Bị cáo Lê Thị Dung khẳng định không chiếm đoạt tài sản

GD&TĐ - TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung mức án 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.
Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

Ngày 12/6, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án bị cáo Lê Thị Dung (SN 1971), trú tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại tòa, bị cáo Lê Thị Dung tiếp tục kêu oan, phủ nhận toàn bộ bản án tòa sơ thẩm và khẳng định không chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo phủ nhận toàn bộ bản án sơ thẩm

Bị cáo Lê Thị Dung nguyên là Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (TT GDNN-GDTX) huyện Hưng Nguyên, nhiệm kỳ 2012 - 2017.

Trước đó, ngày 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung mức án 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thị Dung đã kháng cáo toàn bộ bản án.

Tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Nghệ An đã triệu tập nhân viên giám định của Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, Sở GD&ĐT Nghệ An; đại diện Phòng Tài chính Kế hoạch, Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên và nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ngoài những người liên quan, rất đông người dân cũng tập trung trước trụ sở TAND tỉnh Nghệ An để theo dõi phiên tòa qua hệ thống loa phát thanh.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Dung xin kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. “Lúc làm đơn kháng cáo, tôi chưa nhận được bản án sơ thẩm, nay tôi bổ sung là kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Hưng Nguyên và kêu oan”, bị cáo nói tại tòa.

Theo bản án sơ thẩm, từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, bị cáo Lê Thị Dung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định pháp luật để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, gây thiệt hại cho TT GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên.

Trong quá trình công tác, bà Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định pháp luật, dẫn đến việc lập chứng từ kế toán sai, thanh toán sai quy định.

Cụ thể, một số khoản thanh toán hai lần cho một nội dung như đã nhận được phụ cấp cấp ủy nhưng vẫn được tính 3 tiết/tuần cho chức danh bí thư chi bộ; đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được tính 2 tiết/tuần để thanh toán…

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dung cho rằng tất cả khoản chi cho bản thân và cán bộ, nhân viên là theo quy chế chi tiêu nội bộ. “Tất cả đều hưởng như bị cáo. Không thể gọi là hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi chưa chứng minh được bị cáo vi phạm quy định nào”, bị cáo nói.

Bị cáo cho rằng: Trình tự tố tụng hết sức sai phạm, cơ quan cảnh sát điều tra không khách quan về thu thập, thu giữ tài liệu, chứng cứ, có thể là dựng hồ sơ vụ án. Quá trình bị tạm giam, cảnh sát điều tra dụ dỗ, quát nạt, bị cáo cho đó là hành vi bức cung. Bị cáo bị thu giữ những đồ dùng được phép mang vào, không cho gia đình thăm gặp là vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, bị cáo Lê Thị Dung còn nêu ý kiến việc khởi tố giám đốc về vấn đề tài chính nhưng hoàn toàn không khởi tố kế toán. “Việc bị cáo Nguyễn Thị Hương (cựu kế toán của trung tâm) biết sai nhưng vẫn làm và chỉ bị tuyên phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo trong khi đó, bản thân bị cáo bị tuyên phạt 5 năm tù là vô cùng bất công” bị cáo Dung nói.

Chỉ tham khảo, vận dụng Thông tư 28

Bị cáo Lê Thị Dung (trái) và Nguyễn Thị Hương tại phiên xét xử phúc thẩm.

Bị cáo Lê Thị Dung (trái) và Nguyễn Thị Hương tại phiên xét xử phúc thẩm.

Theo bị cáo Lê Thị Dung, cơ quan tố tụng chưa chứng minh được bị cáo vi phạm quy định nào trong quy chế chi tiêu nội bộ, cũng như chi tiêu về tài chính.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Thị Dung cho rằng bản thân chỉ vận dụng, tham khảo Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT trong xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, không gây thiệt hại tài sản.

Bị cáo Lê Thị Dung thừa nhận khi xây dựng ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, có tham khảo, vận dụng Thông tư 28 trong việc quy đổi nội dung hỗ trợ bí thư chi bộ, đi học cao học… thành tiết dạy để hưởng thanh toán tiền thừa giờ. Vì bị cáo cũng là giáo viên trung học phổ thông.

“Trong quá trình xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đều công khai, được 100% cán bộ, giáo viên đồng ý hoặc đại đa số đồng ý và không có ý kiến phản đối. Quy chế đã được gửi cho cấp trên, có hiệu lực thi hành và không vi phạm pháp luật”, nữ bị cáo nói.

Theo bị cáo Dung, các nội dung thanh toán bí thư chi bộ, thanh toán đi học cao học... đã có từ năm 2011, 2012, nhưng thời điểm đó chưa có quy định về ban hành quy chế chi tiêu nội bộ.

Khi được bổ nhiệm là Giám đốc TT GDTX huyện Hưng Nguyên (từ ngày 1/10/2012) và đến năm 2013 có quy định về ban hành quy chế chi tiêu nội, các nội dung thanh toán này được đưa vào. Bị cáo cho rằng đây là “kế thừa” từ các năm trước.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về việc có biết chế độ thanh toán cho chức vụ bí thư chi bộ đã có quy định không, bị cáo cho hay: “Có biết việc thanh toán cho cấp ủy được thực hiện theo Quyết định 169. Tuy nhiên, Bí thư chi bộ, Giám đốc TT GDTX cũng có tiết dạy như bí thư đoàn thanh niên, hay các tổ trưởng chuyên môn nên được hưởng thanh toán tiền cho nội dung này”.

Tại phiên tòa, kiểm sát viên giữ quyền công tố hỏi bị cáo về số tiền giám định thiệt hại gần 48 triệu đồng. Nhận thức của bị cáo về việc đã được nhận phụ cấp Bí thư chi bộ, học phí cán bộ đi học cao học… nhưng vẫn quy đổi tiết dạy để thanh toán lần nữa ? Bị cáo Lê Thị Dung khẳng định: Không gây thiệt hại vì số tiền đó là công sức lao động của cá nhân và giáo viên nhà trường.

Bị cáo khẳng định việc quy đổi các nội dung này sang tiết dạy để thanh toán là đúng bởi theo quy định giờ làm việc 40 giờ/tuần, quy đổi để tính ngày đi làm.

Tuy nhiên, đại diện VKSND phản bác lập luận này. Lý do đại diện cơ quan nắm quyền công tố tại tòa đưa ra là: Trong ngành giáo dục, Nhà nước quy định giờ dạy, tiết dạy để thanh toán tiền công, không phải quy định giờ làm việc như công chức, viên chức khác. Việc quy đổi phải theo quy định của pháp luật, liên quan đến tiết dạy phải theo quy định của ngành giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ