Bi kịch ở Charlottesville

GD&TĐ - Cuối tuần qua, những người theo chủ nghĩa dân tộc Mỹ ở Charlottesville đã tổ chức tuần hành để phản đối quyết định của chính quyền địa phương trong việc tháo dỡ tượng tướng Robert E. Lee, người lãnh đạo Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Mỹ giai đoạn 1861 - 1865. Cuộc tuần hành bùng phát thành bạo lực chết người ở thành phố tưởng như bình lặng này.

Cuộc đụng độ giữa những nhóm chính trị ở Charlottesville khiến nước Mỹ bất an
Cuộc đụng độ giữa những nhóm chính trị ở Charlottesville khiến nước Mỹ bất an

Cuộc đối đầu của các nhóm tư tưởng đối lập

Cuộc tuần hành của những người theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ người da trắng và chủ nghĩa phát xít mới ở một công viên thành phố đã sớm vượt quá tầm kiểm soát khi họ đối đầu với một nhóm biểu tình ủng hộ quyền lợi người da đen Black Lives Matter.

Những người theo chủ nghĩa phát xít mới mặc sắc phục, cầm khiên và súng dài càng làm cho tình hình thêm căng thẳng. Cuối cùng, những cuộc đọ sức trên đường phố thực sự diễn ra. Người ta lao vào nhau đấm đá, đánh nhau bằng gậy gộc, ném chai nước và các vật nặng vào nhau. Cảnh sát buộc phải rút lui, gỡ bỏ các hàng rào. 12 giờ trưa, thị trưởng buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Giữa lúc cao điểm của lộn xộn, một chiếc ô tô đã lao với tốc độ hơn 50km/h vào đám đông những người biểu tình khiến 1 người chết và 19 người bị thương. Cảnh sát đã cáo buộc một thanh niên 20 tuổi tên là James Alex Fields ở Maumee, Ohio với tội danh giết người mức độ 2, làm nhiều người bị thương nặng và không dừng lại sau khi gây tai nạn chết người.

Mẹ của Fields là Samantha Bloom cho biết tuần trước Fields đã nói với bà rằng sẽ đến cuộc biểu tình, nhưng bà cũng khẳng định không liên quan đến quan điểm chính trị của con trai.

Nạn nhân thiệt mạng trong vụ đâm xe là Heather Heyer. Cô là một trợ lý và được đánh giá là một phụ nữ mạnh mẽ, nhạy cảm, đứng lên chống lại “bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào”. Bố của cô phát biểu với CNN: “Con gái tôi rất nhiệt huyết với những niềm tin của mình. Tôi tự hào vì nó đã đứng về phía những người cần giúp đỡ”.

Chính quyền bang Virginia đã buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau vụ bạo loạn trong cuộc diễu hành của các nhóm phát xít mới và nhóm ủng hộ người da trắng này.

Thống đốc Charlottesville, ông McAuliffe, nhấn mạnh vụ việc là một vụ khủng bố, trong đó vũ khí chính là chiếc xe ô tô. “Bạn không thể ngăn cản được một gã tâm thần từ tận Ohio đến và sử dụng chiếc xe của mình như một thứ vũ khí. Hắn chính là một kẻ khủng bố”.

Vẫn còn đó những bất an

Sau những lộn xộn bất an, Charlottesville đã dần phục hồi. Các mục sư nhà thờ kêu gọi giáo đoàn của mình hành động vì tình yêu, không thù ghét. Tuy vậy, khu phố mua sắm trung tâm của thành phố vẫn vắng lặng một cách bất thường. Đau thương vẫn còn đây đó trên nét mặt người dân. Những bông hoa tươi được đặt trên đường Water, chính nơi Heather Heyer đã thiệt mạng, để tưởng nhớ nạn nhân xấu số.

Sau vụ việc, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có phải chính quyền đã chậm chạp trong việc chặn bạo lực không? Một người tham gia tuần hành phát biểu: “Không hề có sự can thiệp của cảnh sát khi sự hỗn loạn đã dâng cao. Chúng tôi tận mắt nhìn thấy người ta đấm vào mặt nhau, trong khi những cảnh sát đã vào được bên trong đều dừng lại ngoài barie và đứng nhìn. Về cơ bản, họ coi như đó chỉ là một cuộc cãi lộn trên đường phố, mặc cho những người dân cố gắng bảo vệ nhau”. Một nhân chứng khác kể lại: “Nạn nhân nằm la liệt trên phố. Máu và các mảnh vỡ ở khắp nơi”.

Ông Geller, người phát ngôn của cảnh sát, cho biết: “Dường như nhiều người cho rằng chúng tôi hoạt động kém hiệu quả, nhưng thực chất các nhân viên thi hành pháp luật đã phản ứng ngay khi sự việc phát sinh”.

Theo ông Geller, khi xảy ra trường hợp khẩn cấp, cảnh sát đã thông báo trên loa phóng thanh kêu gọi mọi người giải tán, đồng thời đưa người biểu tình ra khỏi công viên trước khi lực lượng cảnh sát tiếp cận hiện trường. Khi cảnh sát chống bạo động đang đưa người biểu tình ra ngoài cũng là lúc chiếc xe hung hăng lao vào đám đông khiến những người biểu tình hoảng loạn.

Phong trào cực hữu phân biệt chủng tộc có dấu hiệu hồi sinh kể từ ngày ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống. Cuộc đụng độ là bề nổi của tảng băng chìm mâu thuẫn giữa các nhóm sắc tộc trong nước Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ