa lý. Đây là yêu cầu quan trọng để đạt được kết quả thi tốt nhất. Việc nắm vững nội dung kiến thức để làm bài thi không chỉ học thuộc lòng mà cần biết ghi nhớ các kiến thức cơ bản khi làm bài. Cần phải có phương pháp học – tiếp nhận – ghi nhớ tài liệu để hiểu và vận dụng sáng tạo, linh hoạt khi làm bài.
Bước sau cùng trong khâu tiến hành rèn luyện kĩ năng Địa lý là rèn học sinh có phương pháp học và làm bài tốt. Cần có phương pháp học hiệu quả, làm bài chủ động, sáng tạo, thông minh...
Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, thầy giáo Phan Đức Sơn cũng cho rằng: Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, việc kiểm tra đánh giá cũng mang vai trò rất quan trọng, thông qua kiểm tra, đánh giá bài làm để giáo viên có thể củng cố đào sâu, chính xác hóa kiến thức, chữa những lỗi sai để từ đó hoàn thiện bài làm cho học sinh.
Để việc kiểm tra có hiệu quả, giáo viên phải soạn đề kiểm tra bám sát chương trình cơ bản, chương trình chuyên và chuyên sâu. Bám sát cấu trúc, thời gian, phạm vi kiến thức của đề thi. Chấm và chữa bài chi tiết, rút kinh nghiệm từng câu, từng ý cho học sinh. Mặt khác, giáo viên cần có nhật kí chấm bài để biết được mức độ của từng em, từ đó có những tác động tích cực để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Với kinh nghiệm trong bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý, từ năm học 2011 đến 2017, năm nào thầy giáo Phan Đức Sơn cũng có 8-10 học sinh dự thi và đoạt các giải từ khuyến khích, ba, nhì, nhất. Tuy nhiên, thầy Sơn vẫn khẳng định công tác dạy chuyên và bồi dưỡng học sinh giỏi Địa lý còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nhiệt tình, năng lực và lòng yêu thích bộ môn của cả thầy lẫn trò…