Bi kịch của nữ tể tướng nhà Đường có "đại thù" với Võ Tắc Thiên

Thượng Quan Uyển Nhi, nữ tể tướng nhà Đường, người phụ trợ cho Võ Tắc Thiên, là một trong số ít người đàn bà quyền lực làm nên một đoạn lịch sử truyền kỳ của cung đình Trung Hoa.

Cuộc đời Thượng Quan trải qua nhiều thăng trầm khi phụ tá cho Võ Tắc Thiên. Ảnh minh họa: Baike.
Cuộc đời Thượng Quan trải qua nhiều thăng trầm khi phụ tá cho Võ Tắc Thiên. Ảnh minh họa: Baike.
Bi kịch của nữ tể tướng nhà Đường có "đại thù" với Võ Tắc Thiên - Ảnh 1.
Thượng Quan Uyển Nhi được đánh giá có cả tài cả sắc. Ảnh minh họa: Baike.

Xuất thân từ gia đình danh thế

Thượng Quan Uyển Nhi (664-710), là người tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay. Bà vốn xuất thân từ một gia đình danh giá. Cha Uyển Nhi là Thượng Quan Đình Chi, mẹ là Trịnh Thị phu nhân.

Thời Đường Cao Tông, ông nội bà là Thượng Quan Nghi vì bí mật theo lệnh vua soạn chiếu phế truất Võ Tắc Thiên mà bị Võ Tắc Thiên hại chết.

Cha và ông bà đều bị chém, riêng Trịnh phu nhân có người em đang làm quan nên được tha tội. Hai mẹ con bà từ đó làm nô tì trong cung.

Theo People"s Daily, trong "Tân Đường Thư" và "Cựu Đường Thư" viết rằng, vào ngày Uyển Nhi sắp chào đời, mẹ của bà mơ thấy một vị tiên trao cho bà một cái cân và nói rằng "cầm chiếc cân này có thể bình định cả thiên hạ".

Trịnh Thị mừng vui vì nghĩ rằng đứa bé trong bụng nhất định là một bé trai với tương lai xán lạn. Nhưng đứa bé được sinh ra lại là con gái khiến Trịnh Thị rất thất vọng.

Sử sách ghi lại rằng, vào ngày Uyển Nhi đầy tháng, Trịnh Thị mới hỏi đùa cô con gái nhỏ: "Lẽ nào con lại là người có thể bình định thiên hạ ư?". Điều không ngờ tới là cô con gái nhỏ lại đáp lại với thái độ đồng ý.

Một vài năm sau, giấc mơ của Trịnh Thị đã ứng nghiệm, cô gái tài hoa phi phàm Uyển Nhi đã tham gia vào chính sự, luôn ở bên cạnh phò tá những ông hoàng bà chúa, rường cột của triều đình như Võ Tắc Thiên, Đường Trung Tông, Vi Hoàng hậu… và làm nên một đoạn lịch sử truyền kỳ của cung đình Trung Hoa.

Trịnh Thị vốn là người có chút am hiểu văn học, nên dù lao động khổ cực nhưng lúc rảnh rỗi bà vẫn dạy chữ cho Uyển Nhi trong khi Thượng Quan Uyển Nhi có tư chất thông minh, chỉ mới 4, 5 tuổi đã có thể làm thơ rất hay.

Nghe các cung nữ kể những câu chuyện về Võ Tắc Thiên (Võ Tắc Thiên vốn xuất thân từ cung nữ), khiến Uyển Nhi rất khâm phục.

Uyển Nhi kể lại cho mẹ nghe những câu chuyện mình nghe được, khiến Trịnh Thị rất lo lắng cho sự an nguy của con gái, không dám kể chuyện của gia tộc cho cô nghe. Chỉ vài năm sau đó, Thượng Quan Uyển Nhi đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, thuộc lòng thi thư, có thể ngâm thơ, viết văn, thấu hiểu truyện kim cổ.

Bước chân vào chính trường

Bi kịch của nữ tể tướng nhà Đường có "đại thù" với Võ Tắc Thiên - Ảnh 2.
Thượng Quan Uyển Nhi được mệnh danh là "nữ tể tướng" của đời Đường. Ảnh minh họa: Sina.
Tiếng tăm của Thượng Quan Uyển Nhi dần được lan truyền trong cung. Năm 677, Võ Tắc Thiên cho gọi cô gái 13 tuổi Uyển Nhi vào gặp và đưa những câu hỏi trực tiếp để cô trả lời.
Kết quả, Uyển Nhi đều trả lời lưu loát, xuất khẩu thành thơ khiến Võ Hậu vô cùng thích thú, ngay lúc đó đã ban ngay cho Uyển Nhi một chức quan văn chuyên thảo những chỉ dụ, sắc lệnh.
Đây là sự kiện đánh dấu Thượng Quan Uyển Nhi đặt bước chân đầu tiên vào chính trường.

Năm đó, Võ Tắc Thiên 53 tuổi. Hầu hạ một nữ tướng, áp lực không hề nhỏ. Nhưng Thượng Quan Uyển Nhi đã làm rất tốt vị trí của mình, chiếu chỉ của Võ Tắc Thiên phần nhiều là do Uyển Nhi chắp bút.

Theo sử truyền miệng, Uyển Nhi còn từng đọc sách cùng Thái tử Lý Hiền và hai người có tình cảm với nhau. Khi chuyện tình của hai người bị lộ, ngay lập tức, Lý Hiền bị phế truất vì "tội mưu nghịch".

Người chắp bút bản chiếu thư đẩy Lý Hiền vào chỗ chết chính là Thượng Quan Uyển Nhi. Có thể thấy, khi còn rất trẻ, Uyển Nhi đã thấu được tính "máu lạnh" của những đấu đá chính trị chốn cung đình.

Năm 690, Võ Tắc Thiên lên ngôi "Hoàng đế", thay Quốc hiệu thành Chu, định đô ở Lạc Dương. Thượng Quan Uyển Nhi tài sắc vẹn toàn, một lòng phụng sự khiến Võ Tắc Thiên rất ưu ái, được phong làm "Nội xá nhân" (tương đương với chức thư ký riêng ngày nay), chịu trách nhiệm cai quản chiếu thư trong cung, được xử lý bản tấu của bách quan, tham gia vào những quyết sách chính trị, quyền thế ngày một tăng cao.

Nhưng một người đồng bóng như Võ Tắc Thiên cũng không dễ hầu hạ. Có lần Thượng Quan Uyển Nhi làm trái ý của Võ Tắc Thiên (một thuyết khác cho rằng Uyển Nhi bị phát hiện có tư tình với người tình của Tắc Thiên), đã bị trừng phạt bằng cách khắc chữ lên trán.

Bắt đầu đi theo Võ Tắc Thiên từ năm 13 tuổi, sau đó mới biết người mà mình hết lòng phụng sự chính là kẻ thù của gia tộc, nhưng bà vẫn một mực trung thành.

Biểu hiện này được đánh giá ở hai khía cạnh khác nhau. Một giả thuyết thì khẳng định lòng khoan dung, từ bi của Uyển Nhi, có thuyết lại cho rằng vì mục tiêu bước xa hơn trên con đường chính trị nên Uyển Nhi đã tạm thời gác lại thù riêng.

Năm 705, Võ Tắc Thiên bị truất ngôi sau chính biến của các đại thần ủng hộ Lý Đường Tông. Điều kỳ lạ là sau khi Đường Trung Tông lên ngôi, Uyển Nhi không hề bị trừng phạt, thậm chí vẫn được vua sủng ái. Có người phán đoán trong cuộc chính biến này, Uyển Nhi đã làm nội gián cho Lý Đường Tông.

Tranh giành chính trị

Năm Võ Tắc Thiên mất, Uyển Nhi được phong là Chiêu Dung, trở thành phi tần của hoàng đế, tiếp tục cai quản công việc thảo chiếu chỉ trong cung.

Trong khoảng thời gian này, Uyển Nhi thường xuyên qua lại với Vi Hoàng hậu và Công chúa An Lạc. Có thuyết cho rằng Uyển Nhi còn tư thông với Võ Tam Tư (cháu của Võ Tắc Thiên) và giới thiệu Võ Tam Tư cho Vi Hoàng hậu.

Ngay sau đó, Võ Tam Tư đã ngồi vào vị trí "Tể tướng của Đại Đường", hình thành tập đoàn Võ-Vi do Vi Thị đứng đầu. Sau này chồng của Thái Bình công chúa (con gái của Võ Tắc Thiên) cũng ngồi vào vị trí Tể tướng triều đình.

Dưới kế hoạch của Thượng Quan Uyển Nhi, tập đoàn Võ – Vi tiến hành cuộc binh biến cướp ngôi Hoàng đế với hy vọng được quay trở lại "Thời đại Võ Tắc Thiên".

Khi binh biến xảy ra, Thượng Quan Uyển Nhi đang cùng Vi Hoàng hậu, công chúa An Lạc xem kịch với Trung Tông. Sau khi nghe tin, Vi Hậu và An Lạc run rẩy, riêng Uyển Nhi lại điềm tĩnh vô cùng.

Sau cuộc binh biến này, danh tiếng của Uyển Nhi lên tới đỉnh cao. Trung Tông trả lại công bằng và chức vụ cho người thân trong gia đình của Thượng Quan Uyển Nhi. Chỉ trong thời khắc đó, Trịnh Thị mới tin tưởng giấc mơ của bà năm xưa đã thành hiện thực: Uyển Nhi chính là người mang lại công bằng cho thiên hạ.

Năm 710, Trung Tông đột ngột băng hà, quyền lực triều đình rơi vào tay Vi Hậu. Để đối trọng với Vi Hậu, Uyển Nhi liên kết với Thái Bình công chúa, thảo chiếu giả lập Lý Trọng Mậu làm Thái tử, Vi Hậu sẽ là Hoàng Thái Hậu nhiếp chính. Nhưng Vi Hậu có dã tâm trở thành Võ Tắc Thiên thứ hai và tìm mọi cách thay đổi chiếu thư.

Năm thứ tư đời Đường Thương Đế (710), Lâm Tri vương Lý Long Cơ dấy phát cuộc chính biến, khởi binh tiêu diệt Vi Hậu và phe đảng. Thượng Quan Uyển Nhi bị bắt chung với Vi Hậu để xử trảm, lúc bấy giờ bà 46 tuổi.

Theo People"s Daily, đánh giá về Thượng Quan Uyển Nhi có nhiều ý kiến trái nhiều, nhưng nhìn chung, bà được coi là điển hình cho mẫu hình phụ nữ tài năng, xinh đẹp đầy quyền lực trong lịch sử cung đình của Trung Hoa.

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ