Bị bắt nạt ở trường? – Con không sợ!

GD&TĐ - Con trẻ đi học và bị bắt nạt ở trường – đó là một thể loại rắc rối học đường thường gặp. Các bậc phụ huynh và giáo viên đang gặp khó khăn khi đối diện vấn đề này. Chúng ta hãy cùng trò chuyện với Emmanuelle Piquet – một chuyên gia người Pháp về vấn nạn bắt nạt học đường.

Bị bắt nạt ở trường? – Con không sợ!

Thưa chị, nạn trẻ em bắt nạt nhau ở trường thường bắt nguồn từ đâu?

Emmanuelle Piquet: Từ thời điểm có sự lặp đi lặp lại của một hành động và xuất hiện việc phải chịu đựng hành động đó. Đó có thể là những lời mỉa mai, những biệt danh ác ý, bạo lực thân thể hoặc tống tiền… Nhưng có một hình thức bắt nạt còn nguy hại hơn, đó là cách ly, thờ ơ và giữ khoảng cách. Chẳng hạn, không cho chơi cùng, và cứ lặp đi lặp lại như vậy. Các em nhỏ này không bị bắt nạt theo nghĩa mà ta vẫn quen hiểu, mà các em phải chịu đựng và đối với chúng ta, sẽ rất khó để giải quyết được vấn đề bởi ta không thể ép trẻ này chơi với trẻ kia.

Đây có phải một hiện tượng càng lúc càng phổ biến không?

Emmanuelle Piquet: Thực tế thì ai trong chúng ta chẳng có lúc trải qua chuyện này, dù ta không còn nhớ gì nữa hay từng phải đi trị liệu! Vì vậy, đây không phải hiện tượng mới mẻ gì. Hơn nữa, rất khó để đánh giá qua các số liệu bởi trước năm 2011 chưa có cuộc điều tra nào được tiến hành liên quan đến tình trạng nạn nhân hóa mà ở đó chính các em nhỏ là người được hỏi.

Tuy nhiên tôi cho rằng việc người ta càng lúc càng nhắc nhiều đến hiện tượng này đã khiến người lớn có thái độ quyết liệt hơn, người lớn ở đây là các bậc phụ huynh hoặc các thành viên trong ngành giáo dục, và mối lo lắng ấy cũng lan dần sang các em nhỏ. Nhưng buồn thay lo lắng ấy lại chỉ khiến các em trở nên dễ tổn thương hơn. Vì vậy mà các bậc phụ huynh thường xuyên phải theo dõi con em mình và làm các em càng trở nên tự ti, thiếu tự tin vào bản thân.

Người ta đã đưa ra con số 7% trẻ em bị bắt nạt ở trường, nhưng có vẻ không được đáng tin cho lắm.

Emmanuelle Piquet: Đúng vậy, tuyệt đối không đáng tin. Bằng chứng là các cuộc điều tra về hiện tượng nạn nhân hóa một phần được thực hiện ở khối tiểu học, phần còn lại là ở khối trung học. Thế nhưng tất cả những ai làm trong ngành đều biết rằng trung học mới là nơi khó khăn hơn nhiều, trong khi các con số chỉ nói điều ngược lại. Lý do rất đơn giản: ở tiểu học, trẻ vẫn còn tin tưởng người lớn nên phần lớn sẽ nói ra sự thật, trong khi ở trung học, rất nhiều em giấu giếm không nói gì.

Khi trẻ không đề cập chuyện này, thì đâu là dấu hiệu giúp chúng ta phát hiện ra việc trẻ đang phải chịu đựng?

Chuyên gia Emmanuelle Pique

Emmanuelle Piquet: Có rất nhiều dấu hiệu: đau bụng vào tối Chủ nhật trước hôm phải đi học, buồn nôn vào mỗi sáng sớm. Nhưng cũng có cả hiện tượng học hành sa sút nghiêm trọng, trẻ không đạt được điểm số trung bình dù trước đó lúc nào cũng gần như được điểm cao tuyệt đối. Phần lớn thời gian là vì trẻ không có đủ năng lượng và nguồn lực dành cho việc học hành, bởi mọi thứ đã bị nỗi đau khổ với đám bạn bóp nghẹt. Triệu chứng cuối cùng mà cực kỳ đáng phải để ý bởi đây là triệu chứng biến đổi từ từ khó nhận thấy: trẻ đang từ chỗ điềm đạm, tình cảm bỗng trở nên cáu giận, gây gổ và khiêu khích. Vấn đề là chuyện này thường xảy ra nhất ở trường trung học, ở lứa tuổi thiếu niên, và ta tự nhủ rằng nguyên nhân là vì thế, bởi chỉ khi ở nhà trẻ mới có thể thể hiện điều này mà không gặp phải nguy cơ gì.

Trong cuốn sách của mình, chị đã liệt kê rất nhiều trường hợp kèm theo giải pháp. Nhưng có giải pháp nào có tác dụng đối với mọi trường hợp không?

Emmanuelle Piquet: Buồn thay là không. Phải tùy từng ca mà xử lý. Chính vì thế người ta mới phải đào tạo riêng cho nghề này, tôi chưa từng thấy trong ê kíp của mình có ai sử dụng một chiến lược cho hai lần. Ta thực sự phải nghiên cứu tình huống, phải biết kẻ bắt nạt giống với thứ gì, đâu là nguồn lực của trẻ để đưa ra được điều gì đó phù hợp một cách tinh tế.

Mạng xã hội có phải là vec tơ quan trọng của nạn bắt nạt?

Emmanuelle Piquet: Mạng xã hội làm thay đổi cường độ nạn bắt nạt. Có thể sử dụng mạng xã hội 24/24 giờ và chúng rất ấn tượng bởi chúng sẽ để lại những dấu vết khó xóa theo thời gian và ta tự nhủ cả tá người sẽ nhìn thấy chúng. Như vậy điều này sẽ rất đáng lo ngại nhất là đối với người lớn. Nhưng mạng xã hội lại không thay đổi được cấu trúc vấn đề và không làm thay đổi được bản chất: tôi chưa từng gặp bất cứ một em nhỏ nào bị bắt nạt chỉ ở trên mạng xã hội. Nên cũng không cần phải lên án Internet quá đỗi nặng nề. Bởi mạng xã hội cũng có mặt mạnh, ngay cả khi các vụ tấn công có thể dồn dập ở mức độ số lượng, vì mạng xã hội cho phép thực hiện nhiều chiến lược phản công sáng tạo. Hơn nữa, mạng xã hội còn giúp ta có thời gian chuẩn bị phản công, điều vốn không có được khi chuyện xảy ra trên sân trường. Vì vậy đây là một công cụ khá thú vị, với những người thực hành biết cách sử dụng nó!

Đâu nên là lời đáp của Viện Nghiên cứu Tâm thần và Bộ Giáo dục Quốc gia cho vấn nạn này?

Emmanuelle Piquet: Ở mỗi cơ sở học đường, chúng ta nên khuyến cáo sự hiện diện của các nguồn tham khảo mà ta có thể sử dụng để cùng trẻ bị bắt nạt lập ra các chiến lược. Bởi suy cho cùng, từ khoảng gần mười năm nay, Viện chúng tôi chủ yếu làm việc với các trẻ đi bắt nạt. Như thể trẻ bị bắt nạt thì không có quyền lên tiếng vậy! Do đó, cần phải đào tạo sao cho các y tá, giáo viên, tư vấn viên giáo dục, và toàn bộ cộng đồng giáo dục biết lắng nghe những trẻ nhỏ đang phải chịu đựng kia, và mang lại cho các em công cụ tự vệ hữu hiệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.