Trò chuyện để gần gũi con

GD&TĐ - Xã hội hiện đại, khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy bị bỏ rơi trong chính gia đình của mình. Nhiều khi, ước mơ của con trẻ chỉ là “con muốn được trò chuyện với bố mẹ nhiều hơn”.

Trò chuyện để gần gũi con

Luôn cô đơn

Nhiều phụ huynh lo lắng: Làm thế nào để hiểu con khi mà chúng ngày một lớn? Làm bạn với con, đó chính là con đường ngắn nhất để cha mẹ cùng con vượt qua tuổi teen.

Gần 20 chục năm làm chủ nhiệm, cô Nguyễn Bích Lộc, GV Trung tâm Giáo dục thường xuyên, huyện Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ: “Điều các con mong muốn tha thiết nhất, bố mẹ hãy dành thời gian trò chuyện với các con nhiều hơn. Nhiều khi các con nghịch ngợm, phá phách cũng do những bồng bột của tuổi trẻ. Bố mẹ không quan tâm, các con sẽ buồn, cô đơn và trượt dài trên con đường xấu…”.

Những dòng nhật ký của NTN chia sẻ trên Facebook cũng khiến người đọc không khỏi suy nghĩ: “Con xin bố mẹ đừng vắng nhà quá nhiều vào buổi tối. Đã lâu lắm rồi cả nhà mình ít khi có mặt đông đủ tại bàn ăn. Thông thường chỉ có con và bác giúp việc, hoặc có mẹ lại vắng bố.

Cách đây hai tuần con đã chia sẻ việc ở trường con có lễ hội, nhà trường yêu cầu bố hoặc mẹ sẽ có mặt cùng các con. Mặc dù gần đến ngày đó con đề cập lại chuyện này, bố nói rằng bận đi công tác, mẹ sẽ đi đến cùng con. Nhưng rồi mẹ cũng lại lỡ hẹn... vì có cuộc “gặp gỡ đột xuất”. Thấy con nước mắt lưng tròng, bác giúp việc đã ôm con vào lòng và thì thầm: “Hay hôm nay bác thử đóng giả mẹ của cháu! Chắc đông người mọi người sẽ không phát hiện được đâu...”.

Hãy làm bạn với con

Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Bình, Trung tâm Tư vấn Clever Land (Hà Nội) tâm sự: Với công việc của mình, chị thường xuyên được tiếp xúc và nghe được những câu chuyện từ các gia đình. Theo chị, nuôi dạy trẻ không đơn thuần chỉ là chăm sóc về mặt vật chất, mà cha mẹ rất cần theo dõi những bước phát triển về tinh thần của con cái. Muốn được con chia sẻ tâm sự, bố mẹ cần phải học cách chơi và trò chuyện cùng con.

Chuyên gia Nguyễn Thị Bình thẳng thắn, cha mẹ không nên nhìn và đánh giá sự phát triển của con với tư thế mình là người bề trên để soi xét. Như vậy chỉ càng đẩy xa khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Hãy cho con hiểu, con luôn được tôn trọng và cha mẹ luôn sẵn sàng nghe con tâm sự với tư cách một người bạn lớn. Muốn như vậy, cha mẹ nên dành thời gian học và chơi cùng con.

Dành thời gian cho con chắc chắn bạn sẽ biết con đang nghĩ gì, đang lo sợ điều gì và đang mong muốn như thế nào? Chúng ta không thể bắt một đứa trẻ đang ở độ tuổi mới lớn phải suy nghĩ giống mình và làm theo cách mà người lớn nghĩ. Tuy nhiên, những góp ý uốn nắn kịp thời sẽ giúp trẻ hiểu và tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Trao đổi về điều này, cô giáo Nguyễn Bích Lộc cũng bày tỏ quan điểm của mình: Để mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được gắn kết, các gia đình cần duy trì mối sinh hoạt hàng ngày. Đừng vì sợ mệt mỏi mà không cho con tham gia việc nhà. Khi làm việc cùng nhau, cả nhà sẽ có nhiều cơ hội để gần gũi, bộc lộ, chia sẻ.

Có những đứa trẻ ước mơ được trở thành chiếc điện thoại di động. Đơn giản là vì, bố mẹ “yêu” cái di động đến mức chúng cảm thấy bố mẹ quan tâm đến điện thoại hơn cả mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ