Bi hài hủ tục “thuốc thư”

Ở xã Trang thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa (Gia Lai) từ em bé đến cụ già chưa một ai nhìn thấy “thuốc thư”, không ai lý giải được nó là gì, hình hài ra sao. 

Bi hài hủ tục “thuốc thư”

Nhưng những đồn đoán, nghi ngờ về người mang thứ “thuốc” kinh khủng ấy đã gây ra không ít chuyện dở khóc dở cười...

Hai lần vạ miệng

Kok (Sinh năm 1970) ở làng Kol (xã Trang) là một người nhỏ thó, ốm yếu. Nhiều lần bị đám trai làng cao lớn hơn chế giễu, Kok ấm ức lắm. 

Một ngày, trong cuộc rượu, Kok tự nhận mình mang “thuốc thư”, có sức mạnh phi thường, xô ngã được cây to, nhiều người trong xã bị đau ốm, chữa không khỏi bệnh là do bị Kok “thư”. 

Nghe nói vậy, ban đầu người làng ngạc nhiên, nhưng chờ mãi chẳng thấy Kok xô ngã được cây to nào nên rồi chẳng mấy ai để tâm đến những lời ba hoa của Kok nữa, ngoài Rih.

Rih (SN 1974, ở làng Phạm Ghè, xã Trang), bị đau khắp người đã lâu. Dần dần, Rih nghi bị Kok “thư” bèn cùng gia đình đi tìm thầy cúng ở tận xã Konbtốc (huyện Chư Sê) cách làng Kol chừng 40 km để “giải thư”. 

Tốn nhiều tiền đi lại, tiền cúng “thầy” rồi mà cả người Rih vẫn rã rời, cái tay, cái chân như đi mượn của ai... Mối hiềm nghi về việc Kok có “thuốc thư” ngày càng tăng, như cơn gió độc bủa vây tâm trí Rih và gia đình, có nguy cơ bùng nổ xung đột với Kok. 

Ngày 9/10/2013, cán bộ an ninh công an huyện vận động Rih đến Bệnh viện đa khoa huyện Đak Đoa khám bệnh. Kết quả cho thấy, Rih bị viêm đa dây thần kinh.

Cầm trên tay bệnh án và nghe lời bác sĩ căn dặn đây là bệnh có thể chữa khỏi nhưng phải kiên trì điều trị, Rih mới an tâm phần nào, nhưng vẫn chưa hết nghi ngờ. 

Ngày 13/10/2013, làng Kol tổ chức hòa giải giữa Kok và Rih. Rih yêu cầu Kok phải chứng minh mình không có “thuốc thư” theo tục cũ. Kok lấy tóc nhúng vào ly nước sạch quét lên người Rih và cùng ăn chung với Rih một chiếc bánh mì. Theo suy nghĩ của Rih và một số người, làm vậy nếu Kok thực sự có “thuốc thư” sẽ phải chết. Và tất nhiên là Kok... vô sự.

Kok (bìa trái) và ông Rih ăn chung bánh mì để
chứng minh Kok không có “thuốc thư

Những tưởng sau việc đó, Kok sẽ hiểu thế nào là “họa từ miệng mà ra”. Nhưng cứ uống rượu vào, cái lưỡi như bị ai xui, Kok lại nói những điều thần bí về “thuốc thư”. 

Thấy ai cũng sợ mình, Kok đắc chí lắm. Lần này, người bị đau là Huyn (SN 1979, ở đối diện nhà Kok). Huyn đau quai hàm đã lâu, nhưng một đêm tháng 1/2014, Huyn đau dữ dội. Đó chính là ngày Huyn uống rượu chung với Kok.

""Giải thư""

Sáng hôm sau, Huyn sang nhà Kok bắt vạ, một mực đòi Kok phải đi cùng mình đến nhà bà Blem (khoảng 55 tuổi) ở làng H’Lâm (huyện Đak Đoa) để “giải thư”. 

Sau một hồi thăm khám cho Huyn, thầy cúng phán: “Mày bị “thư” rồi. Phải cúng rồi lấy “thuốc thư” trong người mày và cả thằng Kok để nó không “thư” được ai nữa”.

Kok mất một con heo và một con gà để làm lễ vật. Sau khi cúng Yang, “thầy” vuốt nhẹ người Kok rồi bí mật “ảo thuật” lấy từ trong người ra một nắm cát, bảo đó là “thuốc thư”. 

Bà Blem cũng làm tương tự như vậy với Huyn. “Thầy” còn bán cho Huyn thuốc giải thư với giá 500.000 đồng uống trong vòng 3 ngày. Huyn uống thuốc nhiều lần mà bệnh không thuyên giảm. 

Tức tối, sáng 9/2/2014, Huyn tìm gặp và đánh Kok gây thương tích nặng ở đầu. Chính quyền và lực lượng công an vận động, nhưng Huyn một mực không chịu đi khám. 

Chỉ đến khi cán bộ y tế xuống tận nhà khám cho Huyn, Huyn mới biết mình bị quai bị và khỏi bệnh sau vài ngày điều trị bằng thuốc tây. Huyn bị làng khiển trách vì đánh người. 

Từ sự việc trên, Huyn, Rih nhận ra có bệnh không nên tin thầy cúng mà phải đến cơ sở y tế. Còn Kok nhận cho mình bài học về sự tai hại của thói ba hoa. 

Tuy chưa để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng những sự việc ở làng Kol, xã Trang dấy lên lo ngại về hủ tục “thuốc thư”. Đây là một hình thức mê tín dị đoan còn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. 

Hiểu một cách đơn giản nhất, “thư” nghĩa là tác động một cách thần bí vào người mình ghét để người đó bị bệnh nặng hoặc chết. Người có “thuốc thư” chỉ cần “rủa độc”, chạm nhẹ hoặc ăn uống chung với nạn nhân thì người đó đang khỏe mạnh sẽ đau ốm, càng chữa trị, bệnh càng nặng và chết. Vì vậy mới sinh ra những thầy mo, thầy cúng để “giải thư”. 

Kẻ mang “thuốc thư” bị xem là “người ác” và bị dân làng ghét bỏ, xa lánh. Thiếu tá Nguyễn Thanh Trí - Phó trưởng Công an huyện Đak Đoa - thông tin thêm: 

“Bị ruồng bỏ khỏi cộng đồng là hình phạt rất nặng. Trước đây thường có tục lặn nước để tìm người có “thuốc thư”. Dưới sự chứng kiến của dân làng, người bị nghi có “thuốc thư” sẽ lặn xuống nước với người ngang tuổi trong gia đình người bị “thư”, nếu bị nổi lên trước nghĩa là người đó... có “thuốc thư”! Để chứng minh mình vô tội, có người đã chịu chết đuối. Qua vận động, đấu tranh, hủ tục “lặn nước” hiện đã bị xóa bỏ”.

Cách đây 7 năm, 4 người ở xã Đak Já (Mang Yang, Gia Lai) đã bị thanh niên trong làng đánh chết vì nghi có “thuốc thư”. Nhiều người bị nghi ngờ phải bỏ làng ra đi vì sợ mang vạ. 

Việc xóa bỏ hủ tục này vẫn còn nhiều bất cập. Nó dường như đã đi vào tiềm thức, âm ỉ tồn tại trong suy nghĩ của một số đồng bào dân tộc thiểu số, như bóng ma vô hình bao phủ các buôn làng. 

Để ngăn chặn kịp thời hậu quả do hủ tục này, bên cạnh phối hợp chính quyền địa phương, nhất là ngành y tế tích cực tuyên truyền, chữa trị bệnh kịp thời cho nhân dân, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường bám cơ sở để phát hiện, giải quyết ngay từ đầu những vụ việc có liên quan, tránh để xảy ra việc cố ý gây thương tích dẫn đến mất ổn định an ninh trật tự”.

Theo congan.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ